Bí quyết khiến tỷ lệ người dùng dịch vụ công trực tuyến Bình Tân tăng vọt
Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), quận Bình Tân, TP.HCM là một trong những quận, huyện có mô hình tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 hiệu quả thời gian qua.
Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tăng từ hơn 4% lên trên 55%
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến được nhận định là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.
Dịch vụ công trực tuyến phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.
Thông tin về mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiệu quả của Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, TP.HCM, đại diện Phòng Thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho hay, tại thời điểm cách đây 3 năm, số lượng hồ sơ người dân, doanh nghiệp tham gia nộp trực tuyến mức độ 3, 4 chỉ chiếm khoảng hơn 4% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Quận Bình Tân đã có nhiều giải pháp để vận động người dân dùng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4
Đến năm ngoái, số lượng hồ sơ người dân, doanh nghiệp tham gia nộp trực tuyến mức 3 là 10.296/18.507 hồ sơ tiếp nhận giải quyết, đạt tỷ lệ 55,63%. Với các dịch vụ công trực tuyến mức 4, số lượng hồ sơ người dân, doanh nghiệp tham gia nộp trực tuyến là 4.034/6.891 hồ sơ tiếp nhận giải quyết, đạt 58,54%.
Theo chia sẻ của đại diện UBND quận Bình Tân, để đạt được kết quả này, cùng với việc huy động hệ thống chính trị tham gia công tác vận động, hỗ trợ người dân tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, quận đã tổ chức lấy ý kiến góp ý, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về các vấn đề liên quan đến dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, UBND quận Bình Tân đã phối hợp với Ban Dân vận quận ủy tổ chức bộ phận hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 luân phiên trực Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận để hỗ trợ người dân khi có nhu cầu.
Mô hình tổ tư vấn trực tuyến đã được triển khai tại 10 phường và 130 khu phố trên địa bàn quận Bình Tân nhằm đẩy mạnh hiệu quả truyền thông, hỗ trợ cải cách hành chính, tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến.
UBND 10 phường trên địa bàn Bình Tân đã thực hiện xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị cho các Văn phòng khu phố để các Tổ tư vấn kể cả người dân có phương tiện thực hiện hỗ trợ hoặc đăng ký dịch vụ công trực tuyến ở 130 khu khố. “Mô hình này đã được Ủy ban nhân dân TP.HCM ghi nhận và trao giải Ba giải thưởng sáng tạo năm 2019”, đại diện UBND quận Bình Tân chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng trong thời gian qua, UBND quận Bình Tân đã thường xuyên cấp phát các tài liệu tuyên truyền hướng dẫn từng bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó có thông tin về địa chỉ website, số điện thoại tư vấn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về công tác cải cách hành chính đang được UBND quận Bình Tân tiếp nhận qua 4 kênh gồm đường dây nóng của Thành phố, trang thông tin điện tử quận, ứng dụng công dân số và góp ý trực tiếp tại Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố.
Ngoài ra, UBND quận cũng tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ kỹ năng tuyên truyền, tiếp xúc, trao đổi ý kiến về việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho gần 500 cán bộ, công chức, doanh nghiệp và thành viên các Tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến quận, phường, khu phố.
Các UBND phường trên địa bàn Bình Tân cũng được yêu cầu tổ chức các hội nghị tiếp xúc người dân, doanh nghiệp lắng nghe ý kiến, phản ánh với công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến của quận, từ đó đề ra các giải pháp phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Gắn trách nhiệm cán bộ với kết quả giải quyết hồ sơ trực tuyến
Đáng chú ý, góp phần vào thành công của mô hình triển khai dịch vụ công trực tuyến tại quận Bình Tân, TP.HCM, theo chia sẻ của cơ quan này còn là nhờ việc gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức với kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Tại mỗi cơ quan, đơn vị và UBND 10 phường trên địa bàn Bình Tân, UBND quận đã phân công cụ thể cán bộ phụ trách công tác cải cách hành chính và một công chức theo dõi, phụ trách tổng hợp về công tác triển khai thực hiện dịch vụ công thuộc lĩnh vực của đơn vị.
“Nhiệm vụ tham mưu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị, Theo đó, Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm trước UBND quận nếu không đạt chỉ tiêu giải quyết thủ tục trực tuyến đã được quận đề ra theo các lĩnh vực”, đại diện UBND quận Bình Tân cho biết.
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của cơ quan trực tiếp cung cấp và xử lý các thủ tục hành chính, đại diện Cục Tin học hóa cho rằng, muốn triển khai các dịch vụ công trực tuyến thực sự hiệu quả, phải xuất phát từ gốc, đó là việc xử lý hồ sơ thủ tục trực tuyến dựa trên các nền tảng dùng chung, các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công tại bộ, ngành, địa phương - đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp.
“Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đạt kết quả ra sao, làm sao để người dân, doanh nghiệp thực sự hài lòng vẫn thuộc trách nhiệm chính của các bộ, ngành, địa phương”, đại diện Cục Tin học hóa nhận định.
Thanh Thanh/TH