Liệu Việt Nam có sở hữu tên lửa “siêu thiện chiến” Buk-M3?
Theo tin mới đây từ Bộ Quốc phòng Nga, họ đã hoàn thành các bài thử nghiệm tên lửa Buk-M3 ở bãi thử Kapustin Yar, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga.
- Cách tạo tên lửa mini từ que diêm và giấy bạc
- Soi “siêu tên lửa” BrahMos Việt Nam sắp có
- Việt Nam sẽ có trung tâm dịch vụ tên lửa
- Tên lửa “không-đối-không”cực mạnh R-77 của Việt Nam
- Tổ hợp tên lửa của Việt Nam có thể tiêu diệt mọi mục tiêu ở xa đến 120km
- Những tên lửa hành trình làm đối phương khiếp sợ của Việt Nam
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M3 ẩn chứa nhiều thông số kỹ thuật “vượt tầm” so với hệ thống tên lửa S-300 – là hệ thống tên lửa thiện chiến bậc nhất thế giới hiện nay, tin từ VnMedia cho hay.
Buk-M3 là biến thể hiện đại nhất của tổ hợp tên lửa phòng không Buk, dự kiến sẽ được Nga đưa vào trang bị cho lực lượng Lục quân vào năm 2016.
Tổ hợp tên lửa Buk.
Buk-M3 được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay cánh quay, cánh cố định, máy bay tàng hình và máy bay không người lái.
"Tầm bắn của tên lửa phòng không Buk-M3 là 70km - tăng hơn 25km so với phiên bản trước đó của nó (Buk-M2) và trong một số thông số, hệ thống tên lửa mới còn vượt qua cả hệ thống tên lửa phòng không tầm xa thiện chiến hàng đầu của Nga - S-300", hãng tin Itar-Tass biết như vậy.
"Kết quả của các cuộc thử nghiệm cấp quốc gia cho thấy, một số đặc tính và thông số của tên lửa Buk-M3 đã thích hợp hoàn toàn với những yêu cầu kỹ thuật được đặt ra và ngang bằng với S-300. Nhưng xét về một số thông số khác, Buk-M3 thậm chí còn vượt qua cả hệ thống S-300", cũng Itar-Tass cho hay.
Buk-M3 là phiên bản nâng cấp sâu của phiên bản Buk-M2 phục vụ trong quân đội Liên Xô từ năm 1988.
Thành phần tổ hợp Buk-M3 bao gồm: Xe chỉ huy, xe radar cảnh giới, xe radar hỏa lực, xe mang phóng tự hành và xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn,trang soha.vn cho biết.
Bệ phóng trong cơ cấu tổ hợp Buk-M3.
So với Buk-M2, Buk-M3 có một số khác biệt sau:
- Xe mang phóng tự hành 9A317 của Buk-M2 mang theo 4 tên lửa để ngay trên bệ quay, còn xe 9A317M của Buk-M3 mang tới 6 tên lửa, nhưng được đặt trong các ống phóng kín kiêm container bảo quản. Xe mang phóng tự hành còn có radar đa năng, thiết bị quang truyền hình, ảnh nhiệt, bên cạnh thiết bị liên lạc vô tuyến để kết nối với các thành phần trong hệ thống.
- Xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn 9A316 của Buk-M2 có kết cấu bệ phóng tương tự 9A317, nhưng không có các thiết bị dẫn bắn. Xe mang theo 4 tên lửa sẵn sàng phóng và 4 tên lửa dự bị để tiếp đạn cho xe 9A317. Trong khi đó, xe 9A316M của Buk-M3 mang được tới 12 tên lửa, trong đó bao gồm 6 tên lửa sẵn sàng bắn và 6 tên lửa dự trữ ở khay giữ ngay dưới bệ phóng.
- Buk-M2 sử dụng đạn tên lửa 9M317 có trọng lượng 715 kg; dài 5,5m; đường kính 0,4m; tầm bắn 50 km; trần bay 25 km; tốc độ Mach 4 và mang theo đầu đạn nổ mảnh nặng 70kg.
- Phiên bản nâng cấp Buk-M3 sử dụng đạn 9M317M tương tự hệ thống Shtil-1, tên lửa có chiều dài 5,08m; đường kính 0,36m; sải cánh 0,82m; tầm bắn 50 km; trần bay 15 km; tốc độ Mach 4,5; mang theo đầu đạn nổ mạnh nặng 62 kg. 9M317M được lắp đầu tự dẫn đa chế độ gồm chế độ quán tính có hiệu chỉnh vô tuyến pha giữa và radar xung doppler chủ động pha cuối. Tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với tốc độ tối đa lên tới trên 1.200 m/s.
- Xe radar trinh sát nhìn vòng tự hành 9S18M1 "Snow Drift" hoạt động trên băng sóng cm, tầm quét tối đa 160 km ở 2 chế độ quét chùm tia điện tử hoặc quét cơ khí. 9S18M1 có nhiệm vụ phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho xe chỉ huy 9S510.
- Xe radar hỏa lực 9S36 với khối ăng ten mảng pha gắn trên cần nâng dài 21m, có tác dụng tìm kiếm, chiếu xạ mục tiêu bay thấp hoặc cực thấp cho tên lửa tiêu diệt ở giai đoạn cuối và điều khiển tên lửa bằng lệnh hiệu chỉnh vô tuyến ở giai đoạn hành trình.
Radar hoạt động trên băng sóng cm, có thể cùng lúc phát hiện 10 mục tiêu, bám sát và tiêu diệt 4 mục tiêu với cự ly phát hiện tối đa 120 km. Xe radar 9S36 vận hành theo lệnh của xe chỉ huy 9S510 qua tín hiệu vô tuyến, cự ly tối đa giữa 2 xe là 10 km.
- Ngoài ra, tổ hợp còn được bổ sung một xe cẩu tự hành 9T31M1 sử dụng khung gầm xe tải Ural-375 để bổ trợ cho các xe phóng và chấp hành phóng.
Trước đó, ngoài S-300, Đài Tiếng nói nước Nga từng công bố, Việt Nam đang sở hữu một số vũ khí chưa từng được công khai là hệ thống tên lửa phòng không “Tor” và "Buk", vượt trội đáng kể so với tổ hợp S-75 "Dvina" mà Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc và đã bắn hạ 1.300 máy bay Mỹ. Hệ thống tên lửa Buk-M2 ЗРК (Бук-М2 – Tên tiếng Nga) là hệ thống tên lửa tầm trung được trang bị cho cấp sư đoàn bộ binh cơ giới hoặc quân binh chủng hợp thành.
Liệu tới đây, Quân đội Nhân dân Việt Nam có được trang bị thêm hệ thống Buk-M3 để bảo vệ tốt chủ quyền đất liền và biển, đảo? Bởi trong tình hình hiện nay, Biển Đông vẫn là một trong những khu vực “nóng” nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tranh chấp giữa các quốc gia khu vực.
Thanh Trà (tổng hợp)