AI: Con đường tối ưu chi phí và tận dụng lợi thế cạnh tranh

16:27, 12/07/2023

Trí tuệ nhân tạo AI đang nhận được sức hút đáng kể khi các nhà bán lẻ truyền thống bắt đầu áp dụng công nghệ này để nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng ra quyết định cho các chiến lược phát triển.

Đáng chú ý, trong bối cảnh các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với chi phí tăng cao, khó khăn về chuỗi cung ứng và nhu cầu liên tục cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, AI có thể là giải pháp hữu ích cho các nhà bán lẻ trong thời đại số hóa kinh doanh.

Tối ưu chiến lược giá và quản lý hàng tồn kho

Theo một nghiên cứu gần đây do BCG hợp tác với Đại hội Bán lẻ Thế giới phát hành được Fobes đẳng tải, cho thấy chi phí hàng hóa tăng cao là thách thức số một của các nhà bán lẻ. Và khi đối mặt với áp lực này, hầu hết trong số họ gần như nhất trí tăng giá để giảm chi phí.

Nghiên cứu cho biết, trên thực tế, 55% số nhà bán lẻ được hỏi trên toàn thế giới nói rằng doanh nghiệp của họ đang tăng giá và 52% đang đàm phán với các nhà cung cấp. Những chiến thuật ngắn hạn này có thể gây tổn hại cho một thương hiệu, đặc biệt là vào thời điểm mà người mua sắm ngày càng nhạy cảm về giá.

Thay vì sử dụng các đòn bẩy đó, các nhà bán lẻ có thể chuyển sang AI để đưa ra các quyết định về giá mang tính chiến lược hơn. Bởi với khả năng phân tích dữ liệu lịch sử và dữ liệu theo thời gian thực từ nhiều nguồn, các công cụ và công nghệ AI có thể giúp các nhà bán lẻ phát triển giá động bằng cách xem xét các biến đã xác định như mức tồn kho, nhu cầu, tính thời vụ và giá của đối thủ cạnh tranh để điều chỉnh giá cho phù hợp.

Quan trọng hơn, các thuật toán từ AI cũng có thể xác định mức giá lý tưởng từ lăng kính địa lý và kênh, giúp việc định giá trở nên tối ưu hơn. Nó cũng có thể được sử dụng để mô phỏng độ co giãn về giá của một danh mục hoặc sản phẩm thông qua học máy, giúp dự báo nhu cầu và xác định mức giá tốt nhất cho các sản phẩm sẽ chuyển đổi và tối đa hóa doanh thu hoặc tỷ suất lợi nhuận.

Đối với những thách thức trong chuỗi cung ứng, AI cũng là một công cụ cực kỳ hiệu quả để giải quyết một số điểm khó khăn chính của nhà bán lẻ và khách hàng. Minh chứng như việc hết hàng chẳng hạn. Chỉ riêng ở Mỹ, việc hết hàng đã khiến các tạp hóa bán lẻ thiệt hại ước tính từ 15 đến 20 tỷ USD mỗi năm do mất doanh thu và có tác động tiêu cực đến trải nghiệm của khách hàng.

Khi vấn đề xảy ra do tính toán sai trong ghi chép mặt hàng hoặc dự báo nhu cầu, AI có thể tối ưu hóa mạnh mẽ việc quản lý hàng tồn kho để giảm khả năng xảy ra vấn đề tốn kém này. Theo giải thích của Tiffany Yeh, đối tác quản lý và giám đốc của BCG “các thuật toán AI vượt quá khả năng của con người vì chúng có thể dự đoán nhu cầu bằng cách sử dụng vô số thông tin đầu vào và cung cấp các trường hợp sử dụng hiệu quả trong quản lý hàng hóa và hàng tồn kho”.

Các dự báo có thể được tận dụng để bán hàng ở cấp cửa hàng và kết hợp thông tin kho hàng theo thời gian thực để cung cấp thông tin chi tiết về phân bổ và bổ sung hiệu quả cho các nhóm mua hàng và quản lý cửa hàng. Họ cũng có thể cải thiện hoạt động trong toàn bộ chuỗi cung ứng để nắm bắt, theo dõi và dự đoán luồng hàng tồn kho, giúp giảm cả rủi ro hết hàng do các vấn đề hậu cần và chi phí liên quan đến quản lý hàng tồn kho không hiệu quả.

Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng

Đối mặt với tình trạng chi tiêu của khách hàng giảm và cạnh tranh ngày càng cao, các nhà bán lẻ đã bắt đầu đầu tư đúng mức vào việc thiết kế trải nghiệm khách hàng mới nhằm mang đến những tương tác liền mạch, hấp dẫn cho người mua sắm nhằm thúc đẩy mức độ tương tác và giữ chân khách hàng, trong đó lưu ý đến yếu tố: cá nhân hóa.

Để đạt được mục tiêu trên, AI có lẽ là công cụ tốt nhất giúp thu thập và sử dụng dữ liệu khách hàng trên quy mô lớn cũng như phát triển các hành trình đa kênh siêu cá nhân hóa cho khách hàng.

Các doanh nghiệp định hướng công nghệ như Netflix hoặc Spotify dựa vào AI để tạo các đề xuất phù hợp dựa trên hành vi của người dùng, hiển thị nội dung tùy chỉnh phù hợp với thị hiếu và sở thích cụ thể. Amazon cũng là một ví dụ về doanh nghiệp tận dụng sức mạnh của AI để cung cấp trang chủ phù hợp, đề xuất sản phẩm và chiến dịch tiếp thị dựa trên dữ liệu lịch sử và thời gian thực từ khách hàng.

Về mặt bán lẻ, Carrefour là nhà bán lẻ đầu tiên tích hợp OpenAI trong việc cung cấp trải nghiệm khách hàng của mình: nhà bán lẻ này đã tung ra một chatbot dựa trên ChatGPT đã được tích hợp vào trang web thương mại điện tử và hoạt động từ tháng 6 để giúp người mua hàng lựa chọn sản phẩm của hãng.

Giám đốc điều hành của Carrefour, ông Alexandre Bompard trong một thông cáo báo chí đã chia sẻ, rằng: “Nhờ văn hóa dữ liệu và nền tảng kỹ thuật số của mình, chúng tôi đã có một bước ngoặt khi áp dụng đến trí tuệ nhân tạo. AI sáng tạo cho phép chúng tôi làm phong phú thêm trải nghiệm của khách hàng và biến đổi sâu sắc các phương pháp làm việc của hãng. Việc tích hợp công nghệ OpenAI vào công việc là một cơ hội tuyệt vời cho Carrefour”.

Hiện tại, dù được giới chuyên gia mong đợi các nhà bán lẻ triển khai áp dụng AI trong hoạt động của họ, nhưng thực tế hầu hết các nhà bán lẻ trên thế giới vẫn chưa sử dụng công nghệ này như một công cụ chính cho chiến lược kinh doanh dài hạn.

Tiffany Yeh cho rằng: “Một số công ty do dự trong việc kết hợp AI do cảm thấy họ không có khả năng, tuy nhiên hầu hết đều bày tỏ sự quan tâm đến các trường hợp sử dụng AI”.

Việc tích hợp công nghệ thực sự không phải là một nhiệm vụ nhỏ, nó đòi hỏi đầu tư và cam kết định hình lại các quy trình kinh doanh cũng như xây dựng các công cụ và công nghệ do AI cung cấp, thông qua các nhà cung cấp bên thứ ba hoặc nội bộ. Cuối cùng, các nhà bán lẻ cần xác định những thách thức chính mà họ muốn giải quyết và các trường hợp sử dụng tối ưu nhất mà AI sẽ giúp tạo ra giá trị kinh doanh đáng kể để đảm bảo khả năng cạnh tranh lâu dài.

(https://thuongtruong.com.vn/news/ai-con-duong-toi-uu-chi-phi-va-tan-dung-loi-the-canh-tranh-105962.html)