Vì sao TikTok quyết không chịu "bán mình" trước sức ép từ Mỹ?
ByteDance, công ty chủ sở hữu của TikTok, có thời hạn đến đầu năm 2025 để bán ứng dụng cho một công ty Mỹ nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm. Trên thực tế, sẽ khó có lời đề nghị muốn mua lại ứng dụng này khi công ty đang ở quy mô lớn...
- ByteDance sẵn sàng dừng hoạt động TikTok tại Mỹ
- TikTok có nguy cơ bị cấm vĩnh viễn tại Mỹ
- Đề xuất đánh thuế VAT hàng giá trị nhỏ nhập qua Shopee, Lazada, Tiktok...
- Chỉ số ACE - kích hoạt tăng trưởng bền vững cho thương hiệu trên TikTok Shop
- Bất chấp những góc khuất, TikTok đang tăng tốc tại Việt Nam
- TikTok Shop Summit 2024: Thúc đẩy quảng bá tiêu thụ hàng Việt Nam
- TikTok sắp ra mắt ứng dụng chia sẻ ảnh
- TikTok báo lỗ hơn 4,6 triệu USD tại thị trường Nga
Thời gian qua, TikTok đã liên tục thay thế giám đốc điều hành trong nỗ lực “xoa dịu” Mỹ trước lệnh cấm. Người đầu tiên, ứng cử viên Giám đốc điều hành của Disney, ông Kevin Mayer, chỉ tồn tại được vài tháng. Người kế vị, ông Chew Shou Zi đã gắn bó được ba năm. Tuy nhiên, việc ông Chew không thuyết phục được các nhà lập pháp Mỹ rằng ứng dụng này không phải là mối đe dọa an ninh có thể khiến nhiệm kỳ của ông kết thúc sớm.
Ngày 23/4, Thượng viện Mỹ hoàn tất bỏ phiếu thông qua dự luật yêu cầu TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance hoặc sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ. Hai thượng nghị sĩ Mỹ cho biết họ hy vọng TikTok sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh ở quốc gia này dưới trướng của một chủ sở hữu mới. Trước đó ngày 20/4, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua bỏ phiếu cấm.
Dường như những nỗ lực của TikTok nhằm xoa dịu những lo ngại của chính phủ đã phải trả giá đắt mà không mang lại nhiều lợi ích. Dự án Texas, một sáng kiến trị giá khoảng 1,5 tỷ USD nhằm lưu giữ dữ liệu của người dùng Mỹ tại chính đất nước, chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Các chính trị gia lo lắng về ảnh hưởng mà Bắc Kinh có thể gây ra đối với nội dung của ứng dụng.
Trước đó một số ứng dụng, công ty khác đã phải dùng nhiều cách để “thoát khỏi” lệnh cấm hay những lo ngại của chính phủ Mỹ. Ví dụ, trong quý đầu tiên của năm 2024, Meta đã chi kỷ lục 7,64 triệu USD cho hoạt động vận động hành lang nhằm tìm kiếm sự ủng hộ.
Hay 4 năm trước, công ty Kunlun Tech của Trung Quốc đã bán ứng dụng hẹn hò GRINDR dành cho cộng đồng LGBTQ cho công ty San Vicente Acquisition sau khi các nhà quản lý tại xứ sở cờ hoa ngày càng lo ngại về bảo mật dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, thương vụ đó chỉ có giá dưới 1 tỷ USD trong khi giá trị của TikTok lớn hơn rất nhiều. Năm ngoái, doanh thu ứng dụng này tạo ra ở Mỹ đã vượt qua con số 16 tỷ USD.
TikTok là một trong những ứng dụng mạng xã hội được nhiều người dùng trên thế giới (đơn vị: tỷ người) - Nguồn: Financial Times.
Trên thực tế, sẽ khó có lời đề nghị muốn mua lại ứng dụng này khi công ty đang ở quy mô lớn. Bên cạnh đó, TikTok được đánh giá đang thua lỗ. Công ty đang chi mạnh tay để xây dựng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình. Đây cũng được xem là lý do vì sao ứng dụng này không muốn bán mình cho công ty nào khác ở Mỹ.
Đại diện của TikTok cho biết họ đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến pháp lý. Lệnh cấm nếu được tiến hành sẽ khiến khoảng 170 triệu người dùng ở Mỹ bị ảnh hưởng.
Nhưng việc một ứng dụng nào đó bị cấm không phải mới xảy ra. Nhiều quốc gia đang cố gắng sử dụng các lệnh cấm và chặn kết nối để ngăn chặn người dùng sử dụng các ứng dụng quốc tế.
Ví dụ, năm 2016, Nga đã chặn quyền truy cập vào LinkedIn với lý do công ty này từ chối lưu trữ dữ liệu người dùng Nga ở “xứ sở Bạch Dương”. Năm 2020, Ấn Độ đã cấm TikTok vì lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật. Đầu năm nay, Trung Quốc cũng đã tiến hành cấm ứng dụng WhatsApp với lý do tương tự.
Theo VnEconomy
https://vneconomy.vn/vi-sao-tiktok-quyet-khong-chiu-ban-minh-truoc-suc-ep-tu-my.htm