FISU Việt Nam Gặp gỡ đầu Xuân Giáp Thìn 2024

16:57, 10/03/2024

Ngày 9/3/2024, chương trình “Gặp gỡ Xuân Giáp Thìn 2024” của CLB Khoa -Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông (CNTT-TT), gọi tắt là FISU Việt Nam đã được tổ chức tại Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh).

GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch FISU Việt Nam. Chủ trì buổi Gặp gỡ đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tại Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh).

Gặp gỡ Xuân Giáp Thìn 2024 là cơ hội để đại diện các Khoa, Trường, Viện trong lĩnh vực CNTT-TT cùng nhau gặp gỡ, trao đổi, giao lưu về phương hướng phát triển của FISU trong thời gian tới, đồng thời bàn luận chuyên sâu về các chủ đề công nghệ nổi bật như CS Ranking, Blockchain, AI,… cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này.

Tham dự sự kiện có TS.Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Công nghiệp CNTT và TT; GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch FISU, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành CNTT Việt Nam; Ông Nguyễn Long - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP); TS.Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cùng các Phó chủ tịch, các ban chức năng và Ủy viên Ban chấp hành FISU Việt Nam và đại diện của 3 chi hội vùng miền của FISU Việt Nam: FISU Trung du - Miền núi - Duyên hải phía Bắc, FISU Miền trung Tây Nguyên và FISU Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Long Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam phát biểu tại buổi Gặp gỡ đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tại Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh).

Phát biểu tại Gặp gỡ FISU năm 2024, ông Nguyễn Long nhấn mạnh: “Năm 2023, FISU đã mở rộng mô hình tổ chức, nhiều hoạt động có kết quả đáng khích lệ. Năm 2024 này chính là cơ hội và thách thức để FISU phát triển và cần lan toả thương hiệu FISU có ý nghĩa với các Bộ ngành như Thông tin và Truyền thông, Giáo dục đào tạo, Khoa học và Công nghệ và kết nối tới các Hội - Hiệp hội ngành CNTT. Các Hội nghị, hội thảo cần kết hợp xây dựng Thương hiệu riêng với hình ảnh FISU và đẩy mạnh công tác truyền thông báo chí theo hướng rộng khắp và hiệu quả. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của FISU là hoạt động kết nối với khối Doanh nghiệp, ngoài các hợp tác nghiên cứu, đặt hàng KH&CN cần mở rộng thêm mô hình: tái đào tạo công nghệ và chuyên sâu (Train the Trainer), đánh giá lại năng lực, thực tập (Internet) và tuyển dụng. FISU là anh cả cần dẫn đầu đồng hành cùng các CLB chuyên môn khác như VFOSSA, VLSP, VNOI và ExIO phối hợp trong các hoạt động chuyên sâu về Khoa học và Giáo dục.”

Là thành viên tập thể của VAIP, FISU Việt Nam đã có nhiều hoạt động khẳng định vị thế. Năm 2023, FISU Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ II (4/2023) và bầu ra Ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2023-2028 (28 thành viên).

Trong bối cảnh đào tạo và nghiên cứu CNTT-TT ở Việt Nam có nhiều thay đổi nhanh chóng với nhiều xu thế công nghệ mới như ChatGPT, hay thiết kế vi mạch, cộng đồng FISU Việt Nam đã có nhiều hoạt động rất tích cực.

Về công tác chuyên môn đào tạo, các thành viên của FISU đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành CNTT bậc đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Tháng 11/2023, FISU Việt Nam đã phối hợp với Cục Công nghiệp CNTT&TT/Bộ TTTT tổ chức Hội thảo phát triển NNL CNTT-TT; hội thảo thu hút gần 80 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực CNTT-TT, đại diện của các cơ sở đào tạo đại học ngành CNTT-TT trong phạm vi cả nước và đại diện doanh nghiệp CNTT-TT, công nghệ số về các chủ đề như đào tạo liên ngành, bảo đảm chất lượng, tạo nguồn đầu vào,….

Về công tác nghiên cứu khoa học, các hội thảo KSE2023, VNICT (@) 2023, AI4VN đều được FISU Việt Nam hỗ trợ tổ chức thành công. Các chi hội FISU khu vực phía Trung du miền núi phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu long đã tổ chức tốt các hội thảo CITA, ISDS, ICTA và các sự kiện học thuật.

Trong công tác hợp tác phát triển, FISU đã tham gia ban điều hành OpenScience.vn, nền tảng mở về dữ liệu phục vụ nghiên cứu AI ở Việt Nam. Phối hợp với VINASA tổ chức giải thưởng VietFuture2023. Đoàn chuyên gia của Viện công nghệ tiên tiến nhật bản JAIST đã được FISU kết nối làm việc với các đơn vị đào tạo khu vực Trung du miền núi và khu vực Đồng bằng sông Cửu long.

Phương hướng hoạt động trong năm 2024, FISU Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động tiêu biểu như: Tổ chức Hội thảo đào tạo nhân lực CNTT 2024 với các chủ đề chuyên sâu như chương trình đào tạo, công nghệ đào tạo, kiểm định chất lượng, đào tạo liên thông các cấp, chất lượng nguồn nhân lực,… (tháng 7); Tiếp tục gắn kết FISU với các Hội nghị quốc gia và quốc tế ; Thành lập nhóm chuyên môn về Cyber Security (task force); Tham gia tổ chức giải thưởng cho luận văn luận án xuất sắc; Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học trong FISU kết nối khu vực ASEAN (tháng 7); Phát triển hợp tác với các đối tác, trong đó có ký MoU với Cục CN CNTT; Tổ chức các cuộc thi, giải thưởng cho sinh viên, nghiên cứu sinh về sáng tạo và KH&CN, nhanh chóng đưa Báo cáo xếp hạng đào tạo CNTT (Vietnam CS Ranking) sớm thành hiện thực và được phổ biến rộng rãi.

Lãnh đạo Trường Đại học Hạ Long chụp ảnh lưu niệm cùng các Uỷ viên BCH FISU Việt Nam.

Về FISU Việt Nam: Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông (tên quốc tế theo tiếng Anh là Club of Faculties-Institutes-Schools-Universities of ICT, viết tắt là FISU Việt Nam), là một tổ chức thành viên thuộc Hội Tin học Việt Nam, được thành lập tháng 4 năm 2018. FISU Việt Nam bao gồm các thành viên được tập hợp tự nguyện trên cơ sở tiếp thu và chia sẻ ý tưởng của cộng đồng nghiên cứu và đào tạo CNTT-TT tại Việt Nam, với mong muốn là nơi tụ hội, kết nối, định hướng, chia sẻ về đào tạo và nghiên cứu, để có tiếng nói chung tham gia vào các hoạt động phát triển giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT của nước nhà, mang lại lợi ích chính đáng cho các thành viên, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, góp phần đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc CNTT-TT trên thế giới. Trải qua 5 năm hoạt động, đến nay FISU Việt Nam không ngừng lớn mạnh với 3 chi hội: Trung du - Miền núi - Duyên hải phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)