Kỳ 3: "Vào Bách Khoa để làm việc khó" - (PGS.TS. Tạ Hải Tùng)
“Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là khổ luyện.” – (Thomas Edison)
Mục tiêu World Final khiến Đức, Quang, Tùng phải đánh đổi rất nhiều thứ khác. Thay vì thời gian có thể thực tập trên lab, trên công ty hay các hoạt động xã hội khác, ba bạn đã vùi mình trước màn hình máy tính để luyện tập đều đặn thì mới giữ được tư duy thuật toán nhạy bén cùng khả năng lập trình nhanh nhạy và ít lỗi, từ xưa tới nay người ta có câu phải “VĂN ÔN VÕ LUYỆN” mới thành tài!
“Lập trình viên thi đấu cũng như những vận động viên thể thao, cần phải rèn luyện thường xuyên để giữ được cảm hứng và phát triển các kỹ năng lập trình giải bài!” (Bài giảng môn Thuật Toán Ứng Dụng – Đại học Bách Khoa Hà Nội).
Chương 3. Drama và trái ngọt cuối
1. Những thành công trên đấu trường ICPC đã khiến Bamboo trở nên tự tin tột độ. Ngay sau khi ra khỏi phòng thi WF2019, thầy đã bất ngờ với tiếc nuối của Quang khi nói là khả năng của đội hoàn toàn có thể giải được 7 bài (tương đương số bài với đội trong top 12 đạt huy chương) nhưng do kỹ năng và tốc độ còn chưa chín muồi nên đặt mục tiêu săn huy chương cho lần trở lại vào năm sau! Trong lịch sử ICPC, chưa một đội Việt Nam nào (thậm chí chưa có thí sinh người Việt Nam thi đấu cho các trường đại học trên thế giới nào) giành được huy chương World Final. Nói một cách ví von thì việc đạt huy chương World Final khó như là lọt vào vòng bán kết một kỳ World Cup trong bóng đá vậy.
Bên cạnh đó các môn học từ năm thứ 3 đã hoàn toàn là các môn chuyên ngành Khoa học máy tính nên việc học trên lớp của các bạn rất thuận lợi, kết quả học tập trở nên hoàn hảo, hầu hết các môn học các bạn đều đạt điểm A đã kéo điểm tổng kết của ba bạn lên cao. Các bạn đã có thể nghĩ đến tấm bằng xuất sắc khi ra trường. Không còn quá lo lắng đến kết quả học tập trên lớp, ba bạn dồn toàn bộ quyết tâm cho ICPC vào năm sau. Đây cũng là “canh bạc” cuối cùng trước khi quyết định hướng nghiệp cho tương lai.
Tại Đại học Bách Khoa, những sinh viên có tư chất xuất sắc thường chọn một trong hai hướng. Hướng thứ nhất là theo con đường nghiên cứu, từ khoảng năm thứ 3 sẽ tham gia một lab nghiên cứu với các thầy cô, chọn một lĩnh vực chuyên môn hẹp, học kiến thức nền tảng và tập tành làm các bài toán nghiên cứu ở lab. Các bạn sẽ được làm việc trong môi trường nghiên cứu cùng với nhóm chuyên môn, với chuyên gia nước ngoài, sử dụng tiện ích, cơ sở vật chất của lab, tiếp cận với những đề tài nghiên cứu của thầy cô, tham gia các hoạt động xemina, trường hè, hội thảo và tập tành viết bài báo khoa học cùng nhóm. Với hướng này, đa phần các bạn sẽ phấn đấu để sau khi ra trường xin được học bổng tiếp tục học thạc sĩ/tiến sĩ hoặc xin vào các bộ phận R&D ở các doanh nghiệp lớn. Hướng thứ hai là ra trường đi làm lập trình viên ngay ở các công ty nước ngoài hoặc công ty lớn trong nước lương cao hàng ngàn đô la Mỹ. Giống như trên thế giới, các doanh nghiệp ở Việt Nam trả lương cao bây giờ rất chú trọng tuyển những bạn có tư duy thuật toán tốt, thi tuyển đầu vào bao giờ cũng có bài thi tư duy/lập trình thuật toán. Vì vậy những bạn trong các đội tuyển ICPC/Olympic Tin học luôn được các doanh nghiệp lớn chờ đón ở đầu ra.
Dù chọn hướng 1 hay hướng 2 thì “canh bạc” các bạn đã chọn cũng giúp các bạn có được nền tảng kiến thức và CV tốt cho tương lai.
2. Năm thứ 4, năm 2019, đội giữ tên Bamboo (không còn kèm tiền/hậu tố nhắng nhít nữa). Cái tên bây giờ cũng thể hiện sự tự tin cao độ, luôn hiên ngang đứng thẳng như cây tre bất kể gió mưa. Sự tự tin và quyết tâm thể hiện qua việc luyện tập với cường độ khủng khiếp của ba bạn, hễ có thời gian rảnh là cả 3 lại cùng nhau luyện tập trên các giảng đường / thư viện.
Quyết tâm của các bạn cũng là quyết tâm của các thầy, đầu năm học, 4 bạn sinh viên xuất sắc của Bách Khoa bao gồm Quang, Đức, Thái, Dũng được cử sang Singapore theo khoá huấn luyện 1 tuần tiền ICPC của MiPT tổ chức tại NUS. Chắc chắn một tuần ở Singapore cũng đầy những kỷ niệm khó quên với các bạn trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, phải tá túc nhờ nhà thầy Toan Nguyen Nguyễn Văn Toàn và nhà các bạn bè nhằm tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Đẳng cấp của Bamboo sau đó nhanh chóng vươn lên là số 1 Việt Nam cả trên phương diện cá nhân và đồng đội. Quả thực năm đó, ở vòng thi Siêu cúp cá nhân Olympic Tin học toàn quốc tại Đà Nẵng, Quang và Đức đã giành được cú đúp Cúp Vàng và Cúp Bạc Siêu cúp danh giá, Cúp Bạc còn lại thuộc về Nguyễn Minh Tùng (huy chương Bạc IOI2019). “Bamboo năm đó có sức mạnh như một cỗ xe tăng lầm lũi nghiền nát mọi chướng ngại vật trên đường”. Thế nhưng ..
Ngoài một Bamboo đỉnh cao, năm nay Bách Khoa còn hai đội cực mạnh khác sẵn sàng cạnh tranh vé World Final, đó là Polynomial của Phạm Bá Thái, Đỗ Đình Đắc, Bùi Đức Tuấn Dũng và NP_Tran của Trần Minh Hiếu, Trần Lê Hiệp, Viet Tran. Tại vòng loại ICPC khu vực Châu Á Thái Bình Dương, NP_Tran chọn tranh tài tại điểm Kualumpua và suýt giành tấm vé WF2020 sau 4 tiếng đầu thể hiện xuất sắc nhưng thiếu may mắn ở tiếng cuối cùng khi không giải thành công một bài sở trường của Hiếu. Trong khi đó Bamboo và Polynomial cùng chọn điểm Bangkok, và thật không may khi các đội mạnh hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore cũng kéo sang Bangkok tranh tài đợt này. Mặc dù đã cố gắng hết sức và đã làm tốt nhất trong số các đội Việt Nam đến thi nhưng Bamboo đã không thể giành vé WF2020 ở đây trước các đội mạnh kể trên.
Luật của cuộc thi ICPC khá đặc biệt và hấp dẫn, tạo sự cạnh tranh không ngừng giữa các trường đại học và trong nội bộ một trường đại học. Mỗi trường đại học có thể có nhiều đội ICPC (mỗi đội 3 thành viên) tham gia các vòng loại ICPC khu vực, nhưng chỉ được phép có tối đa 1 đội giành được vé vào World Final. Mỗi đội được phép thi tối đa ở 2 điểm vòng loại khu vực. Thông thường mỗi điểm thi sẽ có từ 1-2 vé vào World Final trong tổng số khoảng 50-150 đội trong khu vực tham dự. Nếu cùng một trường có nhiều đội giành được vé vào WF ở các điểm thi vòng loại khu vực khác nhau thì trường đó phải quyết định một đội duy nhất tham gia WF. Chính vì lẽ đó chiến lược chọn điểm thi vòng loại khu vực rất quan trọng, nếu chọn phải điểm thi có nhiều đội mạnh hàng đầu khu vực sang thi đấu thì cực kì khó để dành được vị trí trong top 2.
Thất bại tại Bangkok khiến cho niềm hi vọng năm nay đặt hoàn toàn vào điểm thi Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 120 đội ICPC trong nước và quốc tế. Và một lần nữa như là định mệnh, rất nhiều đội hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã sang Việt Nam thi đấu lần này. Mặc dù Bamboo đã hết sức nỗ lực thi đấu đến những giây phút cuối cùng và giành chức vô địch trong số hơn 100 đội Việt Nam tham gia nhưng lần thứ hai liên tiếp Việt Nam lại không có vé vào World Final ngay tại điểm thi trên sân nhà. Cảm giác thất bại đó giống như những giọt nước mắt cay đắng khi không giành được vé đến World Cup trước ngưỡng cửa cuối cùng như Ý và Hà Lan với World Cup 2018 vậy.
Khác với những drama trước, năm nay với sự tự tin tột độ, đầu tư công sức và kinh phí rất lớn nhưng lại không đạt được mục tiêu WF mà ban đầu tưởng chừng khó tuột khỏi tay. Với thầy, đơn thuần đó là một bài học với chiến thuật chọn điểm thi không tốt, sự tự tin có phần thái quá, không thể nói trước được điều gì trước khi hết giờ thi đấu và trong mọi cuộc chơi nỗ lực và trình độ thôi chưa đủ, còn cần thêm một chút may mắn!
Thất bại này của Bamboo còn khiến ba bạn trở nên hoang mang. Ba bạn đã đặt mục tiêu cháy hết mình lần cuối rồi yên tâm chuyển hướng sang hướng nghiệp tương lai. Vẫn còn 1 năm nữa để thi đấu. Nhưng nếu tiếp tục luyện tập và thi đấu thì sẽ không còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho công việc tương lai, còn nếu dừng lại ở đây thì quá tiếc nuối cho công sức luyện tập đã bỏ ra. Vậy phải nên làm thế nào?
3. Sang năm thứ 5, năm 2020, Tùng quyết định “hi sinh” rời khỏi đội ICPC để tập trung phát triển sự nghiệp tương lai, thay vào vị trí của Tùng là một Đỗ Đình Đắc trẻ trung hơn và đầy nhiệt huyết sau một năm cọ xát ở các đầu trường đỉnh cao. Đắc xuất thân là dân chuyên toán, vào đại học mới bắt đầu luyện tập lập trình, sự đam mê đã giúp Đắc trở thành cao thủ ICPC sau 3 năm miệt mài luyện tập. Sự tham gia của Đắc vào Bamboo là sự bổ sung đáng kể về chuyên môn và đặc biệt là về mặt tinh thần, làm tươi mới lại đội trước sự xuống dốc về tinh thần sau thất bại năm vừa rồi. Bamboo bây giờ được gọi là Bamboo+, các buổi huấn luyện chính thức ở trường và khi thi đấu thì Tùng vẫn tham gia như là “quân xanh” cho Bamboo vậy. Ngoài ra bốn bạn cùng nhau tham gia cuộc thi đồng đội khác như Shopee Code League và cũng giành được thứ hạng rất cao.
Đức, Quang, Đắc quyết định lấy tên đội ICPC năm nay là C’est BON! sau một buổi luyện tập trên lab và ăn hết gói bánh nhãn hiệu C’est BON! này !?! Cái tên năm nay cho thấy tinh thần thoải mái của đội, coi cuộc thi như một lần thử sức nữa mà không còn đặt nặng tính ăn thua như năm trước. Điều này cũng cho thấy sự chín muồi trưởng thành của cả bốn bạn, sẵn sàng cho tương lai với mọi tình huống xảy ra.
Năm nay do dịch COVID19 lan rộng, các đội ICPC không còn cơ hội tham gia tranh tài ở các điểm thi khác nhau nữa, đa phần các điểm thi nước nào chỉ tổ chức cho các đội nước đó tranh tài, mỗi điểm thi sẽ có 1-3 vé vào World Final 2021. Việt Nam vào cuối năm 2020 vẫn đang khống chế tốt dịch bệnh nên đã tổ chức thành công Olympic Tin học và ICPC khu vực châu Á Thái Bình Dương tại điểm thi Cần Thơ với hơn 100 đội ICPC đến từ các trường đại học trong cả nước cạnh tranh 2 chiếc vé vào WF2021. Việt Nam chắc chắn sẽ phá được cái dớp do Bách Khoa Hà Nội gây ra đó là 2 năm liên tiếp vô địch Việt Nam nhưng không có vé vào World Final tại điểm vòng loại khu vực sân nhà.
Ở vòng thi Siêu Cúp cá nhân, Quang đã xuất sắc vượt qua “quái kiệt” Bùi Hồng Đức (2 HCV IOI2019,2020) để lần thứ 2 liên tiếp giành được Cúp vàng Siêu Cúp danh giá. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử Olympic Tin học Việt Nam có thí sinh giành được 2 Cúp vàng Siêu Cúp sau Phạm Văn Hạnh (HCV IOI2015).
Đến vòng thi đồng đội ICPC quyết định, C’est BON! tiếp tục giữ được phong độ ổn định, vững vàng ở vị trí thứ 2 từ đầu đến cuối với khoảng cách 3 bài an toàn so với đội thứ 3 của HCMUS, chỉ chịu thua đội hạng 1 cực mạnh EggCentrol của UET với 2HCV và 2HCB IOI trong đội hình. Đại học Bách Khoa Hà Nội chính thức lần thứ 2 có vé vào ICPC World Final, một trái ngọt xứng đáng sau bao nỗ lực phấn đấu và luyện tập. Do tình hình dịch COVID vẫn còn phức tạp nên vòng chung kết WF2021 tổ chức tại Bangladesh sẽ dời sang năm 2022.
4. Sau ánh hào quang sân khấu là trở lại với đời sống hiện tại còn bao bộn bề lo toan cho tương lai. Tháng 1/2021, đây là giai đoạn quyết định cho thời gian học Bách Khoa của bốn bạn khi chỉ còn 6 tháng nữa để làm đồ án và bảo vệ trước hội đồng tốt nghiệp. Thông thường để có được một đồ án chất lượng cao, sinh viên sẽ chọn hướng đề tài và thầy hướng dẫn đồ án tốt nghiệp trước 1-2 năm để có đủ thời gian làm chuyên sâu theo một hướng đề tài hẹp. Do mải mê với các ‘sân khấu’ ICPC nên bây giờ các bạn mới quyết định chọn hướng làm đồ án và tìm người hướng dẫn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. Thời điểm đó thầy cũng khá áp lực khi cả 4 bạn đều đăng ký thầy làm người hướng dẫn đồ án tốt nghiệp.
Đến thời điểm này các bạn đã hoàn thành hết các môn học trên lớp với kết quả xuất sắc, hầu hết là điểm A, điểm thấp của năm thứ nhất không còn là rào cản cho tấm bằng xuất sắc của các bạn nữa. Điều cần thiết bây giờ là làm sao giúp các bạn phát huy được thế mạnh tư duy thuật toán để có được một đồ án tốt nghiệp tương xứng với trình độ của mình chứ không phải chỉ làm cho xong đồ án để ra trường. Cả 4 bạn đều đã chọn định hướng tương lai là đi làm công ty nước ngoài ngay sau khi ra trường, vì vậy cần chọn một hướng đề tài có tính học thuật cao nhưng xuất phát từ ứng dụng thực tế. Lúc đó thầy đang hợp tác với cô Nguyen Phi Le (Huy chương Bạc IMO2000), giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo BK.AI, về dự án Fi-Mi quan trắc môi trường di động. Được cô Lê hỗ trợ, Đức, Quang, Đắc đã thực hiện các bài toán tối ưu từ đề tài Fi-Mi, đề xuất các thuật toán tối ưu lịch trình sạc trong mạng cảm biến không dây và thuật toán tối ưu lộ trình xe bus gắn cảm biến để bao phủ các điểm cần quan trắc môi trường. Còn Tùng chọn làm Giải pháp nhà xe thông minh (Smart parking) cho phép theo dõi và hướng lộ xe ô tô vào các vị trí phù hợp trong nhà để xe. Tùng đã nhận được giải thưởng “Best Presentation Award” cho đề tài này tại Trường hè về các chủ đề nâng cao trong Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tổ chức bởi SoICT tại Ninh Bình,19-23/4/2021.
Mặc dù thời gian làm việc ngắn, nhưng với nền tảng và tư duy thuật toán đỉnh cao, hiệu quả làm việc của các bạn tốt gấp 2-3 lần sinh viên bình thường, các bạn nhanh chóng có được kết quả tốt cho đồ án tốt nghiệp. Đến ngày bảo vệ, Đức/Tùng/Quang cùng một hội đồng và lần lượt có kết quả bảo vệ cao nhất/nhì/ba hội đồng, Đắc cũng có được kết quả cao trong hội đồng của mình. Kết quả của các bạn đều được thầy/cô hướng dẫn đánh giá có thể gửi đăng vào các hội nghị, tạp chí chuyên ngành có uy tín cao trong lĩnh vực. Cùng với tấm bằng xuất sắc, đây thực sự là trái ngọt cuối trước khi ra trường làm hành trang cho sự nghiệp tương lai của các bạn, và còn ý nghĩa hơn nữa khi đó là chặng đường 5 năm tại Đại học Bách Khoa Hà Nội đầy gian nan thử thách từ những bước đi hụt đầu tiên khi bước chân vào trường!
Bây giờ các bạn đã có thể cùng nhau ngân nga bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của nhạc sĩ/ca sĩ Trần Lập – ban nhạc Bức tường lời bài hát như ngấm vào từng chặng đường đã đi qua:
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai
Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió.”
“Vào Bách Khoa để làm việc khó”. Các bạn đã làm được rất nhiều việc khó, và việc khó nhất là các bạn đã vượt qua được chính mình, nỗ lực vượt qua được giới hạn của bản thân, Bách Khoa chắc chắn là một trong những môi trường tốt nhất giúp các bạn rèn giũa, trưởng thành vượt bậc cả về kiến thức và bản lĩnh. Con đường phía trước còn rất nhiều chông gai, nhưng thầy tin các bạn đã có đủ hành trang để vững bước trên con đường sự nghiệp của mình, tiếp tục làm được nhiều việc khó. Bách Khoa tiếp tục dõi theo bước chân của các bạn và chờ các bạn làm giàu thêm truyền thống thành công của Alumni các thế hệ sinh viên của trường.
LỜI KẾT
10 năm phụ trách các đội tuyển ICPC và Olympic Tin học Đại học Bách Khoa Hà Nội, thầy đã đồng hành trên những chặng đường thăng trầm của đội tuyển, chứng kiến rất nhiều câu chuyện đáng khâm phục về nghị lực vươn lên của các bạn trong đội tuyển mà 3 bạn Đức, Quang, Tùng là hình ảnh điển hình nhất và cũng đạt được thành công vang dội nhất, trở thành một phần lịch sử của trường, đánh dấu một quá trình phát triển phong trào Olympic Tin học ĐHBKHN. Đó là lý do thầy đã quyết định lưu bút lại những dòng hồi ký này cho ngày mai khi các bạn ra trường, các em sinh viên thế hệ sau sẽ cảm thụ và tiếp tục phát huy tinh thần “chiến binh” của các bạn để tạo nên chặng đường mới với những trang sử mới cho trường.
Các thành tích xuất sắc này là điều cố PGS. Nguyễn Đức Nghĩa mong chờ đã lâu, trước đây Thầy từng chạnh lòng khi nói rằng BKHN là một trường đi đầu trong đào tạo CNTT/KHMT mà lại chưa có thành tích thi lập trình quốc tế tương xứng.
Trên bước đường thành công của các đội tuyển ICPC/Olympic Tin học hôm nay không thể thiếu được những đóng góp to lớn của cố PGS. Nguyễn Đức Nghĩa, của các huấn luyện viên đội tuyển: thầy Đinh Viết Sang, thầy Quang Dung Pham, cô Nguyen Khanh Phuong, thầy Nguyễn Văn Hiếu Đại Ca Đi Học, thầy Son Vu, anh Hoang Nguyen, anh Phạm Bá Thái, anh Nguyễn Việt Dũng; sự đóng góp thầm lặng chăm lo hậu cần cho đội qua bao mùa thi của các thầy Thuan Pham, thầy Pham Ngoc Hung, thầy Chung Dao, thầy Linh Dang, thầy Thuan Do, cô Anhtuyet Pham, thầy Nguyễn Tuấn Hải,…, sự ủng hộ tuyệt đối của ban lãnh đạo Viện CNTT&TT và ban giám hiệu trường ĐHBKHN qua các thời kì: thầy Ngo Hong Son – cựu Viện trưởng Viện CNTT&TT, cô Huynh Thanh Binh – Viện phó Viện CNTT&TT (người luôn đôn đáo lo từng giấy tờ cho các bạn), thầy Hung Nguyen – Viện phó Viện CNTT&TT, thầy Ta Hai Tung – Viện trưởng Viện CNTT&TT, thầy Trần Văn Tớp – cựu Phó Hiệu trưởng trường ĐHBKHN, thầy Huynh Quyet Thang – Hiệu trưởng trường ĐHBKHN. Xin trân trọng cảm ơn các thầy cô đã góp phần làm nên một hành trình 10 năm đầy cảm xúc của đội tuyển.
Theo facebook Thuan Do Phan