Đấu giá tần số 4G: Chỉ còn chờ định giá
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, nếu việc trình Chính phủ diễn ra thuận lợi, Nghị định quy định về việc đấu giá tần số vô tuyến điện sẽ có thể sớm hoàn thành.
Chiều 24/3, tại trụ sở Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã diễn ra buổi làm việc nhằm đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý, sử dụng băng tần dành cho hệ thống thông tin di động được cấp phép thông qua đấu giá.
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Cục Tần số VTĐ - Bộ TT&TT), Bộ đang đợi chỉ đạo của Chính phủ về việc làm Nghị định theo hướng rút gọn. Trong trường hợp thuận lợi, Cục Tần số VTĐ có thể hoàn thành xong Nghị định này ngay trong tháng 4/2020.
Có nên đấu giá kênh tần, đổi tên Nghị định?
Liên quan đến Nghị định này, Cục Tần số VTĐ đang có 7 vấn đề muốn tham vấn ý kiến từ phía các doanh nghiệp viễn thông.
Đầu tiên là tên gọi chính thức của Nghị định. Trước kia, đây là Nghị định quy định về quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua đấu giá. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ TT&TT nên thể hiện một cách rõ ràng hơn tên gọi của Nghị định này.
Đối với vấn đề trên, ông Trung cho rằng, có thể sửa tên gọi thành Nghị định về việc đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Chiều 24/3, đã diễn ra buổi làm việc nhằm đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý, sử dụng băng tần dành cho hệ thống thông tin di động được cấp phép thông qua đấu giá (Ảnh Vietnamnet).
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, để tránh tình trạng mỗi lúc lại ra một quy định về việc đấu giá, ông Trung đặt vấn đề về việc nên xem xét quy định đối với băng tần và kênh tần.
Luật Tần số Vô tuyến điện nói rằng, những kênh tần và băng tần có giá trị thương mại cao, có nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ trong quy hoạch tần số vô tuyến điện sẽ được cấp giấy phép thông qua đấu giá. Tuy vậy, Cục Tần số VTĐ có đôi chút lăn tăn đối với việc đấu giá kênh tần.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho rằng, hầu hết các nước không đặt vấn đề đấu giá kênh tần mà phân bổ tài nguyên này theo hình thức “đến trước cấp trước".
Ví dụ tiêu biểu là trường hợp của New Zealand. Nước này đã đấu giá kênh tần 2 lần vào năm 2003 và 2008 với số tiền rất thấp. Do đó, Cục Tần số VTĐ và một số doanh nghiệp đề nghị, trước mắt nên bỏ việc đấu giá kênh tần.
Những khúc mắc khi đấu giá tần số vô tuyến điện
Cục Tần số VTĐ cũng muốn tham khảo ý kiến nhà mạng đối với phương pháp xác định doanh thu. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của quá trình đấu giá.
Theo Cục Tần số VTĐ, đơn vị này đề xuất 3 phương pháp tính doanh thu. Phương án thứ nhất chọn một số lượng mẫu nhất định (từ 3-7 mẫu) của băng tần đấu giá, sau đó tiến hành tính toán, quy đổi.
Sau quá trình trao đổi với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Trung cho rằng, trong quá trình tính toán doanh thu, nếu lấy số tiền đấu giá thành công của các nước để làm thước đo thì có phần phi lý. Do đó, Cục Tần số VTĐ đề xuất sẽ giảm 10% con số này khi tiến hành quy đổi.
Theo Cục Tần số VTĐ, đơn vị này đề xuất 3 phương pháp tính doanh thu.
Ở phương án thứ 2, nếu không áp dụng được phương án 1, Cục Tần số VTĐ đề nghị tính toán doanh thu băng 2.6 GHz dựa trên doanh thu của băng 2.3 GHz theo 2 tham số cơ bản là vùng phủ và tỷ lệ thiết bị đầu cuối.
Với phương án thứ 3, trong trường hợp gặp phải băng tần chưa từng đấu giá và cũng không có con số đối chiếu, có thể kết hợp giữa cả 2 phương pháp ban đầu.
Theo Cục Tần số VTĐ, đơn vị này cũng gặp phải một số khó khăn trong việc đánh giá doanh thu. Đó là trong trường hợp xác định băng 2.6 GHz và 2.3 GHz theo nguyên tắc của Nghị định, không phân biệt công nghệ, qua tính toán sơ bộ, giá của băng tần 2.3 GHz chỉ cỡ khoảng 1/4 so với băng tần 2.6 GHz. Điều này rất khó để giải thích khi trình sang Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật tần số Vô tuyến điện, một tần số được đưa ra đấu giá khi bản thân tần số này có giá trị thương mại cao và nhu cầu thấp hơn khả năng phân bổ.
Người đứng đầu Cục Tần số VTĐ cho rằng, việc xác định tần số có giá trị thương mại cao khá rõ ràng, tuy nhiên rất khó để xác định nhu cầu sử dụng tần số đó thấp hơn khả năng phân bổ.
Với vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng tần số, quan điểm của Bộ TT&TT không khuyến khích việc chuyển nhượng. Do đó Cục Tần số VTĐ đặt vấn đề, doanh nghiệp phải chuyển nhượng cả khối băng tần mà mình được cấp phép. Điều này nhằm đảm bảo các cam kết trước khi đấu giá được thực hiện đầy đủ và tránh hình thành các doanh nghiệp không theo quy hoạch.
Vấn đề cuối cùng mà Cục Tần số VTĐ muốn tham khảo ý kiến các đơn vị liên quan là thủ tục phê duyệt dự án.
Theo kiến nghị của các nhà mạng, trong quá trình tham gia đấu giá, doanh nghiệp sẽ tự chủ động trả giá, sau đó mới tiến hành báo cáo cơ quan chủ quản. Nếu được cơ quan chủ quản chấp thuận, doanh nghiệp đó sẽ trúng giá theo giá đặt hàng. Còn nếu không, tiền đặt cọc được coi là chi phí hợp lý.
Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm tới vấn đề này và muốn tìm cách tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp khi liên quan đến Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước.
Phương Anh