Phát triển Hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao
Kinh tế tập thể, Hợp tác xã tại Hà Nội phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh.
Hợp tác xã Hoàng Long phát triển hiệu quả với chuỗi chăn nuôi lợn theo mô hình sinh học. Ảnh: VGP/TT.
Theo ông Đỗ Huy Chiến, chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội, năm 2023, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã triển khai được nhiều nhiệm vụ, phát triển đa dạng lĩnh vực, ngành nghề hoạt động, có thị trường tiêu thụ tại chỗ tương đối lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Nhiều Hợp tác xã có số lượng thành viên đông và quy mô tài sản nguồn vốn hoạt động tương đối lớn, nhiều mô hình Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đem lại chất lượng sản phẩm tốt, ổn định về sản lượng; đặc biệt Thành phố quan tâm hỗ trợ các Hợp tác xã công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho Hợp tác xã.
Công tác tuyên truyền về các hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã được các cấp các ngành quan tâm, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về mô hình Hợp tác xã kiểu mới, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố được nâng lên.
Trên cơ sở nắm bắt tình hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã của 30 quận, huyện, thị xã, nhu cầu thành lập mới các tổ chức kinh tế tập thể, kết hợp với thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn hướng dẫn thành lập mới. Kết quả đã tư vấn thành lập mới 100 Hợp tác xã, ngành nghề đăng ký kinh doanh chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, vận tải và một số dịch vụ khác…
Các Hợp tác xã thành lập mới cơ bản đã ổn định tổ chức bộ máy, tích cực triển khai các dịch vụ cung ứng cho thành viên, liên kết hợp tác trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, bước đầu tạo việc làm thu nhập cho thành viên và người lao động.
Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã Thành phố đã tuyên truyền vận động phát triển 47 đơn vị thành viên, nâng số thành viên Liên minh Hợp tác xã Thành phố là 1.453 đơn vị. Công tác tuyên truyền vận động phát triển thành viên đã giúp các đơn vị hiểu rõ về chức năng nhiệm vụ của Liên minh Hợp tác xã Thành phố, tự nguyện tham gia để được tư vấn hỗ trợ, liên kết với các đơn vị thành viên trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã Thành phố, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị.
Tính đến 31/12/2023, tổng số Hợp tác xã trên địa bàn thành phố là 2.538 Hợp tác xã, doanh thu bình quân của Hợp tác xã năm 2023 đạt 2.500 triệu đồng. Số Hợp tác xã phân loại tốt, khá đến cuối năm 2023 đạt 1.425 Hợp tác xã…
Hợp tác xã nông nghiệp phát triển hiệu quả theo liên kết chuỗi
Nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, tuần hàng... để hỗ trợ quảng bá sản phẩm cho các Hợp tác xã. Ảnh: VGP/TT.
Năm 2023, các Hợp tác xã nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa: tuyên truyền vận động người dân tham gia sản xuất nông nghiệp, nhiều Hợp tác xã tranh thủ sự quan tâm của địa phương hỗ trợ cho thành viên, người dân về giống, phân bón; tổ chức tốt các dịch vụ làm đất, lịch gieo cấy, công tác dự thính dự báo sâu bệnh, bảo vệ đồng ruộng, tổ chức tốt dịch vụ thu hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho bà con.
Việc lên kế hoạch tổ chức sản xuất đảm bảo kịp thời vụ, phục vụ tốt các khâu đầu vào giúp người dân mặn mà hơn với đồng ruộng, hạn chế tình trạng bỏ ruộng, diện tích gieo trồng tăng lên, thành viên sử dụng dịch vụ, tin tưởng và gắn kết với Hợp tác xã.
Ngoài các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều Hợp tác xã đã mở rộng các dịch vụ như: Dịch vụ nước sạch nông thôn, quản lý chợ, vệ sinh môi trường; chủ động xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp… góp phần nâng giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho một số thành viên và lao động tại địa phương.
Liên minh Hợp tác xã Thành phố cũng chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành và các tổ chức để triển khai tư vấn, hướng dẫn xây dựng, phát triển mô hình Hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị. Việc xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ đảm bảo quản lý triệt để được chất lượng sản phẩm là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Việc xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bước đầu đã hình thành các điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi, được giám sát thường xuyên và nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng, nhằm kết nối sản phẩm an toàn, nâng cao niềm tin với người tiêu dùng.
Tính đến nay, bước đầu đã cơ bản hoàn thiện được một số chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và nâng cao hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các tác nhân tham gia. Từ đó đã tạo ra hiệu ứng lan toả tích cực, đến nay đã có nhiều mô hình chuỗi mới được hình thành góp phần không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản thực phẩm cung cấp cho thị trường.
Việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, cùng với kết quả triển khai của các sở ngành và công tác tư vấn, hướng dẫn của Liên minh Hợp tác xã trên địa bàn Thành phố đã hình thành được 130 Hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với liên kết chuỗi.
Ngoài ra, Thành phố đã hình thành được 9 chuỗi cung ứng nông lâm thuỷ sản an toàn được xác nhận, gồm có các tác nhân tạo thành quy trình tiêu thụ sản phẩm khép kín: Cơ sở sản xuất đầu vào - Cơ sở thu mua, chế biến, bảo quản, vận chuyển - Cơ sở bán sản phẩm.
Trong 130 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên, đã có sự tham gia của một số mô hình Hợp tác xã hoạt động gắn với chuỗi tiêu biểu như: Hợp tác xã nho và dâu tây Vĩnh Ngọc, với chuỗi liên kết giữa nuôi trồng hoa quả ứng dụng công nghệ cao và du lịch trải nghiệm; Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm, Hợp tác xã Hoàng Long với chuỗi lợn sinh học; Hợp tác xã nông sản thực phẩm Thành An, với chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ các loại rau an toàn và sản phẩm nông sản an toàn…
Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Đỗ Huy Chiến, đơn vị sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đảm bảo anh sinh xã hội. Từng bước tháo gỡ vướng mắc cho khu vực kinh tế tập thể; hướng dẫn, vận động giải thể các Hợp tác xã ngừng hoạt động trên địa bàn, tạo dư địa thành lập mới các Hợp tác xã.
Đồng thời triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã trên địa bàn Thành phố. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Hợp tác xã, Hợp tác xã nông nghiệp tích cực đóng góp trong việc tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống cho các thành viên Hợp tác xã.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với thành viên các Hợp tác xã và cộng đồng dân cư trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước và Thành phố về kinh tế tập thể, Hợp tác xã.
Tiếp tục phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, thị xã hướng dẫn các Hợp tác xã tổ chức hoạt động theo Luật, thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo; củng cố các Hợp tác xã hoạt động yếu kém; giải thể các Hợp tác xã không hoạt động theo quy định của pháp luật; triển khai các hoạt động của Liên minh Hợp tác xã thành phố; thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch đã ký kết.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ