Các học giả phản bác mạnh mẽ "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra

10:30, 16/06/2014

Với một “đường lưỡi bò” tự vẽ, Trung Quốc đang “đối đầu” với hàng loạt quốc gia có liên quan đến Biển Đông, Biển Hoa Đông cùng nhiều quốc gia khác.

Học viện Ngoại giao Cộng hòa Áo thuyết trình về xung đột trên Biển Đông

Dù không có liên quan nhiều đến Biển Đông, nhưng Học viện Ngoại giao Cộng hòa Áo đã có một buổi thuyết trình trước khoảng 80 học giả, các nhà báo và sinh viên về xung đột trên Biển Đông vào ngày 13/6.

Tại đây, tiến sỹ Alfred Gerstl, Giảng viên của Đại học công nghệ Vienna đã trình bày một nghiên cứu chi tiết về lịch sử của Biển Đông, gồm các biến cố từ giữa thế kỷ trước trở lại đây, đồng thời cho mọi người thấy được tham vọng của Trung Quốc cũng như quan điểm của Việt Nam và Philippines về vấn đề này.

 

Bản đồ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc trong tập Atlas “Trung Hoa Bưu Chính Dư Đồ” năm 1919 chỉ tới đảo Hải Nam. 

Tiến sỹ Alfred Gerstl đã dẫn chứng những bản đồ cổ và tư liệu lưu trữ trong Thư viện quốc gia Áo, trong đó có nhắc đến quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông ngoài việc dựa trên cơ sở pháp lý của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam còn dựa trên những căn cứ từ thời vua Lê Thánh Tông (những năm 1460 – 1497) và sau đó, cũng được Pháp khẳng định lại vào năm 1884.

Cùng đó, tiến sỹ Alfred Gerstl cũng chỉ ra, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển thì vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc chênh lệch rất xa so với yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bài thuyết trình này đã được mọi người đồng tình. Những người dự buổi thuyết trình cho rằng, cách hành xử như hiện nay của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến hòa bình trong khu vực và an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Việt Nam kịch liệt lên án Trung Quốc tại Hội nghị LHQ về Luật biển 1982

Tại hội nghị lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, với 159/166 quốc gia thành viên Công ước tham dự, diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York)  từ ngày 9 – 13/6, Đại sứ Việt Nam Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã lên án các hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam.

Trong phiên họp toàn thể của hội nghị này, đại sứ Lê Hoài Trung đã phát biểu đề cao vị trí, vai trò của Công ước như một “hiến chương về đại dương”, và là thành quả nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một trật tự pháp lý quốc tế hợp lý và công bằng trong việc sử dụng, khai thác, quản lý và phát triển bền vững biển và đại dương. Ông cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Công ước, nghiêm túc thực hiện các quy định của Công ước và nỗ lực góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, một vùng biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ về kinh tế, sự phát triển đối với các quốc gia ven biển mà còn cả về giao thông, thương mại đối với các quốc gia khác.

Đại sứ Lê Hoài Trung cũng đã thông báo cho hội nghị những diễn biến nghiêm trọng trên biển Đông thời gian gần đây, do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, lên án các hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam, đồng thời còn đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Các hành vi này đã vi phạm luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước, đi ngược lại Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như các thỏa thuận giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.

Tại hội nghị, các nước có liên quan đến Biển Đông như Nhật Bản, Philippines, Malaysia… đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp tại biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển, đồng thời đề nghị các bên tranh chấp nghiêm túc chấp hành các quy định trong DOC và nhanh chóng kết thúc đàm phán COC. Philippines cũng khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp và lên án một số hành vi của Trung Quốc trong thời gian qua nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Biển Đông “nóng” tại Hội thảo quan hệ Mỹ-Nhật Bản và Đông Nam Á lần 3

Luật pháp quốc tế phải là cách tiếp cận chủ đạo trong việc quản lý tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Đó là ý kiến chung của đa số học giả tham dự Hội thảo về quan hệ Mỹ-Nhật Bản và Đông Nam Á lần thứ 3, được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) trong hai ngày 12 và 13/6.

Tại đây, nhiều học giả đã bày tỏ sự lo ngại đặc biệt trước các diễn biến an ninh mới ở Đông Nam Á, đặc biệt là thái độ và hành động ngang ngược của Trung Quốc trong việc xử lý tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, phớt lờ các quy tắc và luật pháp quốc tế (DOC).

Ngoài các yếu tố nội lực, sự hỗ trợ và tiếp tục tăng cường hợp tác về mọi mặt giữa ASEAN với Mỹ và Nhật Bản được xem là yếu tố quan trọng, giúp cân bằng lại sự trỗi dậy và hiếu chiến của Trung Quốc. Đặc biệt, các đại biểu nhất trí cao khi cho rằng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 phải là nền tảng chủ yếu trong việc quản lý tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Tại Hội thảo, đại diện đoàn Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao đã cập nhật thông tin cho đại biểu các nước về những diễn biến gần đây trên Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Các đại biểu đã tập trung phân tích các tác động nhiều mặt, cả trước mắt lẫn lâu dài đối với an ninh khu vực, đến tương lai của ASEAN trên tư cách là một thực thể được xem là đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề an ninh khu vực, cũng như các tác động đối với hòa bình, ổn định khu vực và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Theo các học giả của các nước, trước mắt, các quốc gia trong và ngoài khu vực cần lên tiếng mạnh mẽ, có các hành động thống nhất buộc Trung Quốc phải kiềm chế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam một cách vô điều kiện, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS và cùng các nước ASEAN nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).

Thanh Trà (tổng hợp)