TQ sẽ đưa giàn khoan HD-981 trở lại?
“TQ xưa nay rất mưu mô. Đừng thấy họ di chuyển giàn khoan mà vội vui mừng, đừng ảo tưởng rằng TQ thôi thực hiện mưu đồ chiếm Biển Đông” – Lời của tướng Thước.
- TQ rút giàn khoan HD-981 nhưng vẫn “mạnh miệng” về Biển Đông
- Căng thẳng TQ-Mỹ: Không chỉ Biển Đông, công nghệ cũng “hứng đạn”
- So sánh thực lực quân sự giữa VN và TQ: Ai hơn ai?
- TQ sẽ phản ứng ra sao trước Nghị quyết của Thượng viện Mỹ về biển Đông?
- Tới Mỹ yêu cầu TQ phải trả lại nguyên trạng Biển Đông
- TQ “lép vế” trước Mỹ ngay tại “sân nhà”
- TQ “nổi khùng” vì Nhật thay đổi “chính sách quốc phòng”
- Trung Quốc nói họ đang bị "bắt nạt"
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
TQ khẳng định, chỉ dời chứ không rút
Việc Bộ ngoại giao TQ ra tuyên bố này vào ngày 16/7, sau khi di dời giàn khoan HD-981 về phía đảo Hải Nam trước khi siêu bão Rammasun ập đến đã cho thấy, động thái rút của họ “chỉ là tạm thời”. Lui đấy, nhưng khi có cơ hội, họ sẽ tiếp diễn một cách ngang ngược như trước nay mà thôi.
Với “đường lưỡi bò” ảo vọng này, TQ sẽ không từ bỏ việc độc chiếm Biển Đông bằng mọi cách.
Như Xã Hội Thông Tin đã đưa, công ty thăm dò dầu khí của TQ đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981), ra vùng biển ngoài khơi quần đảo Tây Sa (tên gọi của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa) và bắt đầu thăm dò dầu khí từ ngày 2/5, và mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi đã phát biểu rằng, “nó đã hoàn tất một cách thành công vào hôm 15/7 theo đúng lịch trình”.
Ông ta còn lớn lối tuyên bố: “Trung Quốc cương quyết phản đối hành động cản trở phi pháp chống lại hoạt động của công ty Trung Quốc và đã tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho hoạt động khoan dầu”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đừng ảo tưởng và tin vào TQ
Nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhìn nhận về việc TQ cho di chuyển giàn khoan HD-981 khỏi vị trí hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam chỉ là việc làm nhằm xoa dịu dư luận, trước sự đấu tranh của Việt Nam và thế giới đang phản đối mạnh mẽ việc họ xâm phạm vùng biển của nước ta.
Theo tướng Thước, việc di chuyển giàn khoan HD-981 về Hải Nam hay đi đâu nữa thì ý đồ xuyên suốt của TQ vẫn là làm chủ, bá quyền ở khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa và eo biển Malacca, nhằm thực hiện trọn vẹn mưu đồ của “cái gọi là đường 9 đoạn, nay là 10 đoạn”.
Tướng Thước nhấn mạnh: "Đừng ảo tưởng việc giàn khoan HD-981 rút về đảo Hải Nam là TQ đã chấm dứt việc bành trướng, bá quyền. Giàn khoan đó dù có đi đâu thì cũng vẫn ở trên biển Đông. Đó là mắt xích để TQ thực hiện ý đồ của mình. Việt Nam cần phải tiếp tục kết hợp với quốc tế đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa".
Theo tướng Thước, có thể thấy, TQ đang “lùi một bước” để tiếp tục “tiến ba bước” tiếp theo. Đừng bao giờ được phép thỏa mãn rằng TQ đã chịu dừng lại. “Cơn bão Rammasun đang vào biển Đông chỉ là cái cớ để TQ di chuyển giàn khoan mà thôi. Và đó chỉ là hành động lừa dối để ngồi vào đàm phán, thương lượng. Mừng cái gì? Mừng vì cơn bão mà TQ rút ư? Mai tan bão, họ lại đưa nó ra hoạt động trở lại thì sao?", tướng Thước cho biết.
"Chúng ta phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tiếp tục cuộc đấu tranh để đẩy lùi âm mưu bá quyền của TQ dựa vào chính lực lượng của chúng ta cùng với dư luận thế giới yêu chuộng hòa bình", tướng Thước nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng, việc TQ rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sớm hơn dự kiến một tháng rất có thể nhiều khả năng do cả 2 yếu tố: Thời tiết và chính trị.
“Biển động do cơn bão Rammasun là một lý do, nhưng quan trọng hơn, TQ đã đạt được mục tiêu của mình: Bắc Kinh đã gửi thông điệp đến Việt Nam và các nước tranh chấp khác trên biển Đông là mình quyết bảo lưu các tuyên bố chủ quyền theo yêu sách đường 9 đoạn, bao gồm cái gọi là “quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên hàng hải như dầu khí và cá trong phạm vi đường 9 đoạn đó”, ông Storey nói.
Và bài học Philippines mất bãi cạn vì tin TQ vẫn còn đó
Thời tiết khắc nghiệt là “lý do phù hợp” để các căng thẳng trên Biển Đông hạ nhiệt. Nhưng TQ từng lợi dụng thời tiết để qua mặt Philippines và chiếm bãi cạn Scarborough rồi giữ nó cho đến nay.
Cụ thể: Vào giữa tháng 6/2012, bão Gutchol tiến về Philippines khiến biển động dữ dội. Ngày 16/6/2012, Bộ Ngoại giao Philippines đăng thông báo của Ngoại trưởng Albert del Rosario: "Tổng thống Aquino ra lệnh cho đội tàu của hai đơn vị (Lực lượng tuần duyên Philippines và Cục Tài nguyên thủy sản) trở về cảng do điều kiện thời tiết xấu. Chính phủ sẽ đánh giá lại tình hình sau khi thời tiết tốt hơn".
Trước tuyên bố của Manila, đại sứ quán TQ tại Philippines nhanh chóng ra tuyên bố hoan nghênh: "Chúng tôi nghe tin Philippines triệu hồi các tàu chính phủ. Chúng tôi hy vọng hành động đó sẽ xoa dịu căng thẳng".
Tuy nhiên, TQ chưa từng đưa ra tuyên bố công khai về việc rút tàu như Philippines. Vào thời điểm đó, thông tin rất nhiễu loạn. Theo trang Rappler, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định cả hai nước nhất trí rút tàu. "Chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc tham vấn với phía TQ và chúng tôi cùng đi đến kết luận rằng cả hai bên sẽ rút tàu khỏi khu vực đầm phá (ở trung tâm bãi cạn)", ông Raul Hernandez, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines, phát biểu vào ngày 18/6/2012.
Cũng ngày 18/6, TQ thông báo họ cử một tàu đến giúp các ngư dân rời khu vực bãi cạn do tình hình thời tiết xấu rồi chiếm luôn bãi cạn này. Tráo trở hơn, trong khi tàu Philipppines rời Scarborough, còn Bộ Ngoại giao TQ lại chất vấn tuyên bố của Philippines” "Chúng tôi tự hỏi cái mà Philippines gọi là sự đồng thuận với TQ về việc rút tàu xuất phát từ đâu. TQ hy vọng phía Philippines kiềm chế ngôn từ và hành vi", ông Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói ngày 18/6/2012.
Ông này khẳng định, TQ không có kế hoạch rút tàu tương tự như Philippines. "Phía TQ tiếp tục duy trì sự kiểm soát và cảnh giác tại vùng biển xung quanh bãi Hoàng Nham (tên TQ gọi bãi cạn tranh chấp)".
Sau sự kiện này, tháng 1/2013, chính phủ Philippines quyết định khởi kiện tuyên bố chủ quyền phi lý của TQ ra Tòa án trọng tài quốc tế về Luật biển, với lý do họ "đã sử dụng mọi biện pháp ngoại giao với TQ nhưng bất thành".
Thanh Trà (tổng hợp)