Việt Nam bùng nổ quảng cáo… láo

11:32, 23/07/2012

Một chiếc iPad được quảng cáo có khả năng kết nối mạng 4G. Điện thoại được cho rằng có thể định vị vệ tinh qua hệ thống GPS. Một số điện thoại ghi rằng có camera siêu nét nhưng lúc chụp thì chỉ tầm 0.3 Mpx… Quảng cáo sai sự thật đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam và gây ra biết bao hệ lụy.

Muôn màu quảng cáo

Quảng cáo đã có một lịch sử rất lâu đời song hành cùng với sự phát triển của các ngành công thương và dịch vụ. Nói một cách bình dân thì quảng cáo là những nỗ lực nhằm tác động tới hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng hay khách hàng bằng cách cung cấp những thông điệp bán hàng theo cách thuyết phục về sản phẩm hay dịch vụ của người bán. Còn nói theo định nghĩa hàn lâm thì quảng cáo là hình thức tuyên truyền được trả tiền để thực hiện việc giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ, công ty hay ý tưởng, quảng cáo là hoạt động truyền thông phi trực tiếp giữa người với người mà trong đó người muốn truyền thông phải trả tiền cho các phương tiện truyền thông đại chúng để đưa thông tin đến thuyết phục hay tác động đến người nhận thông tin.

Ngày nay, người ta thường kết hợp quảng cáo với lợi nhuận và để đạt được giá trị lợi nhuận cao nhất, quảng cáo sai sự thật được rất nhiều công ty và doanh nghiệp khai thác một cách triệt để.


Quảng cáo sai sự thật

Ngày nay, nhà sản xuất để bán được nhiều sản phẩm thường dựa rất nhiều vào quảng cáo. “Không những thế, nhà sản xuất thường tính luôn chi phí quảng cáo vào trong giá sản phẩm của mình nên họ thường làm mọi cách cho sản phẩm có nhiều ưu điểm để bán được giá cao”, một chuyên gia kinh tế nhận định. “Nguyên nhân giúp cho các công ty kia thực hiện các mục tiêu này là vì người tiêu dùng Việt Nam hiện còn chưa ý thức được các nội dung quảng cáo kia là như thế nào hay đôi khi người tiêu dùng có chú ý đến tính năng nào đó (được quảng cáo sai sự thật, nói không thành có) và không thử dùng nó. Như vậy, kẽ hở để giúp các công ty thực hiện các quảng cáo sai sự thật lại đến trực tiếp từ người tiêu dùng của sản phẩm đó.



“Người tiêu dùng Việt Nam luôn muốn một sản phẩm thật nhiều tính năng mà giá lại phải rẻ. Và quan trọng nhất là họ muốn sản phẩm nhiều tính năng nhưng lại chẳng bao giờ dùng đến 1/10 các tính năng ấy”, Liêm – bình luận viên công nghệ của một báo mạng nhận định. “Khi mua một chiếc điện thoại, với một số tiền rất ít nhưng nhiều người muốn có bản đồ vệ tinh, kết nối bộ đàm, tương tác Bluetooth nội bộ, quay phim, có chụp ảnh, có radio, có FM, có nghe nhạc, có pin lâu, có GPRS, có 3G, có kết nối vệ tinh, có định vị toàn cầu, có cảm ứng, có ghi âm… hàng loạt tính năng nhưng chẳng mấy khi sử dụng đến. Nắm được điểm yếu này, các công ty bán hàng thường kê ra hoặc nói quá sự thật hàng loạt tính năng của các sản phẩm mình bán để cốt sao có thể bán với giá cao mà khách hàng vẫn chấp nhận. Cuối cùng là nhiều người tiêu dùng chỉ biết là sản phẩm mình mua đó có thể làm được việc ấy nhưng không biết cách dùng… ra sao”.


Nên kiểm tra kỹ


Người tiêu dùng muốn tránh việc bị lừa gạt nên cẩn thận kiểm tra thông tin trước khi mua hàng. Apple quảng cáo sai sự thật về tính năng 4G ở Anh và Úc, ngay lập tức bị người dân ở đó kiện thông qua các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và đã bị phạt hàng chục triệu USD. Ở Việt Nam, nhiều người tiêu dùng rất bức xúc về sản phẩm mình mua nhưng các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng dường như không làm được tới đâu trong những sự việc như thế này. Đây chắc chắn là một trong những khâu yếu nhất trong việc kiểm soát quảng cáo và khiến nó phát triển ở Việt Nam một cách vô tội vạ.

“Mặt bằng trình độ dân trí của người Việt chưa thực sự đồng đều, chỉ một đại bộ phận là am hiểu kỹ thuật, còn lại thì khi đến mua hàng điện tử, công nghệ thông tin, tin học thường dựa vào tư vấn của nơi bán hàng. Nếu nơi bán hàng cố tình quảng cáo “một tấc lên đến trời” thì người tiêu dùng sẽ mắc bẫy ngay lấp tức. Họ không có cơ hội thứ hai để kiểm chứng và yêu cầu bồi thường bởi Việt Nam chưa có cơ chế thực thi một cách cứng rắn”, một chuyên gia kết luận. “Quảng cáo láo sẽ còn tiếp tục phát triển ngoài sự kiểm soát mặc dù sự kiểm soát bây giờ đang ở mức gần như bằng không”.

Linh Quyên

TIN LIÊN QUAN