Đưa huyện Sóc Sơn thành vùng phát triển, đô thị vệ tinh vào năm 2030

Thiên Thanh 11:59, 30/07/2020

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Sơn là huyện phát triển nằm ở cửa ngõ phía Bắc TP. Hà Nội với tính chất cơ bản là thương mại - dịch vụ, công nghiệp, du lịch, giáo dục đào tạo, nông nghiệp sinh thái, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng… Trong đó, khu vực đô thị vệ tinh Sóc Sơn được phát triển trên cơ sở mở rộng thị trấn, huyện lỵ Sóc Sơn về phía Nam, đóng vai trò là đô thị dịch vụ, sinh thái, công nghiệp…

Sáng 30/7, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã diễn ra phiên chính thức. Đại hội có sự tham gia của 299 đại biểu, đại diện cho 14.490 đảng viên thuộc 63 tổ chức cơ sở đảng của Đảng bộ huyện.

Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn đã đến dự, chỉ đạo tại Đại hội. Cùng dự Đại hội còn có Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng.

Báo điện tử Kinh tế & Đô thị cho biết, tại Đại hội, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn biểu dương sự cố gắng, nỗ lực cùng những thành tựu, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn đạt được trong nhiệm kỳ qua. Trên cơ sở những nguyên nhân của một số hạn chế, yếu kém đã được phân tích, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đề nghị Đảng bộ huyện Sóc Sơn tiếp tục nghiên cứu, thảo luận làm rõ thêm, nhất là các nguyên nhân chủ quan để lựa chọn đúng các giải pháp hữu hiệu, quyết tâm khắc phục khó khăn trong thời gian tới. 

Nhận định trong chặng đường tới, TP Hà Nội nói chung và huyện Sóc Sơn nói riêng sẽ có nhiều cơ hội, lợi thế mới để phát triển, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng nhấn mạnh những áp lực không nhỏ sẽ tác động trực tiếp đến công tác lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ huyện Sóc Sơn. Chính vì vậy, đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng và tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cơ bản tán thành với 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá, 18 chỉ tiêu chủ yếu và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn trên các lĩnh vực của Đảng bộ huyện Sóc Sơn đề ra, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn đề nghị Đảng bộ huyện cần tận dụng và phát huy các nguồn lực sẵn có; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, lấp đầy các khu, cụm công nghiệp - làng nghề, phát triển công nghiệp phụ trợ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy thực hiện chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”.

Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị huyện tập trung tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Tiếp tục nâng cao các tiêu chí, phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt, không được phép tự hài lòng với kết quả đạt được, bởi “nếu không cố gắng duy trì liên tục thì đạt rồi vẫn có thể bị tụt lại phía sau”.

Bên cạnh đó đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; hoàn thành xây dựng và thực hiện đồng bộ có hiệu quả quy hoạch phát triển huyện và các quy hoạch xây dựng được duyệt. Chú trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, không gian, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng.

Tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung, làm cơ sở tiền đề để xây dựng huyện Sóc Sơn trở thành đô thị vệ tinh. Trong quá trình đầu tư hạ tầng cơ sở, cần chú trọng chất lượng, tính thẩm mỹ của công trình, tránh tình trạng nhiệm kỳ trước đầu tư, nhiệm kỳ sau đã xin sửa.

Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn cũng đề nghị Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục quan tâm, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa, xã hội. Thực hiện tốt việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, vừa tập trung phát triển các giá trị văn hoá đặc trưng của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là khai thác mọi nguồn lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng văn hóa và con người phát triển toàn diện, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Cùng với đó, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững mạnh. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, siết chặt kỷ cương, kỷ luật đảng, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực…

Thiên Thanh (T/h)