Một vài lựa chọn bàn phím rời đáng mua cho iPad
Với một bàn phím, chiếc iPad của bạn hoàn toàn có thể biến thành một cỗ máy phục vụ cho công việc hoàn hảo.
Các loại hình thiết bị di động hiện nay mang những điểm đặc thù về mặt thiết kế và hệ điều hành khác nhau, qua đó cũng tự định hình phân khúc cho riêng mình. Laptop phục vụ cho công việc văn phòng di động, iPad hay các tablet khác với màn hình cảm ứng phục vụ cho giải trí và một phần công việc, còn smartphone dùng để giữ nghe gọi, giữ liên lạc,…
Trong số này, những chiếc iPad của Apple vốn được cho là một thiết bị dành cho giải trí, với màn hình lớn, đẹp, cảm ứng mượt mà và nhiều ứng dụng hỗ trợ. Sức mạnh, và cả giá tiền của chúng không thua kém gì những chiếc laptop phổ thông hiện nay, tuy nhiên tính ứng dụng của chúng lại bị giới hạn do những yếu tố về phần cứng, đặc biệt là việc thiếu hụt một bộ bàn phím vật lý.
Không khó để chúng ta khắc phục nhược điểm này. Những chiếc iPad hoàn toàn có thể biến thành một cỗ máy phục vụ tốt cho cả nhu cầu làm việc và giải trí, chỉ với một bộ bàn phím rời, kết nối qua bluetooth. Loại phụ kiện này hiện khá phổ biến từ nhiều hãng khác nhau và mang những tính năng có thể đáp ứng tốt cho nhu cầu làm việc không thua kém gì một chiếc laptop thực thụ, thậm chí còn vượt trội hơn vì lợi thế màn hình cảm ứng và kho ứng dụng phong phú.
Thế nhưng, với sự phát triển của iPad trong những năm vừa qua, thế giới phụ kiện cho iPad cũng cực kỳ phong phú và có thể gây khó khăn cho những người lần đầu tìm mua loại phụ kiện này.
Các thương hiệu lớn về bàn phím cho iPad có thể kể đến như Anker, Logitech, Belkin,…
Ngoài yếu tố thương hiệu, còn rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn một chiếc bàn phím, chẳng hạn như thiết kế, các tính năng phụ trợ, thời lượng pin, tính di động và một điều quan trọng là cảm giác bấm. Tuy nhiên cảm giác bấm trên những bàn phím này hiện được đánh giá khá tốt, có thể chỉ thua kém một vài loại bàn phím nổi tiếng trên laptop như Thinkpad hoặc MacBook.
Dưới đây là một vài lựa chọn bàn phím rời nổi bật cho iPad:
Ultrathin Keyboard Cover
Dòng Ultrathin Keyboard của Logitech là một trong những dùng bàn phím rời cho iPad tốt nhất hiện nay, có thể tương thích tốt với hầu hết các phiên bản iPad.
Ultrathin Keyboard cho phép điều chỉnh góc đặt máy để bạn có thể thoải mái đẩy iPad ra phía sau, giúp cho việc quan sát khi gõ phím tốt hơn. Bên cạnh đó, điểm mạnh khác của bàn phím này là các phím tắt giúp bạn truy cập nhanh vào các chức năng trên iOS, chẳng hạn như điều chỉnh âm lượng rất tiện lợi.
Ultrathin Keyboard có thể được gập gọn và mang theo khi di chuyển một cách dễ dàng. Cùng với thời lượng pin được cho là có thể dùng trong 6 tháng (với tần suất 2h/ngày), tính di động của sản phẩm này được đánh giá khá cao. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều chất liệu nhựa đã làm mất tính cao cấp của sản phẩm, bộ chỉnh góc giúp đẩy iPad ra phía sau đôi khi hoạt động không được trơn tru, gây khó khăn cho người dùng.
Ultrathin Keyboard Cover hiện có mức giá khá tốt, chỉ khoảng 60$ hoặc cao hơn tuỳ phiên bản.
Belkin Qode Thin Type
Cũng nhấn mạnh và tính nhỏ gọn và di động, đại diện đến từ thương hiệu chuyên sản xuất phụ kiện này có thể coi là một đối thủ xứng tầm của Logitech Ultrathin Keyboard Cover.
So với Logitech, Qode Thin Type nổi bật hơn do sử dụng vật liệu kim loại trong phần lớn thiết, tiện dụng hơn khi có thể kết nối tự động với iPad Air nếu này được gắn vào phần rãnh trên case. Ngoài ra nó cũng có thể tự động kết nối qua Bluetooth thay vì yêu cầu người dùng phải ấn nút tắt/bật như các case khác, kể cả bàn phím Ultrathin.
Mỏng, đẹp, tiện dụng hơn Logitech Ultrathin Keyboard Cover, tuy nhiên Qode Thin Type gặp một số điểm yếu mà có thể bạn sẽ cảm thấy chưa hài lòng trong thời gian đầu tiếp xúc. Trải nghiệm gõ phím là chưa thực sự tốt, phím khá nhỏ nên dễ gõ sai hơn dù được bố trí hợp lý, và bàn phím yêu cầu phải có lực nhấn mạnh mới nhận. Về tổng thể, Thin Type là sự lựa chọn tốt cho những ai có nhu cầu 1 chiếc bàn phím chắc chắn, dễ dùng, và không làm mất đi sự "cao cấp" của iPad mà các bàn phím nhựa mắc phải.
Anker TC930
Sản phẩm có giá chỉ khoảng 30$, khá rẻ so với các sản phẩm khác trên thị trường dù là đại diện của một thương hiệu lớn. Tuy nhiên, đó chính là điều khiến Anker TC930 ghi điểm bởi nó mang đến một trải nghiệm tốt không thua kém là bao so với các bàn phím rời khác.
Anker TC930 dùng nhựa ở phần phía trên và nhôm xám ở bên dưới. Bàn phím mỏng ngang Ultrathin của Logitech và cũng dùng cơ chế kết nối với iPad bằng nam châm. Đáng tiếc là TC930 không có khả năng tự kết nối như Qode Thin Type. Điểm yếu lớn nhất, không quá gây ngạc nhiên, đó chính là chất lượng. Việc gõ phím trên TC930 là không tốt như với bàn phím Logitech hay Belkin. Người dùng dễ dàng bị gõ lặp các kí tự, trong khi đó các phím tắt iOS chỉ hoạt động khi phải ấn cùng lúc với phím Fn.
Hiệu năng so với giá thành của sản phẩm là rất tốt, tuy nhiên nó không hoàn toàn là một lựa chọn tối ưu nếu bạn có hầu bao rủng rỉnh.
Clamcase Pro
Clamcase Pro không hoàn toàn là một sản phẩm hướng đến tính di động bởi kích thước lớn hơn những đại diện kể trên, tuy nhiên nó lại có thể biến chiếc iPad của bạn thành một sản phẩm không khác gì chiếc laptop MacBook Air.
Điều này giúp bạn có cảm giác làm việc trên một chiếc máy tính hơn, nó tạo ra một không gian thoáng đáng và dễ dàng thao tác hơn. Ngoài nhược điểm là phím bị lún xuống hơi sâu, đây là một trong những bàn phím rời tốt nhất hiện nay.
Một tính năng hấp dẫn khác là nó có thể xoay tròn và chúng ta có thể dùng nó như một chân đế để dựng iPad đứng thẳng khi xem phim. Clamcase Pro cũng có thời lượng pin được cải thiện nhiều với thời gian chờ lên đến 6 tháng (với vài tiếng đánh máy mỗi ngày). Trang web sản phẩm của công ty này cho biết người dùng có thể đánh máy liên tục trong vòng 120 tiếng liên tục trước khi phải sạc lại.