Grab đẩy nhanh thương vụ thâu tóm GoTo, kỳ vọng hoàn tất trong quý 2
Grab hiện đã thuê các cố vấn để hỗ trợ triển khai thương vụ mua lại GoTo. Các điều khoản tài chính vẫn đang được thương lượng, đáng chú ý là có sự tham gia của một số ngân hàng. Dù vậy, cả Grab và GoTo đều từ chối đưa ra bình luận chính thức…
Hãng tin Reuters tiết lộ rằng Grab, được hậu thuẫn bởi Uber, được cho là sẽ chi khoảng 7 tỷ USD để mua lại các mảng kinh doanh của GoTo. Trong khi đó, dữ liệu từ LSEG cho thấy cổ phiếu GoTo niêm yết tại sàn giao dịch Jakarta đã tăng 20% kể từ đầu năm đến nay, nâng giá trị thị trường của công ty lên khoảng 5,8 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Grab giao dịch trên sàn Nasdaq cũng đã tăng 2,4% từ đầu năm đến nay, nâng giá trị thị trường lên gần 20 tỷ USD, theo dữ liệu từ LSEG.
Trong khi đó, GoTo sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh quốc tế tại Singapore cho Grab. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa Indonesia – thị trường chủ lực của GoTo, công ty này sẽ chuyển nhượng phần lớn hoạt động cho Grab, ngoại trừ mảng tài chính.
Grab hiện đang cung cấp đa dạng các dịch vụ như giao hàng, vận chuyển và tài chính, theo thông tin đăng tải trên trang web chính thức. Trong khi đó, GoTo tự nhận là hệ sinh thái số lớn nhất tại Indonesia, hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ ngân hàng.
Theo Euromonitor International, đơn vị chuyên phân tích dữ liệu thị trường, nếu thương vụ sáp nhập diễn ra thành công, Grab và GoTo sẽ tạo nên một “gã khổng lồ” thống lĩnh ngành gọi xe tại Đông Nam Á, với thị phần lên đến khoảng 85% trong một thị trường trị giá 8 tỷ USD.
Nếu thương vụ sáp nhập diễn ra thành công, Grab và GoTo sẽ tạo nên một “gã khổng lồ” thống lĩnh ngành gọi xe tại Đông Nam Á.
Ông David Zhang, Giám đốc phụ trách mảng thanh toán và cho vay của Euromonitor khu vực châu Á, nhận định: “Thực thể sau sáp nhập sẽ nắm giữ hơn 91% thị phần ở Indonesia và gần 90% tại Singapore”.
Ông cho rằng điều này sẽ khiến các cơ quan chức năng tại các thị trường lớn trong khu vực đặc biệt chú ý và có thể siết chặt giám sát. Ông cũng cảnh báo thương vụ có thể vấp phải phản ứng từ các nhà quản lý vì lo ngại rủi ro độc quyền.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Niko Margaronis, nhà phân tích tại công ty chứng khoán Indonesia BRI Danareksa Sekuritas, cơ quan quản lý của Indonesia có thể sẽ cân nhắc kỹ lưỡng với cách tiếp cận thực tế, hướng tới lợi ích lâu dài như tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, các quốc gia trong khu vực đang tăng cường kiểm soát đối với những thương vụ có dấu hiệu độc quyền. Điển hình, vào tháng 3 vừa qua, Uber đã buộc phải hủy thương vụ mua lại mảng Foodpanda tại Đài Loan trị giá 950 triệu USD từ tay Delivery Hero, sau khi giới chức nước này bác bỏ đề xuất vì lo ngại cạnh tranh không lành mạnh và nguy cơ giá cả dịch vụ tăng cao.