Điện mặt trời

08:01, 15/03/2021

Từ làn sóng phản đối điện tái tạo làm tăng nguy cơ mất an toàn lưới điện, Đức trở thành một trong 5 nước dẫn đầu thế giới về điện sạch.

Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện năng lượng tái tạo của nước Đức.

Lý do: hầu hết chính sách giá điện cố định (FIT) cho năng lượng tái tạo của Việt Nam đều theo hình mẫu của Đức, do Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ) hỗ trợ xây dựng.

Cách đây 30 năm, Đức lần đầu ban hành giá FIT để thúc đẩy bán điện tái tạo lên lưới điện quốc gia. Ban đầu, khi tỷ trọng sản lượng điện gió và mặt trời tại Đức vẫn còn dưới 0,1%, đã có lo ngại điện tái tạo làm tăng nguy cơ mất an toàn và ổn định lưới điện. Một nhóm công ty điện lực ở Đức đưa ra tuyên bố chung nhằm tăng sức ép lên chính phủ, rằng "năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, thủy điện không thể vượt quá 4% sản lượng điện năng, kể cả về lâu dài".

Thực tế chứng minh điều ngược lại. Nước Đức hôm nay thuộc 5 quốc gia dẫn đầu về điện sạch. Những cánh đồng điện gió và các ngôi làng lợp tấm quang năng trở thành biểu tượng cho nước Đức mới. Thậm chí, tour du lịch tới các ngôi làng năng lượng sạch cũng đắt khách. Năm 2018, tỷ trọng sản lượng điện gió và mặt trời phát lên lưới của Đức là 26%.

Suốt hàng chục năm trời, dù vẫn còn ý kiến ủng hộ nhiệt điện và điện hạt nhân, kêu gọi trì hoãn mở rộng lưới điện, cẩn trọng với điện sạch, nhưng người dân nước này đã đồng loạt nói "có" với điện sạch. Tiếng nói của họ, may mắn thay, được chính phủ hậu thuẫn bằng tầm nhìn dài hạn, chính sách nhất quán, cũng như sự liêm chính và minh bạch của nhà điều hành.

Việt Nam là một trong những nước học tập mô hình phát triển năng lượng sạch của Đức. Nhưng ở Việt Nam đến hôm nay, điện mặt trời tiếp tục là cầu thủ ngồi dự bị trong đội tuyển lưới điện.

Dù đạt sự thăng hoa vào cuối năm ngoái, điện mặt trời đang bị nhiều ý kiến xem là tác nhân gây bất ổn lưới điện. Không chỉ thế, những động thái và ý kiến gần đây của nhiều người cho thấy sự lưỡng lự vào tương lai của điện sạch.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, trong vòng 5 năm tới, công suất xây thêm của nhiệt điện than là gần 9.100 MW, trong khi con số này với điện mặt trời chỉ là 600 MW. Để so sánh, chỉ riêng năm 2020 đã có thêm 8.900 MW công suất điện mặt trời mái nhà kết nối vào lưới điện. Nghĩa là, với tốc độ lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong năm 2020, chỉ cần chưa đến 25 ngày, chúng ta có thể đạt toàn bộ mục tiêu công suất điện mặt trời trong 1.800 ngày tới.

Kế hoạch của Bộ Công thương cho thấy tổng sản lượng điện từ các nguồn mặt trời và gió năm 2021 dự kiến đạt 23,4 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 8,9% tổng sản lượng điện của toàn hệ thống. Theo một nghiên cứu năm 2014 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc phát lên lưới đến 10% sản lượng điện mặt trời và gió là "không đáng kể và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống điện". Đó là kinh nghiệm thực tiễn đã trải qua tại Đan Mạch, Ireland, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh.

Tôi băn khoăn với ý kiến cho rằng điện mặt trời đang gây khó khăn cho vận hành lưới điện quốc gia. Có chăng, đó chỉ là khó khăn cục bộ vài nơi vì sự chậm trễ trong đầu tư lưới điện. Tình huống phụ tải xuống quá thấp đợt Tết Nguyên đán vừa qua, nếu nhìn bằng con mắt tích cực, là tín hiệu nhắc nhở rằng đã đến lúc chúng ta cần một phương thức điều độ hệ thống và vận hành thị trường mua - bán điện linh hoạt hơn để thích ứng với cơ cấu nguồn phát đang thay đổi nhanh chóng.

Việc chúng ta chậm trễ hay tỏ thái độ ngập ngừng với điện sạch gồm điện gió, điện mặt trời - hai thế mạnh của Việt Nam - vô hình trung, sẽ gián tiếp rộng đường cho điện không sạch hoặc bào mòn môi trường như điện than hay thủy điện.

Thuỷ điện Hố Hô từng xả lũ khiến 20 người chết và 9 người mất tích, một khúc sông Rào Trăng hơn 25 km có tới bốn nhà máy thuỷ điện, và vẫn còn những người đang nằm đâu đó dưới lòng sông. Nhiệt điện là nguồn thải lớn gây ra ô nhiễm bụi mịn. Người dân vẫn phải đối mặt với mùa cao điểm thiếu điện, giá điện tăng cao... Những vấn đề lớn của ngành năng lượng Việt Nam có thể được chấm dứt bằng phát triển điện sạch. Đây chính là con đường mà Đức và nhiều quốc gia khác đã đi để dân chúng của họ có được nguồn điện sạch, an toàn và dồi dào với giá hợp lý.

Một báo cáo khác của IEA nhấn mạnh rằng tỷ trọng điện mặt trời và gió vượt trên 30% trong lưới điện một quốc gia có thể đạt được với chi phí gia tăng không đáng kể nhờ vào cải thiện chính sách, hệ thống quản lý, vận hành, và lập kế hoạch tốt hơn.

Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ (NREL) cũng kết luận có thể tích hợp tỷ trọng điện mặt trời và gió đến 25% vào lưới điện chỉ bằng các giải pháp kỹ thuật và quản lý. Việc đầu tư thêm các nguồn phát điện linh hoạt để hỗ trợ lưới điện chỉ thực sự cần thiết khi tỷ trọng sản lượng điện sạch trên lưới điện cao hơn 25%. Trong đó, đầu tư vào pin lưu trữ là lựa chọn sau cùng. Do vậy, nếu nói không thể đưa tỷ trọng điện mặt trời cao lên lưới vì chưa có pin lưu trữ là chưa hoàn toàn chính xác.

Là một đất nước ôn đới, tiềm năng điện mặt trời kém xa Việt Nam, nhưng người Canada vẫn nỗ lực làm điện mặt trời. Năm ngoái, cơ quan tôi, một sở giáo dục trong vùng đô thị Vancouver, Canada tài trợ 25.000 đô la để lắp thử nghiệm hệ thống điện mặt trời mái nhà cho một trường phổ thông. Dù là nơi ấm áp nhất Canada, cường độ bức xạ mặt trời khu vực này chỉ bằng chưa đến ba phần tư bức xạ trung bình của Việt Nam.

Trong khi suất đầu tư cao, sản lượng điện thấp, hệ thống này cần đến 25 năm để hòa vốn nếu bán điện lên lưới. Nhưng chúng tôi vẫn làm. Đây là mô hình mẫu của một kế hoạch lên đến 50 triệu đô la chúng tôi đang chung tay để lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho toàn bộ 48 trường học của khu vực.

Có ba lý do chính để quyết định trên được ra đời. Thứ nhất, điện mặt trời sẽ giúp đạt mục tiêu giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 mà cơ quan tôi phải tuân thủ. Hiện tại, hầu hết lượng phát thải tại các tòa nhà đến từ việc đốt khí thiên nhiên có giá rẻ hơn để vận hành hệ thống sưởi ấm. Mục tiêu giảm phát thải sẽ đạt được nhờ việc chuyển đổi 50% hệ thống sưởi từ khí sang điện.

Thứ hai, ngoài việc bù đắp phần điện tăng thêm khi chuyển đổi hệ thống sưởi, điện mặt trời áp mái cũng sẽ làm giảm nhu cầu phụ thuộc điện lưới, hạn chế rủi ro giá điện tăng.

Thứ ba, hệ thống điện mặt trời tại các trường là bài học thực tiễn và trực quan nhất cho thế hệ sau về tầm quan trọng của năng lượng sạch và phát triển bền vững. Đó là lợi ích xã hội vô hình, dễ thấm lòng người hơn những bài giảng lý thuyết hay những khẩu hiệu bảo vệ môi trường khó nuốt.

Với nguồn năng lượng mặt trời quý giá và gần như vô tận, điện gió và mặt trời với Việt Nam không chỉ là bài toán kinh tế đơn thuần. Đó là lời giải cho bài toán có ba trụ cột của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường.

Tôi thấy rằng quá trình chuyển đổi năng lượng không thể hiểu theo kiểu giản đơn là thay đổi cơ cấu nguồn phát. Đó phải là một cuộc chuyển đổi toàn diện từ nguồn phát, hệ thống điều độ, lưới truyền tải, phân phối đến tiêu dùng. Trong đó, số hóa toàn bộ hệ thống điện là yêu cầu sống còn để tối ưu hóa vận hành. Việc chuyển đổi năng lượng cũng không thể thành công nếu thiếu những chính sách dài hạn, nhất quán, minh bạch và công bằng.

Thiếu chiến lược, thiếu quy hoạch có tâm và có tầm gây ra vỡ trận là bài học muôn thuở xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Liệu ta có rút kinh nghiệm với thị trường quan trọng bậc nhất như điện để khai mở nguồn năng lượng sạch vô tận cho đất nước hay không? Điều này một lần nữa phụ thuộc vào tầm nhìn của nhà điều hành.

Nguyễn Đăng Anh Thi

Chuyên gia Năng lượng và Môi trường

(https://vnexpress.net/dien-mat-troi-4247187.html)

TIN LIÊN QUAN