Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?

13:25, 02/04/2025

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, để ứng dụng và phổ biến AI hơn nữa trong sản xuất, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức và đòi hỏi sự chuyển biến đồng bộ hơn nữa.

Động lực đổi mới và phát triển

Nhận thức vai trò của AI trong sản xuất công nghiệp, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới, trong đó, một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT vào sản xuất. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ để xây dựng các giải pháp AI phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước.

Trí tuệ nhân tạo (AI) động lực cho sự đổi mới, sáng tạo. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ tại tọa đàm “Ứng dụng AI trong sản xuất: Động lực đổi mới và phát triển” mới đây, ông Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua và trong năm 2025, Bộ Công Thương sẽ triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ mới và AI trong hoạt động nội bộ Bộ Công Thương.

Đặc biệt, đối với công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương có một số giải pháp cụ thể như, Bộ đã ký Quyết định số 116 ban hành kế hoạch hành động nhằm triển khai Nghị quyết 03 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 57 của Trung ương liên quan đến đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, trong đó có AI.

Về triển khai thực tế, thời gian qua và trong năm 2025, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động mời các doanh nghiệp hàng đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0 và AI như SIEMENS, Samsung, Toyota tổ chức hội nghị tập huấn, khóa đào tạo cho doanh nghiệp trong ngành nhằm tăng cường nguồn nhân lực; khuyến khích doanh nghiệp trong ngành ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là AI trong sản xuất; tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tận dụng kinh nghiệm từ các tập đoàn, doanh nghiệp, Chính phủ nước ngoài có lợi thế, từ đó ứng dụng và phát huy trong ngành Công Thương.

Đề cập đến mức độ ứng dụng AI của các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất, ông Hồ Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI - FPT Smart Cloud cho biết, mức độ ứng dụng AI của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt sau những năm gần đây, khi Chat GPT và các công nghệ mới liên tục thay đổi, đã tăng lên đáng kể với sự tham gia của nhiều ngành nghề hơn.

Theo ông Thắng, xu hướng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng năng suất, tối ưu và tự động hóa hoạt động.

Là một trong những doanh nghiệp luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ, trước bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đặc biệt là sự bùng nổ của AI, Rạng Đông đã triển khai chiến lược AI hóa, bắt đầu từ việc hệ thống hóa lý luận, nghiên cứu xu hướng phát triển của AI, đồng thời xác định vị trí của Việt Nam và thế giới trên đường cong công nghệ AI do Gardner đưa ra.

“Sau quá trình triển khai, Rạng Đông đã đạt được những kết quả đáng kể. Doanh nghiệp đã thương mại hóa thành công hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ 4.0, đưa ra thị trường những sản phẩm ứng dụng công nghệ AI. Đồng thời, hệ thống sản xuất xanh, thông minh và linh hoạt cũng được xây dựng, với mức độ tự động hóa, robot hóa và AI hóa ngày càng cao. Rạng Đông cũng phát triển mô hình kinh doanh số, góp phần nâng cao doanh thu đáng kể…”, ông Kết chia sẻ.

Đâu là rào cản cho doanh nghiệp khi ứng dụng AI trong sản xuất?

Với những chia sẻ của đại diện một số doanh nghiệp trên có thể thấy, AI đã và đang đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, để có thể khai thác tối đa lợi ích mà AI mang lại thì không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng. Thực tế, bài toán khó là sự thiếu đồng bộ tại các doanh nghiệp sản xuất lâu đời, khi mà hệ thống máy móc cũ và mới không đồng bộ, trong khi đó, để đầu tư dây chuyền sản xuất mới hoàn toàn thì lại vướng kinh phí.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm "Ứng dụng AI trong sản xuất: Động lực đổi mới và phát triển".

Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ, muốn ứng dụng AI vào sản xuất, trước hết phải có dữ liệu. Trong một cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp truyền thống với tuổi đời 64 năm như Rạng Đông, hệ thống máy móc, thiết bị có nguồn gốc, xuất xứ và thế hệ khác nhau. Vì vậy, việc đầu tiên là tạo ra dữ liệu bằng cách làm cho các hệ thống máy móc có thể “nói chuyện, giao tiếp, truyền dữ liệu” được với nhau. Đối với hệ thống máy móc mới, việc này không quá phức tạp, nhưng với máy móc cũ, làm thế nào để chúng có thể giao tiếp đặt ra nhiều thách thức?

Cũng đề cập đến những rào cản mà doanh nghiệp gặp phải khi ứng dụng AI vào sản xuất, ông Hồ Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI - FPT Smart Cloud chỉ ra một số rào cản cụ thể như, vấn đề nguồn lực (nguồn nhân lực và hiểu biết về công nghệ AI để ứng dụng); chi phí ban đầu cao (nếu đầu tư AI có chi phí lớn hơn cả các hệ thống chuyển đổi số trước đây mà chưa thấy rõ giá trị mang lại, doanh nghiệp sẽ băn khoăn có nên bắt đầu hay không); cuối cùng là dữ liệu. Theo ông Thắng, để AI hiệu quả, dữ liệu phải chính xác, chất lượng cao và đủ lớn.

Bên cạnh việc nêu rõ các khó khăn, ông Thắng cũng đề cập đến một số giải pháp để giảm thiểu các rào cản để doanh nghiệp thuận lợi hơn khi ứng dụng AI vào sản xuất, cụ thể như, về nhân lực, cần tập trung đào tạo không chỉ đội ngũ kỹ thuật AI mà cả nhân sự trong doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về ứng dụng AI. Về chi phí hạ tầng, mô hình AI Lab giúp doanh nghiệp chia sẻ chi phí ban đầu. FPT có thể hỗ trợ một phần, chỉ khi giải pháp thành công mới tính đến thương mại hóa; về dữ liệu, doanh nghiệp cần chiến lược quản lý và tối ưu dòng dữ liệu để phục vụ AI...

Đề cập đến những giải pháp tổng thể, ở góc độ nhà quản lý, ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương, sẽ có các hoạt động sau như, xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng AI, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến, chế tạo; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đề xuất chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng, giúp doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyển đổi số, và ứng dụng AI tiếp cận nguồn lực cần thiết; đẩy mạnh xây dựng dữ liệu lớn - được coi là "nguồn thức ăn" của AI - để phát triển các giải pháp AI phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Về phía các cấp, ngành, địa phương, Bộ Công Thương kiến nghị, cần xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, doanh nghiệp khoa học công nghệ và ứng dụng AI; chủ động xây dựng khu công nghệ cao, khu công nghiệp thông minh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học công nghệ và chuyển đổi số có không gian sáng tạo, thử nghiệm công nghệ mới; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với tổ chức nghiên cứu, trường đại học, như các chuyên gia đã đề cập…