So sánh giữa các dịch vụ lưu trữ trên điện toán đám mây

10:10, 10/12/2011

Có thể nói kỷ nguyên lưu trữ đám mây đã đến khi các ông lớn trong ngành công nghệ như Apple, Google, Amazon và nhiều đối thủ cạnh tranh khác đều đang gắng sức đem đến cho người dùng những trải nghiệm điện toán đám mây tối ưu nhất. Ngoài Apple iClound, thị trường còn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh khác như Dropbox, Amazon Cloud Drive, Google Music Beta, Microsoft Windows Live SkyDrive ...


iCloud (apple.com/icloud)
 
Đặc điểm: Miễn phí 5Gb dung lượng lưu trữ
 
Cùng với sự ra mắt của iOS 5 và dịch vụ iCloud, người dùng Apple có thể nghĩ đến viễn cảnh các thiết bị như iPhone, iPad sẽ không cần phải kết nối bằng dây đến máy tính để đồng bộ nhạc, địa chỉ liên lạc, cập nhật phần mềm... nữa. Giờ đây thiết bị chỉ đơn giản là giao tiếp với  dữ liệu được lưu trữ trên các “đám mây” iCloud và sẽ được đồng bộ một cách tự động và bạn không phải quan tâm đến việc cập nhật hay sợ mất dữ liệu khi thay đổi thiết bị.
 
 
Ví dụ nếu bạn muốn chuyển sang sử dụng một chiếc điện thoại iPhone mới, khi sử dụng iOS 5 bạn chỉ đơn giản đăng nhập vào tài khoản Apple của bạn trên chiếc máy mới này, toàn bộ lịch làm việc hay sổ địa chỉ liên lạc của bạn sẽ tự động được cập nhật đầy đủ nhanh chóng.

 

Dropbox (dropbox.com)
 
 
 
Đặc điểm: Miễn phí 2Gb dung lượng lưu trữ
 
Hạn chế của dịch vụ lưu trữ trực tuyến nổi tiếng này là dung lượng miễn phí chỉ 2Gb, hơi ít. Bù lại, Dropbox hoạt động rất ổn định, giao diện trực quan, tốc độ xử lý nhanh hàng đầu trong các dịch vụ cùng loại hiện , chiếm dụng ít băng thông đường truyền. Khả năng đồng bộ theo thời gian thực và thực hiện việc sao lưu của Dropbox phải nói là nhanh tuyệt vời.
 
 
Đặt các tập tin của bạn vào trong Dropbox trên máy tính và ngay lập tức, chúng sẽ xuất hiện trên bất kì các máy tính khác mà đã được cài đặt sẵn Dropbox (Windows, Mac, và Linux) và dĩ nhiên rằng là đăng nhập bằng tài khoản của bạn. Các tập tin này của bạn sẽ được Dropbox sao chép và lưu trữ trên các “đám mây” nên bạn có thể truy cập vào chúng từ bất kì máy tính hoặc các thiết bị di động khác của bạn thông qua web sitecủa Dropbox hay ứng dụng Dropbox cài đặt tương ứng tuỳ nền tảng thiết bị.
 

Nếu bạn muốn lưu trữ nhiều hơn 2Gb dung lượng thì cứ mỗi 10$/tháng bạn trả sẽ được bổ sung thêm 50Gb dung lượng.


Amazon Cloud Drive (amazon.com/clouddrive/learnmore)
 
 
Đặc điểm: Miễn phí 5Gb dung lượng lưu trữ. 10$/năm cho 20Gb hoặc 50$/năm cho 50Gb dung lượng bổ sung.
 
So với dịch vụ Dropbox hay Carbonite, Amazon Cloud Drive dường như sử dụng phức tạp hơn. Bù lại, dung lượng lưu trữ miễn phí lên đến 5Gb và người dùng có thể mua nhạc tương đối dễ dàng.
 

Nếu bạn sử dụng Cloud Drive để lưu trữ nhạc, bạn có thể dùng ứng dụng miễn phí Amazon Cloud Player để chơi nhạc trên bất cứ trình duyệt nào cả ở trên máy tính lẫn thiết bị iOS (có cả phiên bản tương ứng dành cho thiết bị Android).  Ngoài ra, với những bản nhạc người dùng mua từ Amazon thì sẽ được tự động lưu trữ miễn phí trên Cloud Drive mà không bị tính trừ vào dung lượng đang .  Từ nay cho đến hết năm 2011, Amazon đang khuyến mại cho những khách hàng có mua một album MP3 trên Amazon sẽ được bổ sung dung lượng lưu trữ miễn phí trên Cloud Drive lên 20Gb trong vòng 1 năm.

 

Google Music Beta (music.google.com)

 
Đặc điểm: Hiện tại miễn phí (đòi hỏi có thư mời tham gia)
 
 
Ra đời vào đầu tháng 5, Music Beta của Google chỉ dành  cho người dùng ở Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, người dùng Việt Nam nhận được thư mời đều có thể tham gia sử dụng và trải nghiệm dịch vụ này. Vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, dịch vụ này cho phép lưu trữ 20.000 bài hát trên mỗi tài khoản người dùng, và được sử dụng trên 8 thiết bị kết nối khác nhau.
 
 
Tương tự như dịch vụ của Amazon, Music Beta của Google lưu trữ nhạc trên các “đám mây dữ liệu” nên người dùng có thể truy cập kho nhạc của mình từ bất cứ đâu và trên bất cứ thiết bị nào có hỗ trợ nền tảng. Tuy nhiên khác với Amazon, bạn chưa được cung cấp tuỳ chọn mua nhạc thông qua Google.
 

Trên các thiết bị iOS, Music Beta chưa có ứng dụng chuyên biệt nên người dùng cần truy cập kho nhạc thông qua trình duyệt Safari với đường dẫn: music.google.com/music. Sau khi đăng nhập, phía dưới trang sẽ xuất hiện một thanh điều khiển cung cấp những tính năng cơ bản để nghe nhạc, tạo danh sách bài hát.

 
Cũng như Amazon, để tránh người dùng lợi dụng dịch vụ vi phạm bản quyền, Google không cho phép người dùng tải về các bản nhạc từ Online Music Locker, tuy nhiên, Music Beta có ưu điểm hơn Amazon ở chỗ, người dùng có thể tiếp tục nghe nhạc cả khi kết nối mạng đã bị ngắt. Nhưng trong khi người dùng có thể lưu trữ bất cứ loại file nào trên Cloud Drive thì Music Beta lại chỉ cho phép lưu trữ duy nhất file nhạc.
 
 
Kết luận:
 
 
Năm 2011 dường như là năm của các dịch vụ đám mây khi rất nhiều dịch vụ miễn phí hoặc giá cả vừa phải đã ra mắt giúp cho hầu hết phân khúc người dùng đều có thể tiếp cận loại hình dịch vụ này. Sự tích hợp của dịch vụ đám mây với các thiết bị iOS mang đến một trải nghiệm tuyệt vời khi dữ liệu được tự động cập nhật, sao lưu, đồng bộ trên tất cả các thiết bị iOS sử dụng chung tài khoản “đám mây” và người dùng có thể truy cập dữ liệu của mình một cách tiện lợi và an toàn nhất.
 
 
 
Hải Hà