Hãy hành động có trách nhiệm trên không gian mạng

15:16, 19/07/2023

Đối với người dùng, 4 nguyên tắc để hành động có trách nhiệm trên không gian mạng đó là: Suy nghĩ trước khi chia sẻ, tải (hoặc đăng), hoặc bình luận video, hình ảnh, tin tức trên mạng, không thực hiện các thao tác trên nếu không chắc chắn về thông tin. Kiểm tra, xem xét nguồn tin, tác giả, độ tin cậy của thông tin. Tôn trọng suy nghĩ và quyền riêng tư của bản thân và của người khác. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện tin giả, sai sự thật.

Thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện một số đối tượng sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin, chia sẻ những bài viết, video vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước, đăng tải thông tin giả mạo, xấu, độc. Có những trường hợp vi phạm ngoài việc nhắc nhở, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau đã ra quyết định xử phạt hành chính để giáo dục răn đe.

Trong 02 năm qua (2021-2022) có 23 trường hợp bị xử lý, vi phạm nhiều nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát; Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các ngành chức năng phát hiện và xử lý bằng hình thức lập biên bản giáo dục, nhắc nhở 15 trường hợp; xử phạt 7 trường hợp sử dụng mạng xã hội Facebook cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân, tổ chức trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền trên 51 triệu đồng. Ðồng thời, buộc các đối tượng gỡ những thông tin đăng tải sai sự thật, vu khống và đăng tin cải chính.

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, theo dõi để sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.

Thanh tra Sở TT&TT xử lý đối tượng sai phạm về thông tin sai sự thật tại ấp Cây Trâm, xã Định Bình, thành phố Cà Mau. (Ảnh: Yến Ngọc)

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính 02 cá nhân đăng thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, nhà nước với số tiền 60 triệu đồng; đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hình sự 03 cá nhân chia sẻ thông tin xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau đã ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối ông V.T.T sinh năm 1992, ngụ tại khóm 5, phường 5, thành phố Cà Mau, chủ tài khoản facebook “Steven Tín” về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Trước đó, ngày 22/7/2021, Ông V.T.T sử dụng tài khoản facebook “Steven Tín” đăng thông tin cán bộ bảo vệ dân phố thu 90.000 đồng tiền làm thẻ ra đường. Xác định nội dung thông tin đăng trên tài khoản facebook “Steven Tín” không đúng sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và công tác phòng chống dịch Covid-19, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với cơ quan công an mời chủ tài khoản facebook vừa nêu đến làm việc. Ông V.T.T đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình và đã tự giác xóa bài đăng.

Cơ quan chức năng làm việc với ông V.T.T. (Ảnh: Yến Ngọc) 

Giáo dục nhận thức từ mạng xã hội

Tiện ích của mạng xã hội là nhanh chóng, nhưng tính chính xác, độ tin cậy chưa cao. Vì vậy, chức năng của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân không thể thiếu trong xây dựng và bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Ðảng.

Ông Dương Minh Em, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 35 thành phố Cà Mau, cho biết: "Bằng các biện pháp nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trang Website, YouTube, tài khoản mạng xã hội để tuyên truyền, đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, chống đối Ðảng, Nhà nước được Ban Chỉ đạo 35 thành phố Cà Mau sẽ chỉ đạo các thành viên, lực lượng an ninh mạng kết nối, xây dựng các trang mạng xã hội để chia sẻ. Tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch".

Việc dùng mạng xã hội hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là giới trẻ, thanh thiếu niên và cả người dân thiếu kiến thức về pháp luật. Các đối tượng vì muốn thông tin nhanh, thông tin nóng, trở thành “vua bàn phím” để có thể câu like, câu view... kiếm thêm thu nhập từ nhà mạng khi đạt số lượt view cao, đã dẫn đến đăng tải, chia sẻ vi phạm.

Ông Trần Đăng Khoa - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, chia sẻ: "Xác định mạng xã hội đã thu hút giới trẻ tham gia rất lớn, nên đơn vị đã tạo trang Fanpage Tuổi trẻ Cà Mau và kênh Youtube Tuổi trẻ Cà Mau nhằm để tuyên truyền và định hướng các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà Nước; các hoạt động, phong trào của Đoàn.

Bên cạnh đó, thông qua các cuộc thi, sân chơi... đơn vị đều lồng ghép tuyên truyền việc tham gia mạng xã hội, những điều cần tránh trên môi trường mạng xã hội để thanh thiếu niên hiểu, tránh vi phạm pháp luật, và đảm bảo môi trường văn hoá lành mạnh khi tham gia mạng xã hội".  

Đối với người dùng: 4 nguyên tắc để hành động có trách nhiệm trên không gian mạng đó là: Suy nghĩ trước khi chia sẻ, tải (hoặc đăng), hoặc bình luận video, hình ảnh, tin tức trên mạng, không thực hiện các thao tác trên nếu không chắc chắn về thông tin. Kiểm tra, xem xét nguồn tin, tác giả, độ tin cậy của thông tin. Tôn trọng suy nghĩ và quyền riêng tư của bản thân và của người khác. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện tin giả, sai sự thật. Đối với các tổ chức, cơ quan nhà nước: Chủ động cung cấp thông tin chính xác cho người dân thông qua nhiều phương thức khác nhau. Xác thực, minh bạch thông tin, tạo niềm tin cho người dân.

Đối với cơ quan báo chí: Giữ vững các giá trị cốt lõi, không chạy theo nhu cầu giật tít, câu view để đưa những thông tin không chính xác, không để thông tin trên mạng xã hội dẫn dắt. Có trách nhiệm kiểm chứng thông tin, phản bác tin giả, tin sai sự thật. Đối với nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước.

Cảnh báo cho người dùng về rủi ro, mối nguy hiểm khi hoạt động trên không gian mạng. Đảm bảo đầy đủ điều kiện về kỹ thuật, công nghệ để chủ động loại bỏ, ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm (tin giả, sai sự thật). Phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn thông tin vi phạm.

Ông Nguyễn Công Ơn, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, theo Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Công nghệ thông tin năm 2017; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và các quy định khác có liên quan, người sử dụng Internet, mạng xã hội phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ cung cấp, phát tán trên môi trường mạng; Không cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân; Không được phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo. Không cung cấp, lưu trữ, phát tán, sử dụng thông tin vi phạm điều cấm Luật An ninh mạng (Điều 8); Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (Điều 5).

Như vậy, phải tôn trọng và thực hiện các quy tắc ứng xử trên không gian mạng do cơ quan có thẩm quyền ban hành với mục đích nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội cho người dân khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

Ngoài ra trong trường hợp sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong nước hoặc xuyên biên giới, người dùng còn cần tuân theo các tiêu chuẩn cộng đồng riêng của từng mạng xã hội. Vì vậy, để quản lý tốt thông tin trên không gian mạng phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp như: Giải pháp kiểm tra hành chính; giải pháp kỹ thuật về cài đặt phần mềm quản lý, phần mềm chặn Website có nội dung đồi trụy và giải pháp tuyên truyền giáo dục. Trong đó, giải pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người sử dụng Internet và mạng xã hội là giải pháp thường xuyên, liên tục, lâu dài và quan trọng nhất.

Bên cạnh đó chúng ta cần tìm hiểu rõ khi sử dụng mạng Internet:

Một là đề cao cảnh giác, chủ động tham khảo, tìm hiểu và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, lựa chọn, sàng lọc, kiểm tra thông tin cho mình. Tìm hiểu quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, trong đó lưu ý không thực hiện những nội dung pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại Luật An toàn thông tin mạng.

Hai là nên truy cập những trang web có nguồn gốc chính thống, uy tín (trang web có thông tin cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm, địa chỉ, điện thoại,..)

Ba là sử dụng internet vào mục đích lành mạnh, kiểm chứng, chắc lọc thông tin trước khi chia sẽ hay sử dụng. Tuyệt đối không click vào các đường link lạ hay quảng cáo không rõ nguồn gốc.

Bốn  bảo mật thông tin cá nhân, tránh để kẻ xấu lấy thông tin nhằm giả danh để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Tuyệt đối không chia sẽ thông tin, mật khẩu các tài khoản cá nhân, không truy nhập vào các tài khoản cá nhân tại các thiết bị công cộng; đăng xuất tài khoản khi sử dụng xong.

Năm là không sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc.

Và thông điệp “HÃY HÀNH ĐỘNG CÓ TRÁCH NHIỆM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG.

Theo thanhtravietnam.vn 

https://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/hay-hanh-dong-co-trach-nhiem-tren-khong-gian-mang-205157.html