“Tôi là người ăn trộm”: Người lớn đã “bị trộm” nhân cách!
Chỉ vì 2 cuốn sách có giá 10.000 đồng/cuốn, những người lớn đã trói và “bêu xấu” một bé gái với tấm bảng “Tôi là người ăn trộm” trước ngực tại cửa hàng. Hành vi này không chỉ phi nhân, đã tước đi danh dự, nhân phẩm của bé gái nọ ngay lúc đó, nó sẽ là “vết nhơ” trong suốt cuộc đời em.
- Có nên cho trẻ em sử dụng máy tính?
- Thiết lập quyền sử dụng iPhone và iPad cho trẻ em
- BBC - CBeebies Playtime: Ứng dụng di động mới cho trẻ em
- Trẻ em bao nhiêu tuổi có thể sử dụng smartphone?
- Google chống lạm dụng tình dục trẻ em
- Máy tính bảng cho trẻ em sẽ được bán ra vào ngày 1/6
- Ứng dụng giám sát trẻ em dùng Net nở rộ tại Mỹ
- Bảo vệ trẻ em khi lướt web trong 1 click chuột
- Tìm hiểu về một số công nghệ Pin
Người làm có nghĩ đến hậu quả?
Khoảng 13h ngày 10/4, một học sinh THCS trên địa bàn huyện Chư Sê cùng bạn đi vào siêu thị sách Vĩ Yên ở thị trấn Chư Sê để mua giấy kiểm tra. Hai bé gái đã gửi cặp, bên trong có một ít tiền cho nhân viên (theo quy định), rồi đến quầy bán giấy kiểm tra thì mới biết loại này đã hết.
Trông thấy 2 cuốn truyện yêu thích về Trạng Quỳnh, có giá 10.000 đồng/cuốn nên em này đã giấu vào áo khoác. Khi 2 bé vừa bước qua cửa kiểm soát thì chuông báo động kêu. Lập tức các nhân viên siêu thị đã giữ các em lại để lục soát. Phát hiện 2 quyển truyện trong người một em, các nữ nhân viên ở đây đã bắt em viết bảng tường trình nêu rõ tên tuổi, trường học, tên cha mẹ.
Thấy em không chịu nói, một nữ nhân viên dọa sẽ báo công an, còn hai người khác lấy băng keo quấn chặt tay nữ sinh vào lan can cửa chính của siêu thị và tiếp tục hạch hỏi. Tiếp đó, một nữ nhân viên đã đưa tờ giấy có in chữ "Tôi là người ăn trộm" cho đồng nghiệp để dán lên ngực em này. Rất đông người đứng xem và lên tiếng phản đối, yêu cầu nhân viên siêu thị thả bé gái ra nhưng không được.
Mặc cho bé gái khóc lóc hoảng loạn và van xin, nam nhân viên kia vẫn tiếp tục tra hỏi địa chỉ cha mẹ và trường học nên cô bé phải nhờ người bạn đi cùng gọi điện thoại cho người bác ở thị trấn Chư Sê ra giúp đỡ. Khi bác của em đến, nhân viên siêu thị yêu cầu nộp phạt 200.000 đồng rồi mới cho nữ sinh về.
Tuy nhiên, hình ảnh bé gái bị trói, đeo biển "Tôi là người ăn trộm" đã được anh ta chụp lại rồi đưa lên Facebook sau đó. Vụ việc này đã gây ra nhiều bất bình trên các diễn đàn mạng trong mấy ngày qua.
Siêu thị sách Vi Yến, nơi xảy ra sự việc.
Chủ Siêu thị sách nói gì?
Ngày 14/4, bà Nguyễn Thị Thu Ba - Chủ siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê, Gia Lai) xác nhận, người đã đeo tấm biển “Tôi là người ăn trộm” vào cổ nữ sinh lớp 7 rồi chụp ảnh đưa lên trang facebook cá nhân là một nam nhân viên 25 tuổi của siêu thị.
Theo bà, nhân viên này từng làm ở siêu thị này một thời gian dài, sau đó xin nghỉ và vừa mới xin vào làm trở lại được 2 ngày. Lúc xảy ra sự việc, bà đang trông tiệm vàng của gia đình ở nơi khác. Mọi việc ở siêu thị đều do con trai bà quản lý, nhưng thời điểm đó (xảy ra vụ việc), con trai bà đã đi TP.HCM.
“Đến khuya 10/4 tôi mới hay chuyện và gọi điện cho nam nhân viên. Anh ta thừa nhận sự việc và sáng hôm sau thì đã không đến siêu thị làm nữa. Tôi rất tiếc về việc này và cũng rất đau lòng cho cô bé”, bà chủ siêu thị sách nói.
Những người liên quan tới em nói gì?
Cô chủ nhiệm của em cho biết, chiều hôm xảy ra sự việc, lớp có tiết học thể dục nhưng do vẫn còn hoảng sợ nên em này chỉ khóc, không chịu đến trường. Phụ huynh của em đã trình bày lý do, bảo hôm sau sẽ đưa cháu đi học và mong cô giáo giải thích cho các bạn học của em hiểu và không kỳ thị em.
“Sau khi biết sự việc, tôi đã báo với Ban giám hiệu nhà trường. Chúng tôi đã phân tích cho các học sinh trong lớp hiểu. Tuy nhiên, do nhiều học sinh lớp khác (chưa hiểu đầu đuôi sự việc) tò mò kéo nhau đến xem mặt em khiến em này càng thêm hoảng loạn, có khi khóc thét, không dám tiếp xúc với ai hay đi ra khỏi lớp giờ ra chơi”, cô giáo cho biết. Cũng theo cô chủ nhiệm của em, các đồng nghiệp trong trường rất bức xúc trước cách hành xử của các nhân viên siêu thị. “Chúng tôi là giáo viên nhưng đồng thời cũng là cha mẹ. Em ấy còn quá nhỏ, đang lứa tuổi định hình nhân cách, sao lại đối xử với em ấy như vậy”, cô tổng phụ trách đội nhà trường nói.
Theo cha mẹ cô bé, đã mấy hôm nay, con gái họ suốt ngày đóng chặt cửa phòng, không muốn tiếp xúc với ai. “Sự việc xảy ra, chúng tôi không có mặt ở đó nên không biết con mình đúng hay sai. Nhưng chúng tôi đã nộp phạt cho siêu thị và xin lỗi lãnh đạo ở đây vì hành vi dại dột của con mình. Chúng tôi cũng chỉ biết khuyên cháu rằng, làm người, nếu làm sai thì phải biết dũng cảm nhận lỗi”.
Nên chăng, những người đã gây ra phải đến xin lỗi em
Dù em có lỗi và gây nên lỗi, sự việc cũng không đáng phải làm “to chuyện” đến thế. Không ai ủng hộ chuyện ăn cắp, nhưng hành xử như thế nào đối với người ăn cắp là một chuyện khác, nó thể hiện cách ứng xử văn hóa của những cá nhân cụ thể, đặc biệt là ứng xử với trẻ, lứa tuổi “chưa đủ chín”.
Trong sự việc này, các nhân viên siêu thị Vĩ Yên đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân cách của người khác. Theo Luật quy định, quyền danh dự, quyền thân thể của công dân là bất khả xâm phạm. Chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền điều tra, khám xét, xác định hành vi trộm cắp mà thôi.
Vậy nên, để khôi phục (phàn nào và cũng để phục thiện) danh dự cho bé gái, đồng thời để bé nhanh chóng ổn định lại tinh thần và cuộc sống, những người đã bắt trói, tra hỏi em nhất thiết phải đến gặp và xin lỗi em, có sự chứng kiến của tổ dân phố/khu phố hay ấp/xã nơi em sống (và không nên “phô trương”), nhằm dẹp và ổn định dư luận nơi đây.
Thanh Trà (tổng hợp)