Nhiều thách thức trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Nhiều địa phương, tổ chức đang đề xuất và xây dựng, phát triển mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo ở các quy mô và các cấp độ, tên gọi khác nhau nhưng phải đối mặt với các thách thức về pháp lý, phát triển nguồn thu, lợi nhuận, khách hàng... Đối với doanh nghiệp, các chính sách về đổi mới sáng tạo vẫn chưa thực sự chạm tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Doanh nghiệp Israel hợp tác thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam
- Đồng Nai hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
- Tỉnh Sơn La khai mạc ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo "TECHFEST Sơn La 2022"
- Việt Nam-Nhật Bản hợp tác hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
- Phát động vòng 3 của chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo "Người kiến tạo năng lượng tương lai"
Xếp hạng chỉ số đối mới sáng tạo của Việt Nam qua các năm.
Đổi mới sáng tạo đã được xác định là một trong những yếu tố then chốt để phát triển kinh tế-xã hội. Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã nêu rõ: "Xây dựng và phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, ngành, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu…".
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề xung quanh khái niệm về Trung tâm Đổi mới sáng tạo và phương thức vận hành, quản lý các Trung tâm Đổi mới sáng tạo có đủ khả năng phát triển bền vững, thực chất, hiệu quả.
Tại chuỗi sự kiện Hỗ trợ thiết kế mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, do Học viện KHCN và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) phối hợp với Đại học Queensland (Australia) tổ chức mới đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, rất nhiều địa phương, tổ chức đang đề xuất và xây dựng, phát triển mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo ở các quy mô và các cấp độ, tên gọi khác nhau. Nhưng về bản chất, các Trung tâm Đổi mới sáng tạo đều phải đối mặt với các câu hỏi liên quan đến sứ mệnh, mục tiêu, vị trí, vai trò và các giá trị cốt lõi.
Ngoài ra, những vấn đề về mô hình tạo doanh thu và cân bằng tài chính, đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường, nguồn lực cần thiết để vận hành, các mô hình thiết kế cấu trúc của một trung tâm cấp vùng, khu vực... cần như thế nào cho phù hợp?
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vô cùng cần thiết. Mặc dù hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nước ta đã đạt những kết quả bước đầu tích cực nhưng vẫn chưa thực sự chạm tới những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bởi về pháp lý, Việt Nam có khá nhiều văn bản hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo nhưng chưa thực sự rõ ràng, vì thế rất khó để triển khai. Về nhân lực, giáo dục và đào tạo tại trường đại học còn nặng lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực chiến cho sinh viên.
Đối với các chính sách hỗ trợ, nhiều cơ quan, bộ, ban, ngành đã đưa ra những chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay không biết tìm sự hỗ trợ và tìm những vốn đầu tư từ đâu.
Trong khi chủ thể chính thực hiện đổi mới sáng tạo là cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tạo ra việc làm và tạo ra tăng trưởng. Với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo chính là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều lợi ích hơn, đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn.
Việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo là một rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Bên cạnh những khó khăn đối với doanh nghiệp, các Trung tâm đổi mới sáng tạo hiện nay cũng có những thách thức. Trong đó, những Trung tâm Đổi mới sáng tạo công lập gặp phải "điểm nghẽn" về mô hình tự chủ của tổ chức sự nghiệp, các yêu cầu liên quan đến quản lý đầu tư, quản lý tài sản, chia sẻ và sử dụng tài sản công và các hành lang pháp lý để vận hành. Còn các Trung tâm đổi mới sáng tạo tư nhân phải đối mặt với các thách thức về phát triển nguồn thu, lợi nhuận, khách hàng...
Từng bước đổi mới, tính toán độ rủi ro
Theo ông Ed Morrison, Tổ chức Agile Strategy Lab, Đại học North Alabama (Mỹ), để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cần có sự kết nối chặt chẽ giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp. Để làm được điều này cần thường xuyên tổ chức diễn đàn, hội nghị để bên phía nhà khoa học được chia sẻ đề tài nghiên cứu, phía doanh nghiệp chia sẻ nhu cầu công nghệ, từ đó tìm đến nhau hợp tác. Sau khi hợp tác, ban đầu triển khai dự án nhỏ để cho thấy sự uy tín từ các bên, sau đó tiến hành dự án lớn dần, như vậy sẽ bền vững và hiệu quả.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo của chính mình, rồi mới cùng nhau xây dựng nên những trung tâm đổi mới sáng tạo chất lượng, có ý nghĩa thực tiễn.Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần coi đổi mới sáng tạo là văn hóa của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo luôn có tính rủi ro. Vì vậy cần từng bước đổi mới, tính toán độ rủi ro ít để tạo điều kiện thúc đẩy cho đổi mới sáng tạo.
Trao đổi thêm với Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, để đổi mới sáng tạo thành công thì người lãnh đạo, quản lý cũng phải là người có tư duy đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy, trong những năm qua Viện Hàn lâm KH&CN đã tạo điều kiện, động lực cho các nhà khoa học nghiên cứu, đổi mới. Kết quả của nhiệm vụ luôn phải gắn với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao giá trị của công nghệ
Theo PGS.TS Phan Tiến Dũng, Nhà nước cần giao quyền sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu để đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; hoàn thiện thể chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các doanh nghiệp spin-off tại các Viện nghiên cứu và Trường đại học lớn. Đặc biệt cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù (sandbox) với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn...
Kể từ năm 2015, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể khi tăng 10 bậc. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế sau khi Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam. |
Theo baochinhphu.vn