Tăng cường quản lý và triển khai các hoạt động thương mại điện tử trong năm 2022

10:31, 20/01/2022

Mới đây, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 52/BCT-TMĐT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý và phối hợp triển khai các hoạt động thương mại điện tử trong năm 2022.

Văn bản nêu cụ thể, năm 2021, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp Việt qua “Gian hàng Việt trực tuyến”, các chương trình kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart... Các chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản trên nhiều tỉnh, thành phố như Sơn La, Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Bến Tre, Đồng Tháp, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam... Đồng thời hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp địa phương tiếp cận các chương trình, hàng trăm doanh nghiệp sản xuất Việt, doanh nghiệp địa phương phát triển kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số thông qua thương mại điện tử.

Tăng cường quản lý và triển khai các hoạt động thương mại điện tử trong năm 2022

Cùng với đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã và đang phối hợp với các đối tác trong, ngoài nước triển khai chương tình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Việt ra thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử tại các tỉnh, thành phố phát triển đồng thời hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp sản xuất địa phương ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan chủ trì, phối hợp những nội dung cụ thể:

Thứ nhất, chủ động xây dựng kế hoạch, các chương trình, hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt tại địa phương tổ chức phân phối ứng dụng thương mại điện tử qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử trong nước cũng như tổ chức xuất khẩu hàng hoá qua thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời đưa vào Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, chương trình công tác về thương mại điện tử của tỉnh, thành phố triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Thứ hai, tiếp tục cập nhật danh sách doanh nghiệp, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, thành phố để đăng ký tham gia các chương trình do Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đã và đang triển khai.

Thứ ba, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục là đầu mối của Bộ Công Thương, phối hợp với các tỉnh, thành phố để thực hiện các chương trình, hoạt động phát triển thương mại điện tử cụ thể trong năm 2022.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị chức năng của tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để triển khai các hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp địa phương như “Gian hàng Việt trực tuyến”, xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Goonline, Online Friday...

Theo/congthuong.vn