Thế giới sẽ ra sao khi “quần áo” cũng được kết nối?
Các nhà thiết kế thời trang đang kết hợp tiềm năng của các cảm biến thông minh và kết nối Internet để tạo ra những bộ trang phục lộng lẫy, quyến rũ cực kỳ thông minh và có khả năng tương tác diệu kỳ.
Lĩnh vực thời trang từ lâu đã được các nhà sáng chế sử dụng để áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại. Với xu hướng kết nối Internet cho vạn vật (IoT) và sự phát triển ngày càng đa dạng các vật dụng đeo trên người, thì kết quả thu được từ bộ váy của thiên thần Tinkerbell đến áo “người nhện” là khá ấn tượng.
Công nghệ đeo hiện đang làm ngất ngây những fan hâm mộ đồng hồ thông minh và luyện tập sức khỏe khai thác các chức năng kiểm soát tốc độ, định vị và theo dõi cơ thể để tăng cường thể lực. Trong khi đó các nhà thiết kế thời trang cũng đang khai thác tiềm năng của các cảm biến và năng lực kết nối Internet để tạo ra trang phục và các phụ tùng đi kèm lộng lẫy, quyến rũ và thông minh.
Drinkwater, Giáo sư Học viện thời trang Luân Đôn gọi bộ váy Tinker Bell là “điểm nhấn” tuyệt vời của công nghệ đeo thời trang. Được sáng tạo từ hình tượng thiên thần trong truyện cổ tích Peter Pan, bộ váy được làm từ chất liệu sợi quang học phát sáng trong bóng tối bằng công nghệ LED.
Năm nay, Intel cũng ra mắt làng thời trang với trang phục “người nhện” được kết hợp giữa công nghệ cảm biến và người máy để thể hiện cảm xúc của người đeo. Nó tập hợp các tín hiệu sinh trắc học để đo mức độ cảm xúc của người đeo, và các “chân nhện” sẽ vươn ra tấn công nếu có đối tượng tiếp cận làm bạn cảm thấy lo sợ, hoặc thu chân về nếu bạn thấy an toàn.
Viễn cảnh tương lai
Khi có nhiều cảm biến thì càng có nhiều trang phục như “người nhện” của Intel được tạo ra. Và khi đã xuất hiện môi trường được dẫn dắt bởi những cảm biến thực thụ và các loại trang phục có khả năng giao tiếp được với nhau, với các cửa hiệu, với các sự kiện, thì khi đó chúng ta sẽ có một thế giới khả dụng mà con người sẽ phải học cách khai thác hoặc thậm chí tìm hiểu ý nghĩa của chúng vì trang phục được kết nối sẽ cho phép chúng ta giao tiếp một cách hoàn toàn mới.
Những nghiên cứu này hiện đang vẫn nằm giữa nhiều thái cực, nhưng có điều chắc chắc thế giới sẽ đầy rẫy những cảm biến được kết nối. Nó chỉ đơn thuần là việc quyết định làm sao để sử dụng chúng – để đếm xem một ngày ta đã đi bao bước chân, hoặc để bộc lộ trạng thái cảm xúc tới những người xung quanh bằng chiếc áo phông đang diện trên người.
Một rào cản nữa là việc phải tạo ra những đồ điện tử thật nhỏ như một hệ thống điều khiển cỡ chiếc cúc áo có thể điều khiển các cảm biến, phân tích thông tin và truyền chúng đi nhờ công nghệ Bluetooth.
Việc giặt trang phục cũng là một thách thức đáng kể. Các chuyên gia chỉ ra rằng quần áo thông minh sẽ có những chiếc “cúc” có thể tháo ra trước khi giặt. Trong khi chất liệu thông thường được giặt ở nhiệt độ 30oC với bột giặt tiêu chuẩn, thì các chất liệu đặc biệt sẽ được làm sạch bằng hơi nóng.
Những thử nghiệm công nghệ giặt sẽ phải cần thời gian 2 năm để đưa công nghệ thời trang đeo ra thị trường như những trang phục thông thường nhưng sẽ làm tăng giá trị thẩm mỹ và khả năng tương tác diệu kỳ.
Tùng Lâm (Theo theguardian.com)