Đặc công đánh đắm tàu Baton Rouge Victory 10.000 tấn

06:49, 28/05/2014

Đây là trận đánh kinh điển của Đặc công Rừng Sác, góp phần tạo bước ngoặt lớn trong việc thay đổi cục diện cuộc chiến tranh ở miền Đông Nam Bộ.

Trong lịch sử truyền thống của lực lượng Đặc công Rừng Sác, có một trang về chiến công đánh đắm con tàu vận tải quân sự mang tên Baton Rouge Victory, tải trọng 10.000 tấn vào ngày 23/8/1966, từng là niềm tự hào số một của Hải quân Mỹ ở chiến trường sông nước Nam Bộ lúc bấy giờ.

Năm 1966, quân đội Mỹ đưa vào địa bàn sông nước Đông Nam Bộ một số tàu quân sự tải trọng lớn, trong đó có tàu vận tải quân sự Baton Rouge Victory. Với sự tham gia của phương tiện vận tải đường thủy khổng lồ này, Mỹ đã tăng cường vận chuyển lực lượng, vũ khí, phương tiện qua sông Ngã Bảy nhằm đè bẹp lực lượng của ta ở Rừng Sác. Vì thế, nhiệm vụ đánh tàu Baton Rouge Victory lúc đó rất cấp bách đối với đặc công Rừng Sác. Khó khăn nhất cho ta lúc ấy là các loại vũ khí hiện có không đủ khả năng để tiêu diệt mục tiêu “khủng” này. Trước tình hình đó, cấp trên đã quyết định tăng cường cho đặc công Rừng Sác 2 trong số 4 quả thủy lôi KB, trọng lượng 1.075 kg/quả, do Liên Xô chế tạo, được đưa từ miền Bắc vào. Kế hoạch đánh tàu Baton Rouge Victory được lập ra và ráo riết chuẩn bị trong khoảng 3 tháng.

Người có công lớn trong trận đánh này chính là chiến sỹ đặc công Hồ Xuân Cảnh, người đã sáng tạo ra cách chuyên chở, hạ thủy lôi trên sông và đề xuất cách đánh, đồng thời là người trực tiếp đi trinh sát, làm các thể nghiệm cách đánh tàu bằng thủy lôi trước khi đánh thực.

Các báo đăng sau khi chiếc tàu "khủng" Baton Rouge Victory bị đánh chìm. 

Trước khi được điều về đặc công Rừng Sác, Hồ Xuân Cảnh đã có thời gian được đào tạo về kỹ thuật đánh thủy lôi ở Trường Sỹ quan Hải quân. Sau khi tiếp nhận hai quả thủy lôi, đặc công Rừng Sác đã mất nhiều đêm chụm đầu bàn bạc cách đánh. Theo kỹ thuật đánh thủy lôi KB của Liên Xô, phải có tàu lớn vận chuyển, sử dụng cần cẩu để thả thủy lôi (vì trọng lượng lớn). Lúc bấy giờ ta không thể có phương tiện để thực hiện theo cách đó mà giả sử có thì đánh như thế cũng sẽ bị lộ ngay. Yêu cầu đặt ra là không được phép thất bại, bởi đây là loại vũ khí “quý hiếm”, mới có được.

Một phương án được vạch ra là bí mật đóng tàu sắt để vận chuyển thuỷ lôi, sau đó sẽ thả bằng kỹ thuật đường ray giống như cách hạ thủy tàu. Tuy nhiên, phương án này không thực hiện được, bởi không thể bảo đảm bí mật khi phải cơ động chiếc tàu sắt trên một quãng đường dài trong tầm kiểm soát cực kỳ gắt gao của đối phương. Cuối cùng, Hồ Xuân Cảnh đề xuất phương án vận chuyển thủy lôi bằng ghe gỗ loại nhỏ, được ngụy trang giống như ngư dân đi buôn bán trên sông. Mỗi ghe chở một quả. Khi đến địa điểm thả (trinh sát xác định trước), sẽ nhấn chìm ghe để thả thủy lôi và đã được chấp thuận.

Ròng rã cả tháng trời, Hồ Xuân Cảnh với sự trợ giúp đắc lực của các đồng đội, dân quân du kích địa phương cùng một số chiến sĩ trinh sát khác, đã bí mật lặn ngụp trên các tuyến sông để xác định vị trí thả thủy lôi. Cuối cùng, nhóm đã chọn vị trí thả thủy lôi nằm ở khúc cua tay áo ở đoạn sông Ngã Bảy tiếp giáp với nhánh sông Lòng Tàu, là đoạn sông tương đối sâu. Theo tính toán, khi chạy đến đoạn này, tàu Baton Rouge Victory buộc phải giảm tốc độ, dạt ra để nới rộng vòng cua và khả năng “dính” thủy lôi sẽ cao hơn. Sau nhiều lần áp dụng các kỹ thuật trinh sát để đo “mớn nước” (tức mức chìm phần đáy tàu), các chiến sỹ xác định mớn nước của tàu Baton Rouge Victory chìm dưới mặt nước ước chừng khoảng 10m. Thủy lôi sẽ được thả cách mặt nước khoảng 8m và ở khoảng cách này, nếu tàu nhỏ đi qua sẽ không bị vướng.

20 giờ ngày 22/8, 20 chiến sỹ đặc công Rừng Sác xuất phát đi thả thủy lôi. Đoàn 10 còn bố trí lực lượng hỗ trợ gồm các trận địa ĐKZ, 12,7mm và khoảng một đại đội bộ binh tăng cường, bí mật cơ động xây dựng trận địa ở hai bên bờ sông nhằm bảo vệ việc thả thủy lôi. Sau khoảng 15 phút, việc thả thủy lôi hoàn thành, toàn bộ được lệnh rút lên bờ, vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

Rạng sáng 23/8, trên sông bắt đầu xuất hiện các tàu tuần tiễu, tàu rà, phá thủy lôi hoạt động. Tiếp đó là vài chuyến tàu nhỏ, tải trọng từ 2000 đến 5000 tấn từ sông Ngã Bảy chạy về hướng Sài Gòn. Đúng như tính toán, những con tàu này lần lượt lướt qua trên mặt sông, không ảnh hưởng gì đến hai quả thủy lôi đang giương sừng (mỗi quả thủy lôi KB có 5 cái sừng, có tác dụng như là ngòi nổ nên thủy lôi này còn được gọi là thủy lôi sừng) đang chờ đợi mục tiêu.

Tầm 7 giờ sáng, xuất hiện 2 máy bay trinh sát quần thảo. Tiếp theo là một tốp trực thăng hơn chục chiếc bay vè vè, bắn đạn như vãi xuống các cánh rừng ven bờ. Rồi hai chiếc tàu chiến xuất hiện chạy cặp hai bên bờ sông, ngang qua trận địa bí mật của ta, tất cả nhằm “dọn đường” cho con tàu khổng lồ. Rồi mục tiêu cũng xuất hiện. Con tàu Baton Rouge Victory tải trọng 10.000 tấn lừng lững tiến vào. Đến khúc cua tay áo, nó giảm tốc, mũi tàu nghếch về hướng sông Lòng Tàu đúng như dự tính, còn thân tàu hiện ra choán cả một khúc sông. Ngay lúc dòng chữ trắng Baton Rouge Victory trên thân tàu hiện ra thì đồng loạt hai tiếng nổ vang lên, làm rung chuyển cả dòng sông và những cánh rừng. Trong nháy mắt, nước từ lòng sông tràn lên dựng đứng như hai bức tường khổng lồ rồi đổ ập xuống làm ngập lênh láng những cánh rừng hai bên bờ. Lòng sông như trơ đáy, tạo thành một cái hố khổng lồ, nuốt chửng con tàu “khủng” mù mịt khói lửa. Trong chốc lát, con tàu Baton Rouge Victory vỡ nát và chìm sâu dưới đáy sông, chỉ còn nhô lên khỏi mặt nước lá cờ Mỹ ám khói.

Theo các tài liệu đã công bố, trên tàu Baton Rouge Victory bị đánh chìm ấy có 100 xe thiết giáp M113, 3 chiếc máy bay phản lực còn “nguyên đai nguyên kiện” trong hòm bảo quản và một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, đủ nuôi cả một sư đoàn Mỹ. Tất cả đều bị vùi dưới đáy sông. 

Thanh Trà (tổng hợp)