3 siêu smartphone làm "bác sỹ"

06:37, 28/06/2014

Smartphone có cảm biến sẽ như máy tập gym, ứng dụng đóng vai trò sổ sức khỏe kiêm chuyên gia tư vấn cho mỗi cá nhân.

Ngày nay smartphone là một phương tiện giải trí mạnh, phổ cập. Và phát triển các ứng dụng đo sức khỏe là xu hướng nổi bật năm 2014.

smartphone chăm sóc sức khỏe

Trên các dòng điện thoại smartphone cao cấp đều tích hợp các chip xử lý và nhiều cảm biến ghi nhận chuyển động cơ thể như bước chân nhanh hay chậm. Qua đó điện thoại biết được họ đang chạy hay đi bộ, kết hợp với khả năng định vị vị trí (GPS) và ứng dụng, đo đạc quãng đường chủ nhân đã đi. Những ứng dụng do nhà sản xuất cài sẵn trên smartphone tính toán lượng calori “đốt cháy” cho đoạn đường chạy bộ vừa thực hiện, bữa trưa đã nạp bao nhiêu calori và món ăn nào không làm tăng cân. Hơn nữa, các thiết bị này còn tư vấn cặn kẽ bài tập thể dục cần thiết để “tiêu hóa” hết lượng calori thừa, hướng đến mục tiêu trong khoảng thời gian đã đặt ra trước đó.

Tại Việt Nam, phần lớn người dùng smartphone đều chưa hiểu tường tận và tận dụng được hết những chức năng đa dạng của thiết bị. Smartphone có cảm biến sẽ như máy tập gym, ứng dụng đóng vai trò sổ sức khỏe kiêm chuyên gia tư vấn cho mỗi cá nhân.

Lumia 930 - khác biệt bằng SensorCore

Đây là siêu phẩm khá hot của Nokia. Cùng với nhiều ứng dụng hỗ trợ xử lý hình ảnh cao cấp từ Microsoft, Lumia 930 được trang bị thứ mà Stephen Elop gọi là SensorCore hướng tới các ứng dụng đo sức khỏe.

Lumia 930 với hướng tới ứng dụng đo sức khỏe

Giải pháp phần mềm SensorCore mới trong một loạt các thiết bị Lumia sẽ cung cấp khả năng theo dõi chuyển động, khi tiến một bước, điện thoại trong túi của bạn sẽ biết điều đó. Không chỉ thế, nó cũng có thể ghi lại và truyền dữ liệu cho các ứng dụng như Bing Health & Fitness.

Nó sẽ biết khi bạn đang đi bộ, chạy, hoặc bất cứ điều gì khác có liên quan đến vị trí của bạn. Có khả năng, điện thoại của bạn có thể được lập trình để thực hiện một nhiệm vụ nhất định khi tiêu chí cụ thể được đáp ứng.

Từ đây các ứng dụng trên điện thoại có thể tính toán bao nhiêu calo đã đốt cháy khi chạy bộ, hoặc đi mua sắm. Điện thoại sẽ có thể cho thấy bao nhiêu thời gian bạn đã trải qua tại nơi làm việc trong tuần.

Galaxy S5 cài cảm biến đo nhịp tim

Ngay khi được Samsung ra mắt, cảm biến đo nhịp tim là một trong những tính năng “hot” và đáng chú ý nhất trên Galaxy S5. Tuy nhiên trên thực tế trước khi được trang bị trên Galaxy S5, nhiều ứng dụng trên smartphone với chức năng đo nhịp tim đã từng xuất hiện.

Samsung Galaxy S5 có cảm biến đo nhịp tim

Cơ chế hoạt động của cảm biến đo nhịp tim trên Galaxy S5 là ghi nhận sự thay đổi của mao mạch trên đầu ngón tay, từ đó thực hiện các biện pháp tính toán phù hợp để đưa ra nhịp tim của người dùng ở con số gần đúng nhất. Những ứng dụng này thực sự hữu dụng với những ai có vấn đề về bệnh tim mạch, đái tháo đường… và có biện pháp xử lý phù hợp nếu cảm thấy nhịp tim quá cao hoặc quá thấp.

Đo cảm biến nhịp tim ở Samsung S5

Người dùng sẽ đặt ngón tay của mình giữa camera và đèn flash của smartphone, thuật toán trên ứng dụng sẽ đo sự thay đổi độ sáng của đèn flash, từ đó tính toán ra sự thay đổi của mao mạch ngón tay và đưa ra kết quả về nhịp tim của người dùng.

Sau khi hoàn tất đo nhịp tim, ứng dụng sẽ cho phép người dùng chọn tình trạng của mình (đang mệt mỏi, khỏe mạnh hay bình thường) và hoàn cảnh hiện tại (đang nghỉ ngơi, sau khi tập thể dụng, ở tình trạng bình thường) và lưu lại kết quả. Ứng dụng sẽ lưu lại những kết quả này để giúp họ thuận tiện hơn trong việc theo dõi sự biến đổi về nhịp tim của mình theo thời gian và trong từng hoàn cảnh.

DermoScreen trên iPhone

Ứng dụng iPhone DermoScreen được cho là có thể phát hiện melanoma, một dạng ung thư da cực kỳ nguy hiểm, với độ chính xác tới 85%.

Ứng dụng iPhone Dermo Screen có thể phát hiện ung thư da

Ứng dụng có tên  DermoScreen được phát triển bởi George Zouridakis, một giáo sư công nghệ kỹ thuật thuộc Đại học Houston (Mỹ) và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Ứng dụng hoạt động với thiết bị soi da chuyên biệt Dermoscope (giá 500 USD) và một chiếc kính lúp đặc biệt.

Sau khi thiết bị Dermoscope ghi lại hình ảnh, ứng dụng sẽ dựa vào bức ảnh đó để phân tích xem có dấu vết của bệnh ung thư hay không. Quá trình thử nghiệm ban đầu cho thấy ứng dụng cho kết quả chính xác tới 85%. Đại học Houston nói rằng tỷ lệ chính xác này cao hơn so với khả năng chẩn đoán bệnh của các bác sỹ chăm sóc sức khỏe thông thường, và tương đương với tỷ lệ chính xác của chẩn đoán từ bác sỹ da liễu.

Mục tiêu của DermoScreen là cung cấp phương tiện phát hiện ung thư da nhanh chóng và ít tốn kém cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt những nơi không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc biệt.

Theo tổ chức chống ung thư da The Skin Cancer Foundation, melanoma là dạng nguy hiểm nhất của ung thư da. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh melanoma gần như hoàn toàn có khả năng chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu bị phát hiện muộn, bệnh có thể lan tới các khu vực khác trên cơ thể và khiến việc chữa trị gặp khó khăn hơn.

Ứng dụng DermoScreen hiện đang được đánh giá và thử nghiệm thêm tại trung tâm ung thư MD Anderson (Mỹ). Dự án này vẫn đang trong những giai đoạn phát triển đầu tiên nhưng đã sớm thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư.

Đ.T