Hải quan Lạng Sơn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng lực quản lý

14:24, 10/07/2020

Để hòa nhập với thời đại công nghệ 4.0, Hải quan Lạng Sơn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan, thúc đẩy tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và góp phần thiết thực vào chống thất thu ngân sách nhà nước.

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) và đáp ứng yêu cầu triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đặc biệt là Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Trước đó, công nghệ thông tin (CNTT) hải quan đã có những chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo mới của Hải quan Việt Nam theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả.

CNTT đã góp phần quan trọng vào cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giúp doanh nghiệp đơn giản hóa quá trình làm thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan và hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử. Đến nay, ngành hải quan đều đã được tin học hóa và thực hiện bằng phương pháp điện tử.

Hải quan Lạng Sơn vẫn bố trí cán bộ trực, hướng dẫn DN làm thủ tục thông quan hàng hoá

Theo như tìm hiểu thực tế của PV Công nghệ & Đời sống trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, cùng với các sở, ngành và các huyện biên giới, Cục Hải quan Lạng Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK).

Trong năm 2020, Cục Hải quan Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về hải quan trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS. Việc khai báo hải quan qua hệ thống VNACCS/VCIS của hải quan Lạng Sơn đã được hầu hết các doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn thực hiện.

Cùng với đó, Hải quan Lạng Sơn còn thực hiện giám sát quản lý hải quan tự động; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN…

Việc khai báo hải quan qua hệ thống VNACCS/VCIS giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình XNK hàng hóa

Việc triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 cũng là bước đột phá trong công tác thu nộp thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện nộp thuế, phí và lệ phí mọi lúc, mọi nơi, đã hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt và thay bằng đó là thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác từ đó giúp giảm thời gian nộp thuế, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Theo tìm hiểu, được biết, đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác với 43 ngân hàng thương mại nhằm trao đổi thông tin nộp tiền bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế có mở tài khoản tại ngân hàng thương mại trong đó có 30 ngân hàng thương mại tham gia thanh toán điện tử 24/7. Đến nay, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 97,1% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.

Như tại Chi cục Hải quan Tân Thanh, tất cả các thủ tục hải quan đều hoàn toàn được thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS với hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây. Bên cạnh đó, Hải quan Tân Thanh cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành qua mạng nội bộ CloudOffice, góp phần thống nhất cách xử lý nghiệp vụ trong phạm vi toàn quốc.

Nhằm hỗ trợ các DN hoạt động XNK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cũng như thu hút DN mới có lượng hàng hóa XNK lớn hoạt động, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã rà soát, đồng hành, chia sẻ cùng DN, chủ động giải quyết và báo cáo các cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN và bảo đảm thủ tục thông thoáng đúng quy định trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đơn vị công khai các văn bản có liên quan đến thủ tục hải quan, các khoản phí, lệ phí tại các địa điểm làm thủ tục hải quan trên bảng điện tử.

Để tạo điều kiện tối đa cho DN, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin vào TTHC và hiện đại hóa hải quan, duy trì và đảm bảo hiệu quả hoạt động của các TTHC đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cùng với đó, tích cực trao đổi, hỗ trợ, giải đáp nhanh các vướng mắc phát sinh cho DN.

Các xe qua cửa khẩu Hữu Nghị được gắn biển số  xe điện tử ngày 1/5

Được biết, bắt đầu từ ngày 01/5, Hải quan Hữu Nghị đã áp dụng gắn biển số xe điện tử cho tất cả các xe (gồm cả xe Việt Nam và xe Trung Quốc) vào khu vực giám sát của Hải quan Hữu Nghị Quan; những xe không gắn biển điện tử sẽ không được vào khu vực giám sát của Hải quan Hữu Nghị Quan, Trung Quốc.

Cũng giống như hai Chi cục Hải quan trên, tất cả các chi cục hải quan tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đều thực hiện đo và giám sát chặt chẽ thời gian thông quan hàng hóa. Việc giám sát được thực hiện qua hệ thống toàn Cục Hải Quan.

Cùng với đó, lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cũng chỉ đạo các chi cục hải quan tại các cửa khẩu, các bộ phận chuyên môn niêm yết công khai các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành để doanh nghiệp tra cứu. Hiện nay, ngành có gần 180 TTHC có hiệu lực thi hành, trong đó ở cấp cục gần 30 thủ tục, cấp chi cục trên 110 thủ tục, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đều được niêm yết công khai.

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, trong quý I, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý thủ tục hải quan điện tử cho 1.110 lượt DN; làm thủ tục cho 11.000 bộ tờ khai với tổng kim ngạch đạt 523,2 triệu USD, giảm 43,4% so với cùng kỳ do ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản: mít, xoài, thanh long, dưa hấu, sầu riêng, ớt, chuối, khẩu trang y tế,... Hàng nhập khẩu chủ yếu là linh kiện điện tử, may mặc, nông sản...

Hiện nay, Hải quan Lạng Sơn đang triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM). Đây là hệ thống hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm tiến tới thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Không những vậy, hệ thống VASSCM sẽ giúp các doanh nghiệp XNK không phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hải quan, từ đó giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại, giảm chi phí, rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan hàng hóa, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thời gian tới, Hải quan Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, thủ tục liên quan đến lĩnh vực hải quan. Cùng đó là đẩy mạnh hiện đại hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực: quản lý, giám sát hàng hóa XNK, thu thuế XNK… Bên cạnh đó, Cục Hải quan Lạng Sơn sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khác nhằm tạo thuận lợi cho thương mại biên giới theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan.

Với những kết quả đạt được, CNTT Hải quan đã góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan. Trong năm 2020, lực lượng CNTT của ngành Hải quan sẽ tập trung lực lượng triển khai:

-         Tái thiết kế tổng thể Hệ thống CNTT ngành Hải quan

-         Xây dựng và phát triển kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan

-         Tích hợp Dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia

-         Đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN

-         Tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu quản lý nhà nước về hải quan.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan, tham gia xây dựng hệ sinh thái tài chính số; chủ động nghiên cứu và từng bước ứng dụng các thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong công tác quản lý nhà nước về hải quan như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI), Di động (Mobility), Chuỗi khối (Blockchain), Ảo hóa (Cloud) và Trí tuệ nhân tạo (AI)…

Thùy Dung – Nguyệt Hằng