Khâu đột phá của đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn

13:06, 03/06/2024

Chính phủ hiện đã đưa ra quan điểm rất rõ, trong công nghiệp bán dẫn thì phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá của đột phá; phải đầu tư cho xứng tầm thì mới mang lại giá trị đích thực.

Bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, gây ra tình trạng khan hiếm chíp bán dẫn. Vì vậy, bản đồ thế giới về ngành công nghiệp này đang có nhu cầu được vẽ lại. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này – Lĩnh vực nền tảng của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, những điều kiện Việt Nam đang rất cần cho quá trình phát triển nhanh, bền vững.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chính phủ hiện đã đưa ra quan điểm rất rõ, trong công nghiệp bán dẫn thì phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá của đột phá; phải đầu tư cho xứng tầm thì mới mang lại giá trị đích thực. Tới đây, Việt Nam sẽ có hai căn cứ pháp lý rất quan trọng về nội dung này. Đó là Chiến lược phát triển Công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam và Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2024, các trường có thể tuyển thêm khoảng 5 nghìn em bậc đại học, 1 nghìn học viên Cao học và khoảng 100 nghiên cứu sinh trong ngành công nghiệp bán dẫn.

"Đây là thời cơ quan trọng để Việt Nam gặt hái được thành công. Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế, trước hết nguồn nhân lực dồi dào, chi phí thấp. Thứ hai là kinh nghiệm xuất khẩu phần mềm chúng ta đã có và cũng là một trong những nước có thành công về xuất khẩu phân mềm. Thứ ba là vị trí địa chính trị và chính trị rất ổn định. Đây là các lợi thế rất quan trọng. Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ đã rất hỗ trợ chính sách về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn".

Dự báo, thị trường chíp bán dẫn của thế giới sẽ đạt doanh thu 1 nghìn tỷ USD và cần khoảng 1 triệu lao động vào năm 2030. Và Việt Nam hiện đặt ra mốc đào tạo từ 50 nghìn đến 100 nghìn nhân lực chất lượng cao trong ngành này. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT nêu ra những điều kiện quan trọng để đáp ứng được mục tiêu đầy tham vọng này.

"Trước hết, chúng ta rất cần đội ngũ giảng viên được cập nhật, đào tạo kiến thức tiên tiến nhất, đồng thời thu hút được những tài năng trong nước và quốc tế để trở thành giảng viên hoặc tham gia giảng dạy trong quá trình đào tạo. Thứ hai là nguồn lực cho các phòng thí nghiệm trọng điểm. Rõ ràng, trong lĩnh vực công nghệ cao mà không có phòng thí nghiệm, không có nơi cho sinh viên thực hành, không có sự liên kết với các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thì chúng ta sẽ rất khó khăn trong quá trình triển khai. Tiếp đó, phải nói đến giáo trình tài liệu và cập nhật chương trình đào tạo, phải luôn luôn cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất".

Theo Bộ GD&ĐT, sinh viên đại học hiện đang theo học các ngành điện tử viễn thông hiện khoảng 26 nghìn em. Chúng ta có thể thu hút được khoảng 30-50% số lượng này học chuyển đổi sang ngành công nghiệp bán dẫn. Đối với tuyển sinh mới năm 2024, các trường có thể tuyển thêm khoảng 5 nghìn em bậc đại học, 1 nghìn học viên Cao học và khoảng 100 nghiên cứu sinh. Việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ hướng đến đủ về số lượng mà còn đáp ứng được những chuẩn mực quốc tế; phục vụ cho thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://media.chinhphu.vn/khau-dot-pha-cua-dot-pha-trong-nganh-cong-nghiep-ban-dan-102240603132813609.htm