Livestream doanh thu trăm tỷ: Thật, giả và những hệ lụy đáng lo ngại

16:31, 20/06/2024

Thời gian gần đây, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn... nở rộ livestream bán hàng với doanh số hàng "khủng" lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hiệu ứng domino từ việc khoe doanh thu khủng còn dẫn đến sự mê muội và nguy cơ lừa đảo. Nhiều người có thể bị mê hoặc bởi hình ảnh hào nhoáng của các Tiktoker và dễ dàng tin tưởng vào các lời hứa hẹn làm giàu nhanh chóng.

Thật, giả và những hệ lụy đáng lo ngại

Nhiều tháng trở lại đây, việc livestream bán hàng trên các nền tảng xã hội càng gia tăng. Thực tế, không khó để bắt gặp những Megalive triệu đô của những KOLs, KOC và các công ty trong lĩnh vực này. Đáng nói, nếu như trước đây chỉ là những phiên livestream nhỏ với lượng “chốt đơn” hạn chế, thì gần đây xuất hiện nhiều những phiên livestream với doanh thu được công bố cực lớn.

Việc livestream bán hàng đang được xem là giải pháp kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Hoạt động này diễn ra rầm rộ suốt ngày đêm trên các nền tảng TikTok, Facebook, YouTube… Ngay cả các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Lazada cũng đẩy mạnh hoạt động này để giành giật thị phần với TikTok.

Ngày càng xuất hiện nhiều phiên livestream bán hàng quy mô lớn trên TikTok hay còn gọi là Megalive, với doanh số đạt được mỗi phiên từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng, tương đương doanh thu của một công ty trong 1 năm.

Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng nên đã thu hút lượng khách hàng lớn. Đơn cử, một tài khoản TikTok nổi tiếng chỉ trong 2 tháng đã tổ chức hai phiên Megalive "chấn động" với doanh số lần lượt 75 tỉ đồng và 100 tỉ đồng khiến dư luận "tròn xoe mắt".

Chưa dừng lại ở đó, TikToker này tiếp tục tổ chức phiên Megalive ngày 5-6 với mục tiêu doanh số lên đến 150 tỉ đồng và hứa hẹn tặng quà khủng như ô tô, 100 máy tính bảng cho khách hàng đăng ký sự kiện và tham gia phiên bán hàng. Sau 40 giờ lên sóng ròng rã, livestream kết thúc với doanh số khoảng 80 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu nhưng cũng không phải là con số nhỏ.

Sau mỗi phiên livestream với doanh số "khủng", không ít người bày tỏ nghi ngờ đây là chiêu "lùa gà" do đơn vị tổ chức tạo ra nhằm tạo hiệu ứng mua hàng. Chưa kể, việc các nhãn hàng cam kết giá trên phiên live là độc quyền và rẻ nhất, lại còn được tài trợ voucher giảm giá, miễn phí vận chuyển… đã đặt ra vấn đề về bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh không chỉ với các thương hiệu, nhà bán lẻ khác mà cạnh tranh ngay với chính đại lý của các nhãn hàng trong phiên livestream?

Một Tiktoker nổi tiếng khoe doanh thu bán hàng sau một phiên livestream được mời hợp tác. Ảnh: Thu Hương.

Ở một khía cạnh khác, ngoài những sự hào nhoáng, ồn ào thì phía sau ánh hào quang đó lại là những hệ luỵ đáng lo ngại. Đầu tiên, việc khoe khoang doanh thu khổng lồ trên Tiktok tạo ra một sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người bắt đầu mơ tưởng về việc trở thành người nổi tiếng và kiếm tiền dễ dàng qua mạng xã hội.

Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến những quyết định thiếu cân nhắc và sự thất vọng khi thực tế không như mong đợi. Không phải ai cũng có thể dễ dàng trở nên nổi tiếng trên Tiktok và kiếm được số tiền lớn như những gì họ thấy trên màn hình.

Hiệu ứng domino từ việc khoe doanh thu khủng còn dẫn đến sự mê muội và nguy cơ lừa đảo. Nhiều người có thể bị mê hoặc bởi hình ảnh hào nhoáng của các Tiktoker và dễ dàng tin tưởng vào các lời hứa hẹn làm giàu nhanh chóng.

Một số Tiktoker thậm chí lợi dụng sự tin tưởng này để bán các sản phẩm, hoặc dịch vụ không đáng tin cậy. Hệ quả là nhiều người tiêu dùng bị lừa đảo, mất tiền bạc và lòng tin vào thương mại điện tử.

Việc khoe doanh thu khổng lồ cũng góp phần thay đổi giá trị xã hội. Thay vì coi trọng tri thức, kỹ năng và đạo đức, xã hội ngày càng đề cao sự nổi tiếng và tài sản vật chất. Điều này có thể dẫn đến sự suy thoái trong đạo đức và văn hóa xã hội, khi con người không còn coi trọng những giá trị cốt lõi mà chỉ chạy theo những hào nhoáng bề ngoài. Sự thay đổi này đặc biệt nguy hiểm khi nó ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của giới trẻ, những người dễ bị tác động bởi các xu hướng trên mạng xã hội.

Cùng với đó, một hệ lụy khác là việc khuyến khích lối sống xa hoa, tiêu xài phung phí. Khi thấy các Tiktoker khoe cuộc sống giàu có với xe sang, nhà đẹp và các món đồ hiệu, nhiều người cảm thấy áp lực phải theo kịp và thể hiện mình cũng giàu có. Điều này có thể dẫn đến việc chi tiêu không hợp lý, nợ nần và căng thẳng tài chính.

Chia sẻ về vấn đề này với báo chí, Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự cho biết, việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được coi là một trong những hình thức xác lập giao dịch dân sự.

Trong khi đó, tại Bộ luật dân sự quy định nguyên tắc trong xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự là phải thiện chí, trung thực, bình đẳng. Nhưng trên thực tế, việc các TikToker tổ chức livetream khoe doanh thu hàng tỷ đồng có thể được xem là một hình thức quảng cáo không trung thực, hoặc gây hiểu lầm cho người xem. Nguyên nhân là bởi việc này không phản ánh đúng sự thật, bản chất sự việc, tạo ra doanh số, nhu cầu mua hàng ảo.

Do đó, khi có hành vi nêu trên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn đủ căn cứ xử lý vi phạm của những Tiktoker trong việc đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật theo quy định tại khoản 5 điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo với mức phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng.

Bên cạnh đó, còn có thể thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 5 đến 7 tháng, tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 đến 24 tháng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tháo gỡ, xóa quảng cáo theo quy định tại khoản 7 Khoản 8 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.

Trường hợp các Tiktoker đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo gian dối mà tiếp tục vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi quảng cáo gian dối theo quy định tại điều 197 Bộ luật hình sự với mức phạt tù có thể tới 3 năm tù.

Giải pháp nào chống thất thu thuế?

Vấn đề này cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội khi đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội có doanh thu 1 ngày có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Từ đó, ĐBQH tỉnh Phú Yên đặt vấn đề: Với những hình thức thương mại điện tử như vậy thì làm sao để quản lý về chất lượng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng; đồng thời có nguy cơ hàng giả tràn lan, vậy Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý Thị trường nhận định và xử lý vấn đề này như thế nào?

Ông đề nghị Bộ trưởng Diên cho biết thông tin này đúng hay không? Nếu đúng, ông Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết quản lý hình thức thương mại điện tử như thế nào.

Hơn nữa, ông Nghĩa thấy giá bán ở các phiên livestream thường thấp hơn giá đại lý rất nhiều, tiềm ẩn gây bất ổn thị trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhận định vấn đề này và cách xử lý; đồng thời có thể học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để giải quyết triệt để?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đặt vấn đề về quản lý hình thức thương mại điện tử như thế nào? 

Cùng quan tâm tới nội dung chất vấn của Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu thực tế, đơn hàng bán qua Facebook, Zalo... của người bán hàng nước ngoài, sau đó được xuất khẩu qua biên giới, chuyển phát nhanh và vận chuyển vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài xử lý với người bán hay sàn thương mại điện tử khi xảy ra tình trạng hàng giả, nhái. "Giải pháp thế nào khắc phục tình trạng này, bảo vệ người tiêu dùng?", Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu câu hỏi.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, hoạt động thương mại điện tử nói chung, livestream nói riêng hiện nay đang được thực hiện và quản lý giám sát theo 2 sắc thuế.

Đối với cá nhân thực hiện thực hiện livestream bán hàng có phát sinh doanh thu và thu nhập phải chịu Thuế đối với thu nhập của bản thân theo Luật thuế Thu nhập cá nhân. Đối với các hộ kinh doanh gia đình, thực hiện bán hàng có phát sinh doanh thu, hoa hồng bán hàng sẽ thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu ý kiến: "Trong quá trình phát triển công nghệ, cơ quan thuế dành nhiều truyền thông đến với tất cả các đối tượng tham gia hoạt động này hiểu rõ các quy định về thuế, để tự giác tiến hành kê khai nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh này của các cá nhân và hộ kinh doanh".

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quý Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng Cục Thuế cho biết: cá nhân có thu nhập từ hoa hồng do thực hiện livetream bán hàng sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc:

"Trong trường hợp hoa hồng từ hoạt động tiếp thị liên kết trên các sàn thương mại điện tử được trả cho đối tượng cá nhân thì lúc này khoản hoa hồng này được tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công. Hết năm mà cá nhân được hưởng khoản hoa hồng này sẽ phải thực hiện tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến từng phần với 7 bậc từ 5% lên đến 35%".

Thực tế, tiền nộp thuế của những cá nhân livestream bán hàng không phải toàn bộ doanh số của phiên bán hàng mà chỉ tính trên cơ sở phần thu nhập được nền tảng thương mại điện tử chi trả.

Ông Nguyễn Bình Minh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử phân tích: "Dựa trên số %, ví dụ tỷ lệ bao nhiêu % trên tổng doanh số đó họ được hưởng hoặc cũng có thể theo một phương pháp đó là bằng số lượng tiền công cho một phiên livestream cứng, có nghĩa là không cần biết số lượng sản phẩm bán được bao nhiêu thì người này khi livestream họ vẫn được hưởng một mức thu nhập như vậy".

Trong khi đó, bà Nguyễn Huệ Chi, Học viện Doanh nhân (CEO) livestream TopOne chia sẻ: "Hoa hồng bao nhiêu là do bạn deal (thương lượng) với nhãn hàng, chẳng hạn như chiết khấu cho các KOC bên tôi làm affiliate (tiếp thị liên kết) là khoảng 15% nhưng muốn bán được nhiều hàng hơn thì chấp nhận chỉ nhận 7-8% để giảm giá bán".

Như vậy, khoản thuế mà các cá nhân thực hiện livestream hay tiếp thị liên kết phải đóng là căn cứ trên số tiền thực nhận từ nền tảng.

Tuy nhiên, nhận định về lỗ hổng thất thoát thuế từ những phiên livestream bán hàng, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết: "Hình thức bán hàng livestream thời gian qua đang rất phát triển và thu hút được lượng người mua rất đông. Đây cũng trở thành 1 trong những hình thức phát triển nhanh và mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là hình thức khó thu thuế. Bởi vì, kinh doanh livestream là hình thức kết nối trực tiếp để bán hàng và trong sổ sách hoặc lưu lại của họ có thể có nhưng khi kết thúc thời gian livestream thì không còn gì trên mạng khi họ đóng máy. Do đó, chúng ta cũng không biết doanh thu thực tế của họ là bao nhiêu, thu nhập thế nào, họ bán được bao nhiêu hàng, và tính thuế ra sao".

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật.  Và Trước thông tin giới livestream bán hàng tuyên bố doanh thu hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ gây xôn xao dư luận, mới đây, Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo các cục Thuế địa phương quyết liệt quản lý thuế thương mại điện tử…

Vậy làm sao để khoản thu nhập này được kê khai đúng, đủ và hợp lý để tranh thất thu cho ngân sách cũng như đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia? Nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong bài viết tiếp theo.

Theo Tạp chí Thương trường

https://thuongtruong.com.vn/news/livestream-doanh-thu-tram-ty-that-gia-va-nhung-he-luy-dang-lo-ngai-122920.html