Thiết kế website động với mã nguồn Drupal 7 – Phần 9

08:00, 27/07/2011

Sau khi bạn đã hoàn chỉnh thiết kế website Drupal 7 thì công đoạn cuối cùng là ra mắt sản phẩm của mình trên Internet. Bạn cần chuẩn bị hai yếu tố quan trọng là hosting và tên miền. Phần này sẽ giới thiệu đến các bạn cách sử dụng hosting, tên miền miễn phí và có phí, hướng dẫn đưa website từ localhost lên hosting.


19. Đăng kí và sử dụng tên miền, hosting
 
- Đăng ký và sử dụng tên miền miễn phí dot.tk
 
Dot.tk là một trang web cho phép đăng ký một tên miền miễn phí không giới hạn thời gian chỉ cần điều kiện là trong vòng 3 tháng phải có ít nhất 25 người xem trang web của bạn. Tên website đăng ký trên tên miền trên dot.tk có dạng abc.tk, một cái tên website rất ấn tượng đối với một tên miền miễn phí.
 
 
        Đầu tiên, bạn truy cập vào trang web http://www.dot.tk và bấm Choose language, chọn Tiếng Việt trong danh sách xổ xuống, bấm chọn dòng chữ Miền web sau đó điền tên trang web của bạn vào ô trống phía sau từ http://www, bấm vào nút tiếp. Nếu tên trang web bạn muốn đăng ký đã tồn tại thì bạn đặt lại một tên mới và bấm nút tiếp. Còn nếu như tên đó chưa có ai đăng ký thì bạn sẽ tiếp tục đăng ký trong cửa sổ tiếp theo.

Nếu muốn đăng ký tên miền miễn phí thì đánh dấu chọn trước dòng chữ Miền miễn phí hoặc chọn Miền trả phí nếu muốn mua tên miền. Trong cửa sổ tiếp theo, bạn bấm vào nút Dùng DNS cho tên miền này, đánh dấu chọn vào mục Dùng DNS server của bạn, điền vào cặp DNS do nơi quản lý hosting cung cấp, rồi điền địa chỉ email và nhập chuỗi kí tự trong hình để xác nhận. Sau đó bấm chọn vào nút Tiếp.

Tiếp theo, bạn cần đăng ký một tài khoản trên Dot TK để có thể thiết lập cho tên miền bằng cách nhập vào tên và mật khẩu trong cửa sổ tiếp theo.

khi đăng ký xong, bạn nhận được một thư thông báo yêu cầu kích hoạt tài khoản, rồi nhập mã xác nhận khi bấm vào đường dẫn trong thư. Sau đó, bạn có thể đăng nhập vào tài khoản Dot TK của mình bằng email và mật khẩu đã đăng ký. Trong cửa sổ quản lý tên miền của Dot TK, bạn bấm nút Modify để thay đổi thông tin DNS hay Domain Forwarding (chuyển hướng đến website khác).

- Sử dụng tên miền có phí
 
 

            Khi đăng ký tên miền ở các nhà cung cấp tên miền thì bạn được cung cấp một tài khoản quản lý tên miền. Để sử dụng tên miền, bạn cần sử dụng Username Password để đăng nhập vào cửa sổ quản lý tên miền.

Đầu tiên, bạn bấm vào menu Domains chọn List All Orders, rồi bấm vào tên miền cần thay đổi thông tin trong danh sách hiện ra. Trong trang tiếp theo, bạn bấm vào liên kết Name Server của thẻ Domain. Tại đây, bạn thay đổi Name Server (địa chỉ DNS của máy chủ) tại Name Server 1, Name Server 2,… đến Name Server x, bấm Submit. Ngoài ra, bạn có thể thay đổi thông tin người quản lý tên miền ở liên kết Contact Details, tạo ra tên miền con ở liên kết Child Name Servers, …

Lưu ý, cửa sổ quản lý tên miền của các nhà cung cấp có thể khác nhau nhưng về các bước sử dụng sẽ gần giống với phần hướng dẫn trên.
 
- Đăng kí và sử dụng hosting
 
            Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ cung cấp hosting miễn phí như byethost.com, www.000webhost.com, zymic.com, summerhost.info, … Bạn có thể tham khảo bài viết hướng dẫn đăng kí và sử dụng hosting của Byehost tại XHTT Online; và tìm thấy một số dịch vụ khác tại địa chỉ này.
 
 
            Về cách quản lý hosting thì không có sự khác biệt nhiều ở hai trình quản lý thông dụng là cPanelDirect Admin, nên tác giả sẽ giới thiệu cách sử dụng hosting trên trình quản lý cPanel. Đầu tiên, bạn dùng tài khoản được cung cấp để đăng nhập vào cửa sổ quản lý. Ở khung Stats hiển thị các thông tin về tên miền, dung lượng và băng thông sử dụng, số lượng cơ sở dữ liệu, phiên bản đang dùng của các trình quản lý máy chủ,…Để chuẩn bị đưa website lên hosting, bạn cần tạo mới cơ sở dữ liệu trên phpMyAdmin của hosting (tương tự như tạo cơ sở dữ liệu trên localhost ở phần 1). Bạn tìm đến khung Databases, bấm vào liên kết MySQL Databases.

Ở trang hiện ra, bạn nhập vào Username, Password, Password (Again) ở mục MySQL Users để tạo một tài khoản đăng nhập phpMyAdmin, khi xong bấm Create User (gọi hai thông số này là Database userDatabase password). Sau đó, bạn cần tạo một cơ sở dữ liệu mới bằng cách nhập tên cơ sở dữ liệu vào ô New Database (khung Create New Database), bấm Create Database (gọi thông số tạo ra là Database name). Tiếp theo, bạn bấm nút Add ở mục Add User to Database để gắn cơ sở dữ liệu vào tài khoản phpMyAdmin, rồi đánh dấu chọn vào ô All Privileges và bấm Make Changes ở trang MySQL Account Maintenance.

Bây giờ, bạn bấm vào nút Home để trở về giao diện chính của trình quản lý, rồi bấm vào liên kết phpMyAdmin. Trong cửa sổ phpMyAdmin, bạn sẽ thấy tên cơ sở dữ liệu rỗng đã tạo, bấm chọn tên cơ sở dữ liệu, rồi bấm nút Import để nhập cơ sở dữ liệu từ localhost. Trong khung File to import, bạn bấm nút Browse rồi duyệt đến tập tin cơ sở dữ liệu (được xuất ra từ phpMyAdmin của localhost, được trình bày ở mục sau), bấm Go.
 
20. Đưa website Drupal lên hosting
 
            Bạn cần chuẩn bị một phần mềm tải tập tin lên hosting theo giao thức FTP, ví dụ như phần mềm miễn phí FileZilla FTP Client, có thể tải tại trang chủ: http://filezilla-project.org/. Sau khi cài đặt phần mềm, bạn thực hiện theo các bước sau để được toàn bộ website đã tạo trên localhost lên hosting.
 
- Xuất cơ sở dữ liệu
 
Đầu tiên, bạn vào phpMyAdmin của localhost bằng trình duyệt Mozilla Firefox (http://localhost/phpmyadmin/). Trong trường Database ở bên trái, bạn chọn tên cơ sở dữ liệu lúc cài đặt Drupal 7, ví dụ là drupal. Một danh sách gồm nhiều bảng cơ sở dữ liệu hiện ra, kéo thanh trượt bên phải xuống đến cuối trang rồi bấm vào chữ Check All. Khi xong, trở về đầu trang rồi bấm nút Export rồi kiểm tra trong khung View dump (schema) of database mục SQL đã được đánh dấu chọn hay chưa, các mục còn lại giữ mặc định. Riêng đối với khung Save as file, bạn đặt tên cho tập tin cơ sở dữ liệu vào ô File name template, rồi đánh dấu chọn vào ô gzipped ở mục Compression, bấm nút Go.

 

- Nhập cơ sở dữ liệu
 
            Bạn đăng nhập vào phpMyAdmin trên hosting, rồi thực hiện nhập cơ sở dữ liệu như hướng dẫn ở phần sử dụng hosting.
 
- Tải mã nguồn lên hosting
 
            Khởi động phần mềm FileZilla FTP Client rồi nhập các thông số đã được cung cấp từ lúc đăng kí hosting: Host (địa chỉ của máy chủ, chẳng hạn 72.88.xxx.xxx), Usename (tên đăng nhập – thông số database user), Password (mật khẩu – thông số database password), Port (nhập vào số 21), bấm Quickconnect. Ở khung Local site, bạn duyệt đến thư mục gốc của website, bên cạnh đó cũng phải duyệt đến thư mục public_html  của tên miền (hoặc htdocs ở một số hosting khác), chọn tất cả thư mục con và tập tin của website drupal rồi bấm chuột phải chọn Upload.
 
- Kết nối mã nguồn với cơ sở dữ liệu
 

            Để kết nối gói mã nguồn đã tải lên hosting và cơ sở dữ liệu thì bạn cần thay đổi thông tin cơ sở dữ liệu ở tập tin  settings.php (thư mục sites/default). Bạn cần chuẩn bị các thông số để khai vào tập tin này: database (thông số database name), username (thông số database user), password (thông số database password).

Trong tập tin settings.php, bạn tìm đến dòng:

$databases = array (

  'default' =>

  array (

    'default' =>

    array (

      'database' => 'drupal',

      'username' => 'xxxxxxx_yyy',

      'password' => '********',

      'host' => 'localhost',

      'port' => '',

      'driver' => 'mysql',

      'prefix' => '',

    ),

  ),

);

           Lưu ý, bạn sử dụng phần mềm FileZile FTP Client để tải tập tin trên về máy rồi chỉnh sửa bằng Notepad, tải lên và ghi đè tập tin cũ.
 
            Bạn có thể tham khảo website do tác giả tạo bằng mã nguồn Drupal 7 tại địa chỉ: http://tonghop24.com.
 
 
            Trải qua 9 bài viết của chuyên đề “Thiết kế website động với mã nguồn Drupal 7”, tác giả đã trình bày khá chi tiết những kiến thức cơ bản về mã nguồn Drupal 7 để giúp cho các bạn “không chuyên” thiết kế một website động “dễ như chơi”. Do chuyên đề được trình bày ở góc độ “không chuyên” nên chắc chắn còn nhiều thiếu sót, tác giả rất mong sự góp ý và chia sẻ chân tình của tất cả các bạn đam mê mã nguồn Drupal 7, đặc biệt là “những bậc đàn anh” về xây dựng và thiết kế website bằng Drupal.
 
 
            Khai thác mã nguồn Drupal như là một “bộ truyện không có hồi kết”, không thể trình bày hết tất cả mọi thứ về Drupal trong khuôn khổ của một chuyên đề, nên tác giả sẽ sớm gặp lại các bạn trong một mảng chuyên đề khác về Drupal, đồng thời hi vọng mọi người chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về thiết kế website bằng mã nguồn Drupal 7.
 


BÙI THANH LIÊM