ZenFone 2 với 4GB RAM: Liệu có thực sự cần thiết?

17:00, 18/01/2015

Với sự xuất hiện của Zenfone mới có dung lượng RAM lên đến 4GB, mẫu máy đến từ ASUS đã chiếm lĩnh ngôi vị smartphone có bộ nhớ RAM lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, liệu điều này có thực sự cần thiết?

Có thể dễ dàng nhận thấy công nghệ thay đổi theo hàng năm, hàng tháng và thậm chí là hàng ngày. Việc chạy đua về cấu hình có lẽ không còn là điều quá xa lạ ở mảng di động, song, đối với bộ nhớ RAM thì mãi đến bây giờ chúng ta mới nhận ra rằng nó đã phát triển nhanh đến mức nào? Nếu năm 2012 là thời điểm các smartphone đạt bộ nhớ RAM 2GB, năm 2013 là 3GB và đến năm 2014 con số 3GB RAM tưởng chừng như đã cố định thì với năm 2015, 4GB RAM là bước tiến tiếp theo.

Dòng Asus Zenfone vốn đã rất thành công trên thị trường. Ảnh: Internet

Một điểm nhấn ấn tượng của Asus

Nói một cách công bằng thì Asus Zenfone gần như là một sản phẩm “vô đối” trong phân khúc giá rẻ nhờ có mức giá "dễ thở" nhưng vẫn đáp ứng được những nhu cầu cao của người dùng. Và có thể trong năm 2015, dòng sản phẩm này sẽ tiếp tục giữ được vị thế trên bởi phần cứng mạnh mẽ, mức giá dễ chịu, đặc biệt nhất là có phiên bản RAM 4GB.

Về mặt lý thuyết, Zenfone 2 đã sánh ngang được với những chiếc laptop tầm trung ở bộ nhớ RAM, thậm chí là dòng Macbook Air của Apple với mức giá cao ngất ngưởng. Chính nhờ yếu tố này, chắc chắn rằng việc quảng bá sản phẩm cũng như tiếp cận người dùng của Asus trong năm nay sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Không chỉ nhờ cấu hình tốt, giá rẻ mà còn ở hiệu ứng của việc Asus Zenfone là chiếc smartphone sở hữu RAM 4GB đầu tiên trên thế giới.

Trước đây Samsung Galaxy Note 4 từng được đồn thổi rằng sẽ trang bị RAM 4GB. Ảnh: Internet

Dấu hiệu bùng nổ một cuộc chạy đua mới

Sau sự kiện Asus Zenfone được trang bị RAM 4GB, người ta đã dự đoán rằng sẽ có nhiều ông lớn trang bị cho sản phẩm của mình bộ nhớ RAM 4GB, đặc biệt là ở các thiết bị Android. Điều này không hẳn là không tốt nhưng có thể dẫn đến một số hạn chế về việc tối ưu hoá giữa phần cứng và phần mềm.

Một ví dụ dễ hiểu hơn, nếu như trước đây với bộ nhớ RAM phổ biến như 1GB, 2GB,... các hãng sẽ tích hợp các tính năng, phần mềm phù hợp để đảm bảo việc thiết bị sẽ chạy ổn định nhưng bây giờ với RAM 4GB, sẽ có nhiều và rất nhiều tính năng thừa mà người dùng hiếm khi sử dụng được tính hợp vào từ các nhà sản xuất để phục vụ nhu cầu quảng cáo.

Mặc dù, có thể điều này không ảnh hưởng đến độ ổn định của chiếc smartphone nhờ bộ nhớ RAM 4GB, song, lại dẫn đến một hệ luỵ là gây tốn năng lượng, với quá nhiều các ứng dụng chạy ngầm, việc hao mòn thời lượng pin sẽ là chuyện tất yếu. Bởi không phải chỉ mình bộ nhớ RAM mà ngay cả độ phân giải màn hình, cấu hình cũng ngày càng tăng lên còn công nghệ pin thì chưa thực sự tiến bộ như các công nghệ trên, có chăng chỉ là công nghệ sạc pin nhanh của một số hãng nhất định trên thị trường.

Chính vì thế, RAM 4GB sẽ là một thứ rất tuyệt vời nếu như các hãng tối ưu nó với phần mềm cũng như tạo một cú hích cho ngành công nghệ di động đầy sôi động này.

Một số dòng máy tính cao cấp cũng chỉ được trang bị RAM 4GB. Ảnh: Internet

Rút ngắn khoảng cách với ngành PC

Như giới chuyên môn nhận định, không sớm thì muộn, các thiết bị di động sẽ đuổi kịp máy tính cá nhân theo cách này hay cách khác về mặt cấu hình. Điều này một phần đã trở thành hiện thực nhờ vào bộ nhớ RAM 4GB của Asus Zenfone.

Trên thực tế, các dòng laptop tầm trung hiện đang được bán trên thị trường cũng chỉ có mức RAM 4GB. Dĩ nhiên việc so sánh này chỉ mang tính tham khảo tương đối, bởi phạm trù của hai mảng trên là khác nhau. Nhưng dẫu sao, dấu mốc này cũng giúp chúng ta kì vọng ít nhiều vào tương lai, các thiết bị di động sẽ thực sự “ngang cơ” với máy tính cá nhân.

Bộ nhớ RAM lớn giúp việc chạy đa nhiệm mượt mà hơn rất nhiều. Ảnh: Internet

RAM 4GB giúp trải nghiệm Android tốt hơn

Việc Android chạy chậm, không mượt mà như các hệ sinh thái khác vẫn đang được rút ngắn lại qua các sản phẩm mới và Asus Zenfone 2 sẽ là một minh chứng tiếp theo cho sự cải thiện trên. Được biết đến như một hệ điều hành mở, không chỉ nhà sản xuất, người dùng cũng có thể xâm nhập, tuỳ biến lại bản gốc của Android. Ngoài ra, có thể nói Android là hệ điều hành di động thực sự “đa nhiệm” theo đúng nghĩa đen.

Vì vậy, RAM đóng vai trò là một yếu tố quan trọng của một thiết bị Android, bộ vi  xử lý mạnh nhưng RAM không nhiều thì cũng sẽ bị “hụt hơi” trong một số tình huống nhất định. Và ở khoản này, RAM 4GB thực sự ghi điểm với người dùng, đặc biệt là người dùng Android có dự định đổi sang thiết bị mới nhưng lo sợ về việc lỗi thời về cấu hình cũng như thiết bị của mình sẽ bị đuối khi nâng cấp các ứng dụng mới.

Asus Zenfone hứa hẹn sẽ là một hiện tượng mới trong làng di động. Ảnh: Internet

Vậy trang bị RAM 4GB cho smartphone, tablet là tốt hay xấu?

Mọi sự phát triển đều có ích nếu nó phục vụ cuộc sống tốt hơn, việc một chiếc smartphone được trang bị RAM 4GB cũng giống như vậy. Song, như đã được đề cập ở trên, sẽ tốt hơn nếu các hãng sản xuất chú trọng đến các yếu tố khác ngoài bộ nhớ RAM.

Cần phải nói rằng, cái người dùng cần không phải là bộ nhớ RAM 4GB mà đơn giản chỉ là việc điều đó sẽ cải thiện được gì cho trải nghiệm người dùng. Đây mới là điều chúng ta cần ở một chiếc smartphone chứ không phải những con số nhàm chán.

Techz.vn