Soi những “mắt thần Biển Đông” CSB VN đang tìm mua

13:02, 10/07/2014

Tuy đang sở hữu 3 máy bay tuần thám biển thế hệ mới CASA, nhưng CSB VN đang tìm kiếm thêm mẫu máy bay trực thăng hàng hải để trang bị cho các tàu tuần tra xa xa bờ.

Mắt thần Biển Đông” C-212-400 thế hệ mới đang sở hữu

Hiện, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (CSB VN) đang sở hữu 3 máy bay tuần tra biển thế hệ mới CASA C-212-400 do hãng Airbus chế tạo. Số máy bay này hiện nằm ở Lữ đoàn không quân 918 vận hành và có thể tham gia các hoạt động tuần tra biển khi cần.

 

Chiếc máy bay tuần thám biển C-212-400 của CSB Việt Nam trên bầu trời.

C-212-400 là biến thể được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra hàng hải của loại máy bay vận tải hạng nhẹ C-212 do Airbus Military, có trụ sở tại Tây Ban Nha sản xuất.

Để phù hợp với nhiệm vụ tuần tra hàng hải, máy bay được thiết kế tối ưu hóa cho khả năng bay ở tốc độ thấp một cách xuất sắc, ngoài ra nó còn được trang bị khả năng cơ động tuyệt vời ở độ cao thấp. Máy bay được trang bị rất nhiều hệ thống trinh sát tối tân, khiến nó được mệnh danh là "mắt thần Biển Đông".

Buồng lái của C-212-400 được trang bị một loạt các hệ thống điện tử hàng không chuyên dụng, gồm các bộ dụng cụ bay điện tử (EFIS) với 4 màn hình CTR, một thiết bị tích hợp dữ liệu (IED), 2 màn hình LCD đa chức năng, một hệ thống dẫn đường VOR do Rockwell Collins (Mỹ) sản xuất, hệ thống hỗ trợ hạ cánh ILS, hệ thống liên lạc VHF đa hướng cùng một hệ thống hỗ trợ điều hướng tự động, máy đo khoảng cách DME, thiết bị đo độ cao bằng sóng vô tuyến, hệ thống điều khiển bay tự động cùng một hệ thống đánh dấu vị trí do Dorne and Margolin, New York sản xuất. Ngoài ra, C-212-400 còn có máy thu định vị toàn cầu GPS tích hợp sẵn trong hệ thống quản lý bay, một hệ thống chuyển đổi kiểm soát không lưu và một hệ thống thông tin nội bộ.

“Trái tim” của C-212-400 chính là hệ thống tuần thám biển MSS-6000, trong đó cảm biến chính của hệ thống này là radar SLAR với khả năng lập bản đồ giám sát mặt biển. Radar sẽ quét trên mặt biển theo một đường vuông góc với đường bay cho đến giới hạn đường chân trời để ghi nhận các thông số. Với các radar thông thường, chỉ có thể thu nhận được khoảng 20 tín hiệu dội lại từ mỗi mục tiêu cho một lần quét nhưng SLAR có thể thu nhận lên đến 1.000 tín hiệu dội lại từ mục tiêu, gấp 500 lần. Điều này cho phép radar phát hiện các mục tiêu rất nhỏ cũng như tính chất của mặt nước biển.

Tìm thêm những “mắt thần Biển Đông” cho các tàu xa bờ  

Mới đây, Tạp chí quốc phòng IHS Jane's (Anh) đưa tin, tại hội nghị OPV Asia Pacific 2014, Thiếu tá Nguyễn Khắc Vượt - Phó Giám đốc Bộ phận Quan hệ quốc tế của CSB Việt Nam cho biết, lực lượng này đang tìm kiếm những mẫu máy bay trực thăng hàng hải để trang bị cho các tàu tuần tra xa xa bờ (OPV) DN2000.

IHS Jane's cho biết, 2 mẫu trực thăng Ka-27 (của Nga) và Eurocopter AS565 Panther (do hãng hàng không châu Âu Eurocopter chế tạo) là 2 loại đang được Bộ quốc phòng Việt Nam quan tâm để trang bị trên các tàu DN2000.

Ka-27 (phiên bản xuất khẩu là Ka-28) dài 11,3m, cao 5,5m, khối lượng tổng thể 11 tấn - đáp ứng yêu cầu sàn đáp của tàu DN2000 là dưới 14 tấn. Ka-27 được trang bị 2 động cơ Isotov TV3-117V, giúp máy bay đạt được tốc độ tối đa 270km/giờ, tầm hoạt động 980km. Ka-27 được giới thiệu lần đầu vào năm 1982, sử dụng cánh quạt đồng trục giúp triệt tiêu mô men quay nên không cần cánh quạt đuôi, giúp rút ngắn được chiều dài tổng thể của máy bay.

Hiện, Ka-27 đang được sử dụng với nhiều phiên bản, trong đó có 2 phiên bản phổ biến là Ka-27PL (Ka-28) và Ka-27PS. Phiên bản Ka-27PL là phiên bản trực thăng chuyên săn ngầm, được trang bị các thiết bị săn ngầm như sonar, bom chìm, ngư lôi, tên lửa chống ngầm. Phiên bản Ka-27PS được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ cứu hộ, nên các thiết bị chống ngầm được gỡ bỏ và máy bay được trang bị thêm 1 tời cứu hộ.

 

Mẫu trực thăng AS565SB của hải quân UAE mang 4 tên lửa chống hạm AS 15 TT.

Còn Trực thăng AS565 Panther là dòng trực thăng đa nhiệm được chế tạo dựa trên mẫu trực thăng nổi tiếng AS 365 Dauphin, nhưng hầu hết vật liệu bên ngoài được thay thế bằng vật liệu composite nhằm nhằm trọng lượng và tăng độ “bí mật” (các radar đối phương khó phát hiện) cho máy bay.

AS565 Panther có chiều dài 13,68m, cao 3,97m, được trang bị 2 động cơ Turboméca Arriel 2C giúp đạt được tốc độ tối đa 306km/giờ, tầm hoạt động 820km.

Hiện, AS565 Panther có 2 phiên bản bay biển là AS565MB và AS565SB.

Phiên bản AS565SB là phiên bản có vũ trang. Máy bay được trang bị các loại vũ khí chống ngầm như ngư lôi và vũ khí chống hạm như tên lửa chống hạm AS15TT - Mỗi máy bay AS565SB có thể mang đến 4 tên lửa chống hạm AS1TT.

Phiên bản AS565MB là phiên bản không vũ trang, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ vận chuyển, tìm kiếm cứu nạn, máy bay có thể trang bị các khí tài tìm kiếm cứu nạn như radar tuần thám, FLIR, tời cứu hộ, v.v.

Thanh Trà (tổng hợp)