“Người khổng lồ” Apple liệu có chiến thắng được điện thoại bình dân của Trung Quốc
Những nhà sản xuất điện thoại giá rẻ tại Trung Quốc như Xiaomi đang ngày càng phát triển mạnh mẽ không chỉ tại đất nước mình mà còn vươn ra thị trường toàn thế giới và những dấu ấn để lại là thực sự ấn tượng. Năm vừa qua Xiaomi không chỉ gây khó khăn cho Samsung mà đến cả “người khổng lồ” Apple cũng phải dè chừng. Bất chấp doanh số iPhone bùng nổ tại Trung Quốc, các nhà sản xuất như Xiaomi liệu có thể ngăn cản bước đi của Apple tại nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và bất kì đâu?
Dựa theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường IDC, Xiaomi của Trung Quốc đã trở thành thương hiệu smartphone số 1 tại đất nước này, chiếm 13,7% thị phần trong ba tháng cuối năm 2014, cao hơn 12,3% của Apple trong cùng kỳ. Báo cáo từ Kantar WorldPanel đồng tình với IDC, song số liệu từ Canalys lại cho thấy, Apple mới là hãng đứng đầu thị trường.
Nhìn ngoài những báo cáo thì Apple vẫn là thương hiệu điện thoại được ưa chuộng tại Trung Quốc với sự tăng trưởng bùng nổ trong quý IV/ 2014. Tuy nhiên sự có mặt của Xiaomi có thể sẽ trở thành một nỗi lo cho tên tuổi đến từ nước Mỹ. Tương tự như những gì đã làm với Samsung, hãng sản xuất Android lớn nhất hành tinh. Trong năm 2014, thị phần Xiaomi tại quốc gia đông dân nhất thế giới tăng 186% so với cùng kỳ năm 2013, còn Samsung giảm 22%.
Điện thoại Apple iPhone 6 (trái) và Xiaomi
Lợi thế cạnh tranh của Xiaomi nằm ở đâu? Đó chính là giá bán.
Trong khi giá bán trung bình của một chiếc iPhone 6 là 687 USD, giá trung bình của điện thoại Android lại giảm còn 254 USD. Điều đó tạo ra khoảng cách không hề nhỏ. Smartphone Xiaomi có thiết kế tương tự Apple nhưng chạy phiên bản Android tùy biến, thậm chí còn rẻ hơn khi chỉ được bán với giá trung bình 220 USD/chiếc.
Thực tế thì trong thực trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 7.4% và chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại thì người tiêu dùng sẽ trở nên nhạy cảm hơn với giá do vậy người Trung Quốc sẵn sàng lựa chọn một sản phẩm rẻ hơn hẳn so với Apple và điều này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến doanh số của thương hiệu đến từ nước Mỹ.
Đây là điều đặc biệt quan trọng bởi Trung Quốc là một trong những thị trường chính của Apple. Thậm chí ngay cả khi số iPhone bán được tại đây vẫn thấp hơn Mỹ trong năm qua, “táo” vẫn có cơ hội nhờ quan hệ hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu China Mobile. Ngoài ra, xấp xỉ 700 triệu người dùng smartphone tại Trung Quốc đại diện cho cơ hội khổng lồ để Apple tăng trưởng trong tương lai.
Dễ dàng nói rằng Apple sẽ thu về lợi nhuận không nhỏ từ khu vực song sự cạnh tranh ngày một lớn từ Xiaomi và các thương hiệu nội địa khác như Huawei sẽ làm chậm tiến trình đó và là nguy cơ cần được đánh giá kỹ lưỡng, không chỉ bởi vì tác động đến riêng Trung Quốc.
Khi Xiaomi tăng cường hiện diện trên quy mô toàn cầu, sự phổ biến của điện thoại giá rẻ sẽ ảnh hưởng đến Apple tại các thị trường lớn hơn, đặc biệt tại những khu vực có thu nhập trên đầu người thấp và họ có thể bỏ số tiền nhỏ để có được sản phẩm gần bằng iPhone.
Chẳng hạn, tại Ấn Độ, thị trường smartphone tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Apple chỉ nắm 2% thị phần vì giá bán quá cao, rất khó cạnh tranh. Xiaomi đến nay cũng mới chiếm 4% thị phần. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý chính là 64% số điện thoại bán ra trong quý IV/2014 ở nước này đều có giá dưới 200 USD, theo Canalys. Đây là mức giá Xiaomi dễ dàng tiếp cận hơn là Apple.
Dù vậy, Apple vẫn được hưởng một số lợi thế từ những rào cản pháp luật mà Xiaomi gặp phải, ví dụ tại Ấn Độ, một tòa án ra phán quyết Xiaomi không được bán những thiết bị vi phạm bản quyền của Ericsson cho tới phiên điều trần tiếp theo. Một yếu tố khác khiến Apple được ưa thích chính là nó được xem như biểu tượng của sự xa xỉ tại các nước mới nổi, kết hợp với chiến dịch marketing điêu luyện, sẽ giúp hãng giữ được thị phần bất chấp giá cao.
Những điều phân tích trên đây nhằm chỉ ra trong khi Apple chắc chắn vẫn là một trong những người chơi thống trị thị trường smartphone toàn cầu, cạnh tranh từ các công ty điện thoại giá rẻ khác như Xiaomi vẫn là mối đe dọa hiện hữu trong chiến lược của Apple tại một vài thị trường lớn nhất.
Nha Trang ( Tổng hợp)