Vai trò của đổi mới công nghệ từ năng lượng truyền thống đến năng lượng sạch

11:29, 13/10/2023

Hiện nay, thế giới đang phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng truyền thống như dầu mỏ, than đá, và khí tự nhiên. Những nguồn năng lượng này không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến ô nhiễm nước và đất, mà còn đang dần cạn kiệt, đặt ra một mối đe dọa cho cung cấp năng lượng ổn định trong tương lai.

Tại diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam" ngày 12/10/2023 do Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Tiến sĩ Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã trình bày tham luận: Từ năng lượng truyền thống đến năng lượng sạch: Vai trò của đổi mới công nghệ.

Tham luận nêu rõ, năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, và thủy điện, cung cấp một giải pháp bền vững, không gây hại cho môi trường, và tái tạo được. Đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu để các quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch. Các giải pháp hiệu quả để thu thập và lưu trữ năng lượng, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng này trong cả sản xuất và tiêu dùng hàng ngày.

Tiến sĩ Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã trình bày tham luận tại sự kiện.

Năng lượng Truyền thống và những thách thức

Theo số liệu mới nhất, thế giới còn 70 - 100 năm để sử dụng 03 loại năng lượng truyền thống, trong khi đó, than đá được tiêu thụ mỗi năm bình quân là 7.320 triệu tấn trong khi dự trữ than đá ước tính là 891.500 triệu tấn. Về dầu mỏ thì mỗi năm tiêu thụ 35 tỷ thùng trong khi dự trữ dầu mỏ trên thế giới là 1.480 tỉ thùng. Bên cạnh đó, khí đốt mỗi năm tiêu thụ là 4.000 tỉ m3 trong khi dự trữ khí đốt toàn cầu là 187.100 tỉ m3.

Trong khi đó, năng lượng truyền thống có tác động tiêu cực, gây ô nhiễm môi trường, tác động tới biến đổi khí hậu và phá vỡ sự cân bằng sinh thái. Ngoài ra còn phát sinh sự cố mất an toàn (sập lò, nổ lò, rò rỉ, cháy nổ, vỡ đập, xả lũ…).

Với việc nguồn năng lượng truyền thống phân bố không đồng đều, công nghệ khai thác dẫn đến các cuộc cạnh tranh thương mại trên quy mô toàn cầu, thậm chí đã trở thành những cuộc chiến tranh năng lượng song phương hoặc đa phương.

An ninh năng lượng chủ yếu bị phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế.

Tiến sĩ Chử Đức Hoàng cho biết, đối mặt với những thách thức về sử dụng năng lượng truyền thống, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch là một giải pháp thiết yếu. Trong quá trình chuyển đổi này, công nghệ đóng một vai trò quan trọng, từ việc tạo ra các giải pháp hiệu quả để thu thập và lưu trữ năng lượng, đến việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng này trong cả sản xuất và tiêu dùng hàng ngày.

Các ví dụ về công nghệ mới, như công nghệ pin lưu trữ năng lượng và công nghệ thu năng lượng mặt trời hiệu quả hơn, đã được đề cập để mô tả cách chúng giúp chúng ta chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch. Đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu và nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng, sự chuyển đổi này không chỉ là một lựa chọn mà còn là một nhu cầu cấp thiết.

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/vai-tro-cua-doi-moi-cong-nghe-tu-nang-luong-truyen-thong-den-nang-luong-sach)