Giàn khoan Nam Hải 9 đang di chuyển đến biển Đông?

10:59, 20/06/2014

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, giàn khoan Nam Hải số 9 có thể đang được Trung Quốc kéo ra Biển Đông là vì dầu mỏ.

Vị trí TQ đặt giàn khoan thứ 2 có dầu

Theo thông báo trên website của Cục Hải sự Trung Quốc, giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) được kéo từ tọa độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12,3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ 31 kinh Đông trên Biển Đông trong thời gian từ ngày 18 đến 20/6.

Vị trí mà Trung Quốc thông báo, theo đánh giá sơ bộ của TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ, vị trí đó nằm ở khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ, nằm về phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, phía Nam Vịnh Bắc Bộ, phía Đông lãnh thổ Việt Nam. Khu vực này có nhiều giao cắt, và có các quan điểm khác nhau, hiện đang trong quá trình đàm phán về chủ quyền và quyền tài phán.

Nhận định về việc này, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan thứ 2 là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn và cũng là khu vực đang tranh chấp rất phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Còn theo TS Trần Công Trục, đây không chỉ là câu chuyện chính trị, vị trí quân sự mà ở đó đã lộ rõ "ý đồ kinh tế". Trung Quốc đang khát dầu, khát năng lượng, họ thực hiện những bước đi này đều có ý đồ “một mũi tên trúng nhiều đích”, trong đó có lợi ích về kinh tế. Mục tiêu khai thác tài nguyên ở khu vực này của Trung Quốc đã rõ ràng hơn. Ông Trục nhắn mạnh, họ muốn làm chủ nguồn tài nguyên khu vực này và tạo ra sức ép sau đó sẽ khống chế tự do hàng hải, độc chiếm ngư trường tại đây. Điều này hết sức nguy hiểm, bởi nếu họ đạt đủ 3 yếu tố này, nghĩa là họ đã “làm chủ tình hình".

 

Giàn khoan Nam Hải số 9 (TQ) đang được kéo vào Biển Đông.

Cũng việc Trung Quốc đưa giàn khoan thứ hai vào Biển Đông, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm – Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, giàn khoan Nam Hải số 9 nằm sâu trong thềm lục địa của Trung Quốc từ 50 - 60 hải lý, vì vậy cũng không ảnh hướng gì đến chúng ta.

“Ngay khi nhận được thông tin, chúng tôi đã cho bộ phận tác nghiệp của đơn vị theo dõi và xác minh. Theo đó, tọa độ mà Trung Quốc đặt giàn khoan thứ hai nằm ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và là nơi hai bên đang bàn (đàm phán – PV) vòng 5 để phân định. Hiện chúng tôi vẫn theo dõi sát sao tình hình và đã có những phương án dự liệu luôn sẵn sàng các kịch bản đối phó với nhiều tình huống có thể xảy ra” - Thiếu tướng Đạm nói.

Cũng theo Thiếu tướng Đạm, khu vực này Trung Quốc từng đặt một số giàn khoan và đã tiến hành khoan dầu khí cách đây nhiều năm. “Tọa độ giàn khoan Hải Nam số 9 thuộc đảo Nam Du Lâm, cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý về phía Trung Quốc. Tại khu vực này, cách đây 5-6 năm, Trung Quốc đã từng đặt một số giàn khoan và cũng đã tiến hành khoan dầu khí, nên việc Trung Quốc kéo thêm giàn khoan thứ 2 tới đây cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao mọi động thái từ phía Trung Quốc”, vị Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định.

Nga nhận định: Chuyến thăm VN của TQ để xoa dịu tình hình

Bình luận về chuyến thăm Hà Nội của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, trong đó, đoàn hai nước đã có cuộc thảo luận về cách giải quyết vấn đề Biển Đông, Đài Tiếng nói nước Nga cho biết, tuy cuộc đàm phán không đạt được tiến bộ đáng kể, nhưng các bên nhất trí tiếp tục các mối liên hệ trong lĩnh vực này.

Rõ ràng, nếu không cố gắng tìm kiếm giải pháp trên bàn thương lượng, căng thẳng ngày càng tăng cuối cùng thậm chí có thể dẫn đến sự xuất hiện "điểm nóng" trong khu vực này, Tiếng nói nước Nga cho hay.

Theo chuyên gia của Viện Nghiên cứu Viễn Đông Andrei Vinogradov, vẫn còn có hy vọng rằng các bên sẽ tiếp tục giữ liên lạc với mục đích giảm bớt căng thẳng. Yếu tố quan trọng ở đây - theo ông Vinogradov, không chỉ vì lợi ích của Bắc Kinh và Hà Nội trong hợp tác kinh tế, mà còn ở sự gần gũi giữa hai nước.

Ông Andrei Vinogradov nói: “Giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ không diễn ra sự đoạn tuyệt. Mặc dù có thực tế là mỗi bên sẽ hành động khác nhau, nhưng liên hệ giữa họ sẽ vẫn tiếp tục duy trì và duy trì ở cấp cao. Việc ông Dương Khiết Trì tham dự phiên họp của Ủy ban liên chính phủ là một cách, nếu không giải quyết được thì ít nhất là cũng xoa dịu tình hình mâu thuẫn. Điều đó là cần thiết để duy trì đối thoại, có vẻ như cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều hiểu được điều này.”

"Ngoài ra, cả Hà Nội và Bắc Kinh cần tính đến công luận trong nước. Dư luận xã hội vẫn chưa lắng xuống, vì vậy tốt hơn là phải chờ đợi để thảo luận về Biển Đông trong một khung cảnh điềm tĩnh hơn", Tiếng nói nước Nga bình luận thêm.

Hải quân Mỹ-Ấn-Nhật sắp tập trận chung

Trước những diễn biến trên Biển Đông, lực lượng hải quân Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ dự tính sẽ tập trận chung tại vùng biển bắc Thái Bình Dương vào cuối tháng 7. Cuộc tập trận thường niên Malabar được coi là biểu tượng của sự hợp tác ba bên giữa ba quốc gia, báo Ấn Độ Times of India đưa tin hôm qua.

Theo báo Ấn Độ, Hải quân Ấn Độ sẽ đưa 4-5 tàu chiến, trong đó có tàu khu trục lớp Rajput và tàu khu trục tàng hình lớp Shivalik, tham gia tập trận. “Các chiến hạm này sẽ tham gia đợt tập trận Indra với Nga ở vùng biển Vladivostok, sau đó đến Bắc Thái Bình Dương vào cuối tháng 7 để tham gia đợt tập trận Malabar”, một quan chức giấu tên của Ấn Độ nói.

Cuộc tập trận Malabar bị Trung Quốc coi là nỗ lực của Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ nhằm bao vây Bắc Kinh. Dù sẽ tham gia đợt tập trận RIMPAC do Mỹ tổ chức trong năm nay, nhưng Trung Quốc vẫn chưa tiếp cận được Ấn Độ Dương và các tuyến hàng hải trên Thái Bình Dương như Nhật Bản.

Thanh Trà (tổng hợp)