Đẩy mạnh đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao
Ngày 8/11 tại Hà Nội, Cục Tần số Vô tuyến điện phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã tổ chức Hội thảo “Kết nối băng rộng không dây trên băng tần 6 GHz tại Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo.
Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, băng tần 6 GHz đang được Cơ quan quản lý tần số các nước nghiên cứu và tiếp cận về quy hoạch cho các hệ thống cấp phép (như IMT) hoặc miễn cấp phép (như Wi-Fi) theo các hướng khác nhau.
Theo đại diện của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), ở Việt Nam, tháng 9/2022 có 20 triệu/27 triệu hộ gia đình cả nước có cáp quang, đạt 74% số hộ dân cả nước (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021). Tốc độ băng thông rộng cố định 80 Mbps (tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2021). Trong quý 4 năm 2022, các nhà mạng sẽ nâng cấp dung lượng của 3 tuyến cáp quang biển thêm khoảng 4Tbps.
Ngoài ra, tỷ lệ dân số phủ sóng 4G đạt 99,8%; số lượng thuê bao băng rộng di động đạt trên 68 triệu thuê bao, tỷ lệ người dùng di động sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 73%; tốc độ truy cập băng rộng di động 39,5 Mbps (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021).
Bộ TT-TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 nhà mạng (Viettel, VNPT, Mobifone) tại 40 tỉnh thành; doanh thu dịch vụ viễn thông duy trì tốc độ tăng trưởng 5%/năm, chủ yếu dựa vào tốc độ tăng trưởng của băng rộng di động (tăng 14%) và băng rộng cố định (tăng 8%).
Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số Phát triển CNTT-TT (IDI) của ITU. Mạng băng rộng cố định được phổ cập đến tất cả các thôn, bản và đảm bảo 100% hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định. 90% doanh nghiệp, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị truy cập Internet với tốc độ trung bình 1 Gb/s.
Cùng với đó, mạng băng rộng di động (4G/5G) với tốc độ tối thiểu 70 Mb/s phủ sóng 100% dân số; 100% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% thuê bao di động có tài khoản dịch vụ Mobile Money; phát triển thêm 2 - 4 cáp ngầm; tổng doanh thu viễn thông đạt 20 - 25 tỉ USD.
Mục tiêu đến năm 2030, hạ tầng truy nhập băng rộng cố định được đầu tư nâng cấp đảm bảo 100% người dùng truy cập với tốc độ trên 1Gb/s; mạng 5G phủ sóng 100% dân số, hướng tới sự phát triển của mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; phát triển thêm 4 - 6 cáp ngầm.
Để đạt được những mục tiêu trên, Cục Viễn thông cho biết nhiệm vụ chính cần thực hiện là đẩy mạnh đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao (Gb/s) thông qua thúc đẩy, khuyến khích quan hệ đối tác công tư nhằm huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp trong khu vực. Khu vực kinh tế tư nhân phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Khuyến khích các nhà khai thác mạng ảo di động (MVNO) tham gia vào thị trường viễn thông. Tổ chức thực hiện và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, để hỗ trợ phổ cập dịch vụ viễn thông cố định và di động băng rộng.
Chân Hoàn (T/h)