Thêm 2 tàu tên lửa Molnya cho Hải quân Việt Nam

08:04, 03/06/2015

Chiều qua (2/6), Tổng công ty Ba Son - Bộ Quốc phòng đã tổ chức bàn giao hai tàu tên lửa tấn công nhanh Molnya, mang số hiệu HQ 379 và HQ 380 cho Bộ tư lệnh Hải quân.

Đây là 2 tàu thứ ba và thứ tư trong số 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Molnya Project, theo dự án 12418 mà Việt Nam đã ký hợp đồng với Nga và tự đóng tại Tổng công ty Ba Son, theo Zing.

 

Lễ cắt băng, bàn giao 2 tàu tên lửa - Ảnh: Internet.

Các tàu tên lửa Molnya Project (theo dự án 12418) được trang bị bốn dàn phóng tên lửa Uran - E với 16 tên lửa, cự ly bắn 130 km; một pháo hạm tự động AK - 176M với cự ly bắn khoảng 15 km, cao 11 km và tốc độ bắn khoảng 120-130 viên/phút; hai pháo 6 nòng tự động AK630, có tầm bắn 4-5 km, tốc độ bắn 4.000 - 5.000 viên/phút.

Trong chiến đấu, các tàu này có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến, giải quyết nhanh trận đánh trên biển một cách hiệu quả.

Hai tàu trên được khởi công vào tháng 10/2011, đến tháng 4/2015 được thử nghiệm và thu kỹ thuật bắn đạn thật thành công. Tàu tên lửa Molniya Project được thế giói đánh giá là những tàu chiến hiện đại, có hỏa lực mạnh, kỹ thuật tiên tiến.

Trước đó, hai tàu đầu tiên trong số 6 tàu Molnya Project mang số hiệu HQ377 và HQ378 đã được nghiệm thu, bàn giao, được Bộ tư lệnh Hải quân đánh giá cao.

Trước diễn biến, tình hình phức tạp trên Biển Đông hiện nay, việc đưa vào biên chế các tàu tên lửa tấn công nhanh có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao năng lực chiến đấu và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tại buổi lễ bàn giao, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Liên bang Nga tại TP.HCM, lãnh đạo Tổng công ty Ba Son đã bàn giao hai tàu HQ379 và HQ380 cho Bộ tư lệnh Hải quân. Ngay sau đó, Bộ tư lệnh Hải quân đã bàn giao lại hai tàu này cho Lữ đoàn 167, Bộ tư lệnh Vùng 2 của lực lượng Hải quân.

Dẫn nguồn từ báo Sputnik - Nga, trang BiZlive cho hay, danh sách các loại vũ khí Việt Nam mua của Nga rất “ấn tượng”. Đó là các loại tàu ngầm mà phương Tây gọi là "Hố đen trong đại dương" vì độ ồn cực thấp làm giảm đến mức tối thiểu khả năng bị đối phương phát hiện; Máy bay tiêm kích "Su" có công suất và khả năng cơ động vượt trội so với máy bay MiG của Liên Xô nổi tiếng trên bầu trời trong chiến tranh Việt Nam thời chống Mỹ; hay các hệ  thống tên lửa phòng không "Tor", "Buk" và "C-300" - phiên bản cải tiến của SAM "Dvina" - đã từng bắn rơi hơn nhiều máy bay Mỹ ở miền Bắc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; Và, các tổ hợp tên lửa bờ biển Bastion, mỗi tổ hợp có thể bảo vệ hơn 6 km bờ biển và kiểm soát vùng biển có diện tích 200.000 km2. Không lực lượng hải quân nào trên thế giới có phương tiện hiệu quả để đối phó với loại tên lửa Bastion này.

Để tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu trên mặt nước, dưới nước và trên không, Việt Nam còn có các tàu tuần tra Gepard của Nga. Các tàu này được trang bị bốn bệ phóng chống hạm và hai bệ phóng chống tên lửa, pháo 76-mm và trực thăng. Hai chiếc Gepard đã được đưa về Việt Nam, hai chiếc nữa chuẩn bị bàn giao, Sputnik cho biết.

Ngoài ra, để bảo vệ lãnh hải, Việt Nam cũng đã có hai tàu tuần tra Svetlyak của Nga, với trọng lượng rẽ nước 375 tấn, dài 50 mét. Các tàu này đạt tốc độ lên đến 56 km/giờ và hoạt động rất tốt nên Việt Nam đã đặt mua thêm hai chiếc từ Nga. Nay có thêm 6 tàu tên lửa Molnya (của Nga), do Việt Nam tự đóng theo giấy phép của Nga, giúp tăng năng lực đáng kể cho quốc phòng Việt Nam.

Thanh Trà (tổng hợp)