Chiến dịch “bất tuân dân sự” làm rúng động Hong Kong

08:12, 29/09/2014

Hưởng ứng lời kêu gọi của PGS Đới Diệu Đình, 30.000 người đã tập trung biểu tình ở khu Tamar, nơi tập trung các cơ quan chính quyền thuộc quận Trung Tây.

Rạng sáng 28/9, PGS Đới Diệu Đình tại Đại học Hong Kong (đặc khu Hong Kong thuộc Trung Quốc) - người đồng sáng lập phong trào “Chiếm trung tâm”, tuyên bố chiến dịch “bất tuân dân sự” bắt đầu từ ngày 28/9.

 

Cảnh sát Hong Kong sử dụng hơi cay giải tán người biểu tình ngày 28/9.

Theo báo South China Morning Post (đặc khu Hong Kong), chiến dịch bất tuân dân sự thể hiện thái độ bất phục tùng chính quyền bằng các hình thức phi bạo lực. Đây là cuộc biểu tình nhằm ủng hộ hoạt động bãi khóa trước đó của học sinh – sinh viên Hong Kong bắt đầu từ 26/9 để phản đối ý định của chính quyền Trung Quốc kiểm soát cuộc bầu cử ở Hong Kong từ năm 2017. Những người biểu tình cũng kêu gọi lãnh đạo Leung Chun-ying từ chức.

Chiến dịch được thực hiện nhằm phản đối quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về cải cách bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong với yêu cầu các ứng cử viên phải được ủy ban đề cử chấp thuận mới được ra tranh cử, trang PLO cho hay.

Ông Đới dự định phát động chiến dịch vào ngày 1/10, nhưng cuối cùng lại tổ chức chiến dịch sớm hơn, nhằm ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên trước trụ sở chính quyền đặc khu, kéo dài liên tiếp trong hai đêm 26 và 27/9.

Theo trang Đất Việt, ngày 28/9, cảnh sát Hong Kong đã lập hàng rào bao quanh hàng nghìn người biểu tình tại trụ sở các tòa nhà chính quyền tại đây sau khi những người này có ý định “đóng cửa” trung tâm tài chính Hong Kong. Các cuộc biểu tình diễn ra từ ngày 22/9 và ngày càng có nhiều người tham gia, nhằm gây áp lực để có thể giành được quyền bầu cử tự do.

Còn trang Gafin cho biết, Hong Kong bị “tê liệt một phần” khi hàng nghìn người biểu tình xuống đường, phong tỏa các tuyến đường chính vào sáng sớm hôm nay (29/9) sau khi xảy ra các vụ đụng độ với cảnh sát vào cuối tuần qua. Cảnh sát Hong Kong đã buộc phải dùng đến hơi cay để giải tán cuộc biểu tình. Tuy nhiên, đến cuối ngày 28/9, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn và thậm chí mở rộng thêm vào trung tâm Hong Kong. Những người biểu tình cũng bắt đầu bao vây tòa nhà chính quyền.

Phong trào “Chiếm trung tâm” của PGS Đới Diệu Đình đề đạt hai yêu cầu: Chính phủ trung ương phải rút lại quyết định về cải cách bầu cử ở Hong Kong và đặc khu trưởng Lương Chấn Anh phải tiến hành cuộc cải cách bầu cử mới.

Ba nghị sĩ gồm ông Hà Tuấn Nhân, bà Lưu Tuệ Khanh (chủ tịch đảng Dân chủ) và ông Trương Siêu Hùng (phó chủ tịch đảng Lao động) đã bị bắt giữ khi họ tìm cách đưa thiết bị âm thanh vào khu vực biểu tình để diễn thuyết.

Chiều 28/9, cảnh sát bắt đầu sử dụng hơi cay để giải tán biểu tình nhưng không thành công. Những người biểu tình đeo kính bảo hộ và sử dụng dù che chống đỡ. Một số người biểu tình và cảnh sát bị thương nhẹ trong khi xô xát.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc lo ngại cuộc biểu tình dân chủ này có thể lan đến các thành phố ở Trung Quốc lục địa.

Thanh Trà (tổng hợp)