Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dưới góc nhìn mới của OECD
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, song cảnh báo xung đột tại Trung Đông cũng như hoạt động vận tải gián đoạn ở Biển Đỏ nguy cơ đẩy giá tiêu dùng tăng.
Sức mua của người dân Canada giảm do kinh tế chưa hồi phục - Ảnh: Reuters.
Theo báo cáo triển vọng kinh tế thường niên của OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến sẽ giảm từ 3,1% năm 2023 xuống 2,9% năm 2024, cao hơn so với mức dự báo 2,7% được đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái.
OECD điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do triển vọng lạc quan đối với kinh tế Mỹ, bù đắp cho triển vọng kinh tế u ám của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trong khi đó, tổ chức có trụ sở tại Paris giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 ở mức 3%.
Tổng thư ký OECD Mathias Corman cho biết, kể từ khi OECD công bố triển vọng trước đó vào tháng 11, nền kinh tế toàn cầu đã phát triển tốt hơn. Tăng trưởng toàn cầu vẫn duy trì bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt.
"Trong năm qua, lạm phát đã giảm ở hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi G20, trong khi điều kiện tài chính đã dịu bớt, nhờ kỳ vọng của thị trường rằng các ngân hàng Trung ương sẽ giảm lãi suất sớm hơn và nhanh hơn. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp nhìn chung vẫn ở mức thấp, làm tăng cơ hội hạ cánh mềm của nền kinh tế", Tổng thư ký Mathias Corman lưu ý.
Trong khi triển vọng kinh tế có sự khác biệt giữa các nền kinh tế lớn, lạm phát đang hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến kể từ tháng 11 ở cả Mỹ và khu vực đồng euro. Điều này được dự báo sẽ mở đường cho động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có thể diễn ra ngay trong quý II tới, và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong quý III sau đó.
OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,1% năm 2024 và 1,7% năm 2025.
Trước đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay và năm tới lần lượt được dự báo là 1,5% và 1,7%. Trong báo cáo mới nhất, OECD cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 và 2025 lần lượt là 4,7% và 4,2%.
Trong khi lạm phát giảm tại những nền kinh tế lớn, OECD cho rằng còn quá sớm để khẳng định các nền kinh tế đã cơ bản kiểm soát được áp lực giá cả.
Tổ chức này nêu bật một số mối đe dọa do xung đột giữa Hamas-Israel và các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen vào tàu chở hàng được cho là liên quan đến Israel ở Biển Đỏ.
Báo cáo nhấn mạnh căng thẳng địa chính trị tăng cao gây rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế và lạm phát, đặc biệt nếu xung đột tại Trung Đông gây gián đoạn thị trường năng lượng.
OECD cảnh báo nếu xung đột lan rộng hoặc leo thang, có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động vận tải ở phạm vi rộng hơn so với dự báo hiện nay, tăng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và đẩy giá năng lượng tăng nếu các tuyến đường biển huyết mạch vận chuyển dầu và khí đốt từ Trung Đông đến châu Á, châu Âu và châu Mỹ bị gián đoạn.
Theo OECD, khoảng 15% khối lượng hàng hóa toàn cầu vận chuyển bằng đường biển di chuyển qua Biển Đỏ vào năm 2022.
Các cuộc tấn công của Houthi khiến chi phí vận chuyển tăng cao và thời gian giao hàng kéo dài khi các tàu chở hàng phải chuyển hướng quanh cực Nam châu Phi, khiến hành trình dài thêm 1,5 lần.
Báo cáo cho biết kế hoạch sản xuất đã bị gián đoạn ở châu Âu, đặc biệt là đối với các công ty chế tạo ôtô.
OECD cảnh báo nếu chi phí vận chuyển tiếp tục tăng 100%, giá tiêu dùng có nguy cơ tăng thêm 0,4 điểm phần trăm sau khoảng một năm.
Theo Báo điện tử Chính phủ