Công nghệ thông tin và tương lai phát triển đất nước

00:00, 02/05/2011

Đó là chủ đề hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành, các hiệp hội và doanh nghiệp công nghệ thông tin, trường đại học, viện nghiên cứu.

Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông.

Hội thảo nhằm đánh giá, nhìn nhận toàn diện về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT) đối với phát triển kinh tế-xã hội từ thực tiễn phát triển CNTT hơn 10 năm qua kể từ khi Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 58 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH”.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết: những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng thực hiện các phương châm và giải pháp thông qua chính sách và quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức nhà nước để phát triển CNTT, phục vụ thiết thực cuộc sống của người dân. Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, nhờ có Chỉ thị 58, 10 năm qua, CNTT-TT Việt Nam đã phát triển và đạt được nhiều kết quả ngoạn mục, trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật rất quan trọng của đất nước, có mức tăng trưởng hàng năm gấp từ 3-4 lần mức tăng trưởng GDP và đóng góp khoảng 6,7% GDP của cả nước. Những thành tựu về ứng dụng và phát triển CNTT-TT đã đóng góp một vai trò quan trọng cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam nằm trong 10 nước mạnh về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số cũng như nằm trong nhóm dẫn đầu về chính phủ điện tử và CNTT phải trở thành nền kinh tế mũi nhọn, đóng góp 8-10% GDP.


Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Tiến sỹ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính -Viễn thông cho rằng, việc CNTT đóng góp 8-9% GDP hay trở thành ngành kinh tế trọng điểm đó chưa phải là vấn đề quan trọng, mà nên coi CNTT là hạ tầng để các ngành khác phát triển đột phá. Về giải pháp thúc đẩy CNTT, theo ông Trực: Thứ nhất là quyết tâm chính trị, thể hiện ở các văn bản, tức là CNTT xứng đáng có một nghị quyết của Trung ương. Ngoài ra, trong tổ chức nhân sự, cấp trưởng phải vào cuộc. Lâu nay CNTT luôn được nói là quan tâm, ủng hộ nhưng nhìn chung những người đứng đầu vẫn chưa trực tiếp tham gia và quyết tâm chỉ đạo, chưa coi là việc của mình. Giải pháp thứ hai là về chính sách. Về chính sách, nước ta cần có chính sách cụ thể về sở hữu. Chẳng hạn, viễn thông phát triển tốt, nhưng hiện có quá nhiều doanh nghiệp hạ tầng mạng và chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, do đó cần sáp nhập lại cho gọn để tránh lãng phí và không nhất thiết Nhà nước phải sở hữu với tỉ lệ phần trăm lớn với một số doanh nghiệp trong nước bởi như vậy rất khó hợp tác để phát triển. Với viễn thông Internet, bởi thị trường đang rất cạnh tranh nên Nhà nước không cần đầu tư, thay vào đó nên lo cho đào tạo và nghiên cứu phát triển, lĩnh vực này tuy chưa mang lại kết quả ngay nhưng trong 10, 20 năm tới sẽ có hiệu quả rất cao. Cuối cùng là quản lý, 10 năm trước, với Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị, chúng ta có chính sách "quản lý được đến đâu thì mở đến đấy", đó là do thời ban đầu Việt Nam mới có Internet. Còn hiện nay, quản lý không thể tiếp tục tư duy "theo kịp", mà phải chỉ đường mở lối nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Giáo sư Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, để CNTT là động lực đổi mới đất nước thì không nên nghĩ CNTT là một ngành kinh tế, mà nên coi là phương tiện cho sự thúc đẩy phát triển kinh tế, là cơ sở thúc đẩy các ngành khác lên tầm cao mới với sự phát triển nhanh và đột phá, cũng như là cơ hội cho những nước đi sau bắt kịp các quốc gia phát triển trong thời gian ngắn.

Nhiều phát biểu tâm huyết của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp CNTT cũng đồng quan điểm coi CNTT là hạ tầng để các ngành khác phát triển đột phá, đưa ra những kiến nghị về phát triển CNTT và đề xuất cần sớm có một nghị quyết của Trung ương về CNTT trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của CNTT, vừa là hạ tầng cơ sở, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển vừa là một ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng đóng góp to lớn cho GDP và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, cần có quyết tâm chiến lược cao chọn CNTT là chìa khóa cho phát triển kinh tế tri thức, thực hiện thành công những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra. Đảng và Nhà nước cần có quyết sách mạnh mẽ về phát triển CNTT trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ban Tuyên giáo Trung ương tán thành việc đề xuất với Trung ương Đảng ra một nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế dựa trên CNTT.
 
 
(theo Mic.gov.vn)