Shopee, Tokopedia, TikTok tăng phí hoa hồng, người bán hàng méo mặt
Tokopedia (Indonesia) đã tăng phí hoa hồng cho người bán hàng lên tới 10%, Shopee tăng đến 8%, theo sau đó là TikTok và Lazada. Động thái này của các ông lớn thương mại điện tử đang gây thêm khó khăn cho các thương nhân bán hàng trực tuyến.
Một nhân viên đóng gói hàng hóa tại kho của Tokopedia ở Jakarta (Indonesia). Nền tảng thương mại điện tử của Indonesia gần đây đã tăng phí cho các thương nhân bán hàng trên nền tảng này. Ảnh: Reuters
Cải thiện "tỷ lệ thu phí" - mức phí thu được từ người bán và đơn hàng được cho là trọng tâm chính để tăng doanh thu tại các nền tảng khu vực như Shopee, Tokopedia và Lazada, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng doanh số chậm lại sau đại dịch khi người mua sắm quay trở lại các cửa hàng thực tế.
Hôm 16 tháng 9, Tokopedia của Indonesia đã tăng phí hoa hồng cho đơn vị bán hàng lên tới 10% giá bán, tùy thuộc vào danh mục sản phẩm và loại người bán, tăng so với mức tối đa trước đó là 6,5%.
Cũng trong tháng này, Shopee, nhánh bán lẻ trực tuyến của Sea Limited có trụ sở tại Singapore, đã tăng phí hoa hồng cho một số người bán tại Indonesia lên mức từ 4,25% đến 8%, tăng so với mức trước đó là 3,5% đến 6,5%, theo HSBC Global Research.
Dù Tokopedia và Sea Limited không giải thích chi tiết về quyết định của mình, song theo nhà phân tích thị trường tại Morningstar (Singapore), ông Kai Wang, cho biết: "Các thương gia sẽ không vui và sẽ thấy biên lợi nhuận của họ bị pha loãng, nhưng có thể không có lựa chọn nào khác nếu họ muốn tăng lợi nhuận hoạt động một cách tuyệt đối".
Trong những tháng gần đây, các nền tảng đối thủ đã nhanh chóng điều chỉnh cấu trúc phí của họ lần lượt. Khi Shopee tăng phí hoa hồng tại Malaysia vào tháng 7, Lazada, một đơn vị của Alibaba Group Holding, cũng như dịch vụ thương mại điện tử TikTok Shop, cũng nhanh chóng làm theo.
Trong một báo cáo mới đây, bộ phân nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng HSBC, cho rằng rõ ràng đã có những thay đổi có tính kỷ luật và liên tục của ngành, việc các công ty sở hữu nền tảng bán hàng trực tuyến đang ưu tiên tập trung vào lợi nhuận cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, động thái của các ông lớn thương mại điện tử đã thúc đẩy một số thương nhân tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Một thương nhân người Malaysia chuyên bán hạt rang trên Shopee và Lazada trong hai năm và một năm trên TikTok Shop, cho biết ông đã quyết định đóng cửa tất cả các cửa hàng trực tuyến của mình ba tháng trước, với lý do phí cao hơn và khung thời gian giao hàng chặt chẽ hơn. Chia sẻ với tờ Nikkei Asia, người đàn ông này cho rằng đang cảm thấy "kiệt sức" do biên lợi nhuận giảm và chi phí vốn cao hơn, và hiện đang có kế hoạch mở cửa hàng trực tuyến của riêng mình.
Trong khi đó, tại Singapore, một người bán quần áo 35 tuổi trên TikTok Shop, cho biết ông sẽ tiếp tục ở lại nền tảng này vì "có thể tốn kém hơn" và "mất nhiều thời gian" hơn để thiết lập kênh riêng, xử lý tiếp thị và giao sản phẩm. "Đó là cái giá mà chúng tôi phải trả nếu muốn được biết đến cũng như bán được hàng", người đàn ông này chia sẻ.
Kể từ những năm 2010, các công ty địa phương như Tokopedia, Lazada và Shopee đã cạnh tranh bằng các mức chiết khấu, khuyến mãi hấp dẫn và phí hoa hồng thấp để giành được sức hút trên một thị trường đông đúc, và nhanh chóng trở thành những công ty thống trị trong khu vực.
Sự thay đổi của làn sóng xuất hiện khi mở cửa trở lại sau đại dịch hai năm trước, cùng với môi trường lãi suất cao hơn. Điều này buộc các nhà điều hành phải nhanh chóng cắt giảm chi tiêu cũng như số lượng nhân viên để cải thiện lợi nhuận ròng khi các nhà đầu tư tránh xa các công ty công nghệ thua lỗ .
Tuy nhiên, sự cạnh tranh đang ngày càng gia tăng. Vào năm 2021, TikTok đã ra mắt dịch vụ thương mại điện tử riêng tại Đông Nam Á, tận dụng chức năng phát trực tiếp phổ biến và lượng khách hàng lớn trong khi cung cấp mức hoa hồng thấp hơn, phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong các sản phẩm làm đẹp và thời trang.
Điều này buộc Shopee, công ty lớn nhất trong khu vực phải phản công, buộc họ đã đầu tư vào các chức năng phát trực tiếp tương tự để giữ thị phần. Tokopedia, công ty theo sau Shopee và Lazada của Alibaba, đã ở trong tình thế khó khăn hơn khi cố gắng theo kịp và cuối cùng đã tuyên bố sẽ bán 75% cổ phần của mình cho TikTok vào tháng 12 năm ngoái. Việc mua lại đã hoàn tất trong năm nay.
Theo Momentum Works (có trụ sở tại Singapore), năm 2023, Shopee vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với 48% thị phần xét về tổng khối lượng hàng hóa trong khu vực, tiếp theo là Lazada với 16,4%, TikTok và Tokopedia mỗi bên chiếm 14,2%.
Các nhà điều hành ngày càng cạnh tranh ngoài hoa hồng và ưu đãi. Trong một động thái gần đây, Shopee đã hợp tác với YouTube vào tuần trước để ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia, nơi người dùng có thể mua hàng hóa được xem trên trang web phát trực tuyến thông qua các liên kết của Shopee. Hai công ty có kế hoạch mở rộng mối quan hệ hợp tác này sang các thị trường khác như Thái Lan và Việt Nam.
"Vì nhiều sản phẩm trên các nền tảng này được coi là hàng hóa, nên không có nhiều sự khác biệt giữa các đối thủ cạnh tranh", ông Wang chia sẻ, đồng thời cho biết thêm rằng: "Cạnh tranh có thể dễ dàng bùng nổ trở lại nếu bất kỳ nền tảng nào có biên lợi nhuận hoạt động quá cao, khi đó các đối thủ cạnh tranh có thể quay lại cung cấp trợ cấp, dẫn đến áp lực biên lợi nhuận dài hạn một lần nữa".