Những người làm việc dập khuôn sẽ bị AI thay thế
Dự báo, trong 1 đến 2 năm tới, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay đổi rất lớn về công nghệ, nhân lực và thông tin. Nếu không có AI, các sản phẩm công nghệ sẽ không có chỗ đứng.
Ứng dụng VNPT eKYC có thể nhận dạng, trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh giấy tờ cá nhân, phát hiện tức thời các trường hợp giả mạo khuôn mặt, giấy tờ… - Ảnh: VGP/HM
Chia sẻ với báo chí, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, công nghệ 4.0 đang thay đổi hoàn toàn mọi hoạt động của đời sống, trong đó dữ liệu AI cũng đang len lỏi, xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực và cả những người không biết về công nghệ.
Dự báo, đến năm 2026, sẽ có tới 50% công việc lập trình do công nghệ AI thực hiện.
Dẫn chứng hiện nay, chat GPT đang là sản phẩm AI nổi tiếng nhất trên thế giới, với 175 tỷ tham số. Hay mỗi người trong chúng ta đều có thể trở thành hoạ sĩ khi ứng dụng AI để nén tri thức hình ảnh, hoặc những trợ lý ảo ứng dụng AI để nén tri thức trong mọi lĩnh vực và phục vụ mọi đối tượng…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc VNPT AI, hiện nay, các sản phẩm AI trên thế giới đang gặp một số vấn đề, như tính chính xác của đầu ra (sai sự thật), tính bảo mật của dữ liệu (lộ, lọt dữ liệu lên server nước ngoài), mức độ cập nhật dữ liệu (còn chậm).
"AI là lĩnh vực rất rộng, nhưng chỉ 5 năm gần đây, AI đã trở thành ‘thế lực’ đi vào mọi ngõ ngách của đời sống. Tuy nhiên, để có những dữ liệu chính thống, tin cậy, ngoài dữ liệu về khoa học, những kiến thức chuẩn chung của thế giới chúng ta nên tận dụng, thì các sản phẩm AI của Việt Nam phải do người Việt Nam viết và dùng chính dữ liệu của Việt Nam", ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT nhấn mạnh.
Cụ thể, với kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hoá, tôn giáo… phải do chính người Việt Nam mình viết, thậm chí do chính người Việt Nam trong lĩnh vực đó viết, sử dụng dữ liệu của Việt Nam.
Các sản phẩm của VNPT đều hướng tới tích hợp AI. Ảnh: VGP/HM
VNPT đang xây dựng một trợ lý ảo về môn Lịch sử nhằm giúp học sinh tự học, nắm bắt kiến thức và thi tốt nghiệp môn học này. Hiện tại, trợ lý ảo "đang thi" đạt khoảng 7,5 điểm. VNPT dự kiến, trợ lý này sẽ sớm đạt trên 9 điểm, khi đó nó sẽ được đưa tới hàng triệu học sinh trên cả nước.
Để xây dựng trợ lý ảo AI, ông Nguyễn Tiến Cường cho rằng, phải có 4 yếu tố, gồm con người, hạ tầng, tri thức và chiến lược. Trong đó, yếu tố con người và hạ tầng, chỉ cần có tài chính là làm được. Còn tri thức chính là dữ liệu - đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhưng không dễ thu thập và chuẩn hoá theo quy định. Dữ liệu không chính xác thì không thực hiện được.
Tổng Giám đốc VNPT khẳng định, "nếu không có AI, các sản phẩm công nghệ sẽ không có chỗ đứng. Chỉ cần có đầu bài, với nền tảng AI, chỉ trong vài tháng, chúng tôi sẽ tạo các trợ lý ảo AI vô cùng tốt".
Hiện tại, các sản phẩm của VNPT đều hướng tới tích hợp AI, đặc biệt các sản phẩm của Việt Nam sẽ dùng chính dữ liệu của Việt Nam - những dữ liệu chính thống.
Cho đến thời điểm này, VNPT Face ID là công nghệ AI duy nhất tại Việt Nam vượt qua bài toán kiểm tra chống giả mạo khuôn mặt của iBeta theo chuẩn ISO/IEC30107-3 và lọt vào top 15 nhận dạng khuôn mặt 1:1, top 10 nhận dạng khuôn mặt 1:N theo bảng xếp hạng của NIST.
VNPT eKYC cũng là sản phẩm cốt lõi được các kỹ sư của VNPT AI nghiên cứu và phát triển trên nền tảng công nghệ AI tiên tiến nhất. Sản phẩm có thể nhận dạng, trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh giấy tờ cá nhân và chân dung, phát hiện tức thời các trường hợp bất thường như giả mạo khuôn mặt, giấy tờ…
Theo Báo điện tử Chính phủ
(https://baochinhphu.vn/nhung-nguoi-lam-viec-dap-khuon-se-bi-ai-thay-the-102230823102240751.htm)