Đổi mạng có giữ được số di động?

00:00, 16/05/2010

Ý tưởng được ấp ủ từ những năm 2005-2006, chính sách chuyển mạng giữ nguyên số di động hiện đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) xây dựng xong, chuẩn bị đưa ra lấy ý kiến các doanh nghiệp trong quý II/2010.

Nếu không có gì thay đổi, đề án dự kiến sẽ được chính thức áp dụng sau một đến hai năm nữa. Theo các chuyên gia viễn thông, khi Việt Nam áp dụng chính sách đổi mạng giữ nguyên số di động sẽ đem lại nhiều tiện ích cho cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng.
 

Với cơ quan quản lý Nhà nước, đây sẽ là một trong số những lời giải cho bài toán sử dụng quá nhiều mã mạng, đầu số, quá nhiều lượng SIM được tung ra thị trường hiện nay. Ở thời điểm này, đã có tới hơn 20 đầu số di động được cung cấp ra thị trường, thế nhưng vẫn chưa đáp ứng đu nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi ấy, lượng thuê bao ảo lại quá nhiều. Đây là hệ quả của các chương trình khuyến mãi được tung ra liên tiếp.

 

Với người sử dụng, quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm hơn vì lúc đó có thể đổi nhà cung cấp dịch vụ mà vẫn giữ nguyên số thuê bao. Trước đây, khách hàng không muốn chuyển mạng vì họ ngại mất số thuê bao, đặc biệt là những khách hàng dùng di động thực sự và thường xuyên. Nhưng giờ, họ có quyền được lựa chọn nhà mạng đáp ứng nhu cầu của mình mà không lo phải bỏ đi số điện thoại đang sử dụng.

 

Chính sách đổi mạng giữ nguyên số còn có tác động tích cực trong việc thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên thị trường. Khi áp dụng chính sách này, các đầu số di động không còn mang ý nghĩa khẳng định quyền sở hữu của riêng một doanh nghiệp nào nữa. Và vì vậy, các mạng di động sẽ phải tăng cường chất lượng dịch vụ với mức giá hợp lý. Mạng di động nào có giá cước tốt, chất lượng tốt sẽ tồn tại và phát triển.

 

Theo ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông, dự kiến quý II/2010, Bộ sẽ tham vấn, lấy ý kiến của các doanh nghiệp di động. Tuy nhiên để chính sách này có thể áp dụng trên thực tế, cũng phải sang năm 2011 hoặc 2012.

 

Để có thể giúp khách hàng giữ nguyên số thuê bao khi chuyển mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ phải xây dựng một hệ thống kỹ thuật trung gian làm nhiệm vụ lưu trữ thông tin chuyển đổi của từng thuê bao.

 

Và lẽ tất nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ phải ngồi lại với nhau, bàn thảo để đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cũng như những quy tắc, quy định chung cần được thực hiện nghiêm túc khi áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số.

 

Thế nhưng, bên cạnh ý kiến cho rằng giữ nguyên số khi chuyển mạng sẽ gặp trở ngại lớn nhất là vấn đề kỹ thuật, thì theo Tổng giám đốc IBM Việt Nam, Võ Tấn Long lại không hoàn toàn như vậy. Hiện nay, nếu về mặt công nghệ, những giải pháp để thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số đã có rồi.

 

Giải pháp về công nghệ để giải quyết vấn đề này đã có và không có quá nhiều khó khăn khi áp dụng. Ông Long cho biết, tháng 10/2009 vừa rồi, IBM đã trình diễn giải pháp này tới các doanh nghiệp và người dùng Việt. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay khi áp dụng đó là về mặt chính sách.

 

Bộ TT-TT phải có được một chính sách về áp dụng phương án này. Tiếp theo đó là làm sao phải có được sự thống nhất giữa các nhà mạng để thoả thuận đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng số thuê bao của họ. Lấy gì làm đảm bảo một số điện thoại này khách hàng đã lựa chọn sẽ không bị người khác lấy mất. “Về mặt quản lý hành chính của nhà nước cần phải có những quy định cụ thể, bởi sự hỗ trợ nhanh hơn nữa từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng” - ông Long nói.

 

Ở thời điểm này, khi Bộ TT-TT thông bắt đầu lấy ý kiến tham vấn các doanh nghiệp để triển khai các bước tiếp của đề án. Thiết nghĩ, bên cạnh khâu kỹ thuật, quả thực, vấn đề chính sách được xây dựng như thế nào cũng rất quan trọng, đó sẽ là một yếu tố để đề án đổi mạng giữ nguyên số có thể thực hiện và thành công tại Việt Nam.

 

Nguyên Lê