TQ “nổi khùng” vì Nhật thay đổi “chính sách quốc phòng”

08:44, 02/07/2014

Mặc cho hàng nghìn người biểu tình phản đối, nhưng cuối cùng, “quyền tự vệ tập thể” vẫn được chính phủ Nhật Bản thông qua vào chiều qua (1/7).

Việc thay đổi chính sách quốc phòng được xem là thắng lợi chính trị của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Sự thay đổi này nhằm mục đích giúp Nhật Bản bảo vệ các nước đồng minh bị tấn công, đồng thời cũng cho phép họ can dự nhiều hơn vào “sứ mạng gìn giữ hòa bình” của Liên hiệp quốc. Điều này có nghĩa là quân đội Nhật Bản được phép thực thi quyền “quyền tự vệ tập thể”, thay vì bị cấm tham chiến ở nước ngoài theo Luật, có hiệu lực từ năm 1945.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Với bước đi này, Thủ tướng Abe đã đưa Nhật Bản đóng góp tích cực, chủ động hơn vào nền hòa bình và an ninh toàn cầu, cũng như củng cố khả năng phòng vệ của Lực lượng Phòng vệ (SDF) khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt những hiểm họa an ninh ngày càng lớn, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo đưa tin hôm qua.

Và, Nhật Bản cũng sẽ được phép sử dụng vũ lực nếu “sự tồn tại của đất nước bị đe dọa, có những mối đe dọa rõ ràng đối với quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân” Nhật Bản hoặc “những nước có quan hệ gần gũi” bị tấn công vũ trang. Nhật Bản được phép sử dụng vũ lực trong những trường hợp như vậy nếu “không còn cách thích hợp nào khác” và việc sử dụng vũ lực cũng chỉ được phép ở mức tối thiểu, Kyodo đưa tin.

Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh rằng, quyết định này có tính cách phòng vệ, “chuẩn bị tư thế tốt hơn để có thể ngăn chặn những quốc gia muốn gây hấn với Nhật Bản.” Theo ông Abe, vì hòa bình và ổn định của thế giới, Nhật Bản sẽ đóng góp nhiều hơn hiện nay. Tuy nhiên, không phải trong bất cứ cuộc tranh chấp nào cũng cần phải giải quyết không phải bằng vũ lực, có thể bằng luật pháp quốc tế và ngoại giao.

Trước sự việc này, TQ vô cùng bực tức, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi nói, Nhật Bản không thể dùng điều ông Abe gọi là mối đe dọa của TQ được bịa đặt ra để “thúc đẩy chương trình chính trị trong nước”.

“TQ yêu cầu Nhật Bản tôn trọng các quan ngại hợp lý về an ninh của các nước láng giềng châu Á và cẩn thận xử lý vấn đề liên hệ. Nhật Bản không được làm hại đến chủ quyền quốc gia và an ninh và không được làm hại đến hòa bình và ổn định trong vùng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ nói.

Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản đang làm gia tăng căng thẳng khu vực và tìm cách biện hộ cho những nỗ lực của ông Abe nhằm thay đổi quá khứ chiến tranh của Tokyo bằng giọng điệu ít hối lỗi hơn.

Với góc nhìn khác, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Richard Samuels, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nói, “Nhật Bản mạnh không có nghĩa là họ sẽ hiếu chiến”.

Với bước đi này của Nhật Bản, chắc chắn sẽ được Mỹ cũng như các nước khu vực Đông Nam Á hoan nghênh. Lâu nay, Mỹ vẫn thúc giục Nhật Bản trở thành đối tác, đồng minh tương xứng hơn. Theo đó, Tokyo và Washington đã có kế hoạch sửa đổi hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương vào cuối năm nay để cụ thể hóa vai trò của SDF và quân đội Mỹ.

Theo tài liệu của chính phủ Nhật Bản, nước này sẽ tiếp tục là một “nhà nước hòa bình”. Tài liệu cũng nói rằng, mức độ nghiêm trọng của các tình huống an ninh và sự trỗi dậy của những mối đe dọa trên biển, trên không, trên mạng internet là lý do Nhật Bản cho phép thực hiện quyền phòng vệ tập thể, và “không riêng quốc gia nào có thể bảo vệ hòa bình một mình nữa”.

Thanh Trà (tổng hợp)