Lấy người dân làm trung tâm phải là mục tiêu chuyển đối số của chính quyền cơ sở
Việt Nam đang bước vào công cuộc chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương. Đương nhiên, tiến trình đó đang diễn ra với cả cấp xã, phường và mang lại những chuyển biến đáng kể.
Công nghệ thông tin góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm
Ngày nay, hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại thông minh và Internet. Chính vì thế, họ đều là những công dân số với nhiều nhu cầu kết nối với chính quyền và cộng đồng.
Những năm gần đây, thông qua nền tảng Zalo, rất nhiều tổ dân phố đã thiết lập hội nhóm của mình. Thông qua môi trường này, các tổ trưởng dân phố hoàn toàn có thể thông báo đến công dân sở tại về những việc cần phải làm, đồng thời, mọi người dân cũng có thể cập nhật các thông tin không chỉ về cá nhân mình đến cộng đồng.
Đoàn Thanh niên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cùng các Tổ công nghệ số cộng đồng xã Tiên Hội (huyện Đại Từ) hướng dẫn người dân địa phương cài đặt và sử dụng các ứng dụng số trên điện thoại thông minh
Còn về phía chính quyền và các đoàn thể địa phương, từ nhiều năm trước đã có những điển hình trong việc thiết lập website để cung cấp thông tin về mình lên Internet, như phường Khương Mai ở quận Thanh Xuân, Hà Nội và ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
Theo ông Phạm Văn Hiện – nguyên Chủ tịch UBND phường Khương Mai - chính công nghệ thông tin đã góp phần thêm cho sự kết nối tình làng nghĩa xóm với nhân dân của phường. Vấn đề cần hơn theo ông là làm sao các cấp chính quyền cơ sở biết tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin để cung cấp thông tin và dịch vụ trực tuyến cho các công dân của mình.
Chuyển đổi số ở cấp chính quyền cơ sở cần phải làm gì?
Chính quyền cơ sở cần phải thiết lập website cho mình để cung cấp thông tin đến người dân trên địa bàn. Cùng với việc đó, chính quyền cơ sở hoàn toàn có thể cung cấp các dịch vụ công trực tuyến về khai sinh, kết hôn, khai tử…
Website chính thức của UBND phường Phương Sài, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà |
Ngoài việc trực tiếp thăm hỏi nhân dân trên địa bàn, chính quyền cơ sở cũng rất nên họp và giao lưu trực tuyến với công dân của mình, kể cả những người đang sống tạm trú. Đây là việc không quá khó vì có thể thực hiện thông qua website của chính quyền cơ sở và các dịch vụ trực tuyến như Zoom hay Microsoft Team… Làm được việc này, chính các công dân đã ly hương để đi làm ăn xa cũng sẽ có điều kiện để giao lưu và chia sẻ với chính quyền quê hương mình.
Cũng cần phải nhắc lại rằng nếu các cấp chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thì sẽ thu được rất nhiều lợi ích. Điều này là không chỉ có lợi cho chính quyền, đảng uỷ và các đoàn thể sở tại, mà ngay chính các công dân của họ cũng được hưởng lợi theo chủ trương lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số.
Thông qua việc các cấp chính quyền cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, chính các công dân sở tại cũng có điều kiện biết đến nhau nhiều hơn và chắc chắn sẽ cùng làm được nhiều công việc có ý nghĩa.
Nên chăng, các Hội Tin học địa phương cần có sự quan tâm đến thực tế ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở cấp chính quyền cơ sở. Rất cần vinh danh và nhân rộng các điển hình tiên tiến cho hoạt động này. Một khi được các Hội Tin học địa phương quan tâm, động viên, chắc chắn việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở cấp chính quyền cơ sở sẽ có nhiều sự khởi sắc.
Theo viettimes.vn