Hội thảo Chữ ký số và Lưu trữ điện tử tập trung - Nền tảng xây dựng Chính quyền số và Công dân số
Sáng 24/2, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phối hợp với Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số cùng Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS tổ chức Hội thảo Chữ ký số và Lưu trữ điện tử tập trung - Nền tảng xây dựng Chính quyền số và Công dân số. Sự kiện nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu số toàn diện, liên thông trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
- Tiền Giang hợp tác với VNPT ra mắt nền tảng chính quyền số toàn diện đầu tiên
- Chính quyền số: người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi
- Hà Nội đặt ra 15 chỉ tiêu trong triển khai thực hiện ứng dựng CNTT và Chính quyền số
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT làm cơ sở xây dựng chính quyền số
- Đà Nẵng trên hành trình chuyển đổi số - Bài 1: Xây dựng chính quyền số chuyên nghiệp, hiện đại
Quang cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường; cùng đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, địa phương thành phố.
Hội thảo được tổ chức tại Hải Phòng là dịp để các Sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố được nghe và chia sẻ các định hướng của Chính phủ về chuyển đổi số, cũng như một số kinh nghiệm đã triển khai thực tế. Từ đó sẽ giúp triển khai hiệu quả chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị theo tinh thần và yêu cầu của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Hội thảo, các diễn giả từ Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS chia sẻ về các vấn đề nền tảng xây dựng chính quyền số, công dân số.
Trong đó, các diễn giả chia sẻ về những quan điểm mới, vấn đề cụ thể liên quan đến Chính quyền số và công dân số như: lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước; thời cơ, thách thức và định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục; chữ ký số, lưu trữ điện tử lâu dài và xác thực tài liệu điện tử; ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử…
Các đại biểu dự hội thảo cũng chia sẻ về các vấn đề phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong y tế; chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh; chuyển đổi số bệnh viện; khuyến nghị trong công tác chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng…
Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế đã triển khai tại tỉnh Hậu Giang, tính pháp lý của hồ sơ nộp trực tuyến, khó khăn, vướng mắc… Đồng thời, đề xuất những giải pháp khắc phục như: hỗ trợ giải pháp ký số trong giai đoạn thí điểm; tài trợ chi phí cho người dân sử dụng chữ ký số giúp hình thành thói quen; triển khai ký số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại thông minh…
Ông Lương Hải Âu, GĐ Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phát biểu khai mạc.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Lương Hải Âu cho hay, hội thảo là cơ hội để các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố được chia sẻ các định hướng của Chính phủ về chuyển đổi số và một số kinh nghiệm đã triển khai trong thực tế. Qua đó, các ngành, địa phương, đơn vị sẽ triển khai việc chuyển đổi số một cách hiệu quả theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Năm 2022, thành phố Hải Phòng xác định chuyển đổi số là động lực trong phát triển bền vững, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp…
Trong đó, phát triển hệ thống ký số và lưu trữ điện tử tập trung sẽ tạo đà để Hải Phòng có những bước tiến đột phá trong cải cách hành chính, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.
Hoàng Hằng (T/h)