Viễn thông - Đầu tàu kích thích nền kinh tế

00:00, 10/01/2009

 Trước nhiều dự báo suy giảm trong năm 2009, viễn thông là ngành duy nhất tự tin tuyên bố mức tăng trưởng cao – thậm chí đến 50% trở lên. Đây là mức tăng trưởng “trong mơ” của nhiều doanh nghiệp ngay cả khi kinh tế trên đà phát triển.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2009 ngày 2/1/09, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong khi nền kinh tế đang suy giảm, nhu cầu thông tin tăng và yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế cấp bách thì đây lại là thời cơ phát triển của ngành thông tin và truyền thông (TT&TT).

Bộ trưởng Bộ TT &TT Lê Doãn Hợp cũng đặt ra yêu cầu lĩnh vực Viễn thông và CNTT trong năm 2009 phải phát triển mạnh mẽ để bù đắp cho các ngành kinh tế khác bị suy giảm.

Giá cước sẽ giảm, tiềm năng còn lớn

Sự bất thường của nền kinh tế năm 2008, như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị, là “ngoài dự kiến”. Nửa năm đầu là lạm phát cao chưa từng thấy kể từ năm 1990 trở lại đây. Nửa năm sau là suy giảm kinh tế do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Năm 2008 là năm cực kỳ khó khăn”, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mở đầu bài phát biểu của mình tại Hội nghị ngày 2/1 như vậy. Tuy nhiên, năm 2008, VNPT vẫn đạt tốc độ tăng trưởng gần 19% - trong bối cảnh Viễn thông vẫn phải chia sẻ gánh nặng với Bưu chính. Đối với Viettel, ông Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc cho biết năm 2008 là năm thứ tư liên tiếp doanh thu năm sau cao hơn gấp đôi năm trước, đạt 33.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận đạt khoảng 25%. Các doanh nghiệp viễn thông khác, ngoại trừ HT Mobile hầu như không có doanh thu, đều đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng: EVN Telecom - 3.000 tỷ đồng, FPT Telecom - 1.300 tỷ đồng, VTC - 3.000 tỷ đồng, SPT – gần 2.000 tỷ đồng… (theo báo cáo của Bộ TT &TT).

Về tình hình năm 2009, mặc dù công nhận có chịu tác động của suy giảm kinh tế, nhưng quan chức các mạng di động đều tin ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc mạng di động MobiFone nói ngành thông tin di động năm 2009 vẫn hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển tốt vì “thực ra, tiềm năng vẫn còn lớn hơn cái hiện nay đang có”. Lý giải vì sao ngành thông tin di động Việt Nam có vẻ ít bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như nhiều mạng di động thế giới đang phải gánh chịu: doanh thu sụt giảm, sa thải hàng loạt… ông Lê Ngọc Minh cho rằng ngành Viễn thông nói chung, di động nói riêng của Việt Nam đi chậm, thận trọng hơn. “Thực ra còn chưa khai thác hết tiềm năng, nên dù kinh tế khó khăn, di động chưa ảnh hưởng lớn. Những công ty chuẩn bị tốt, tiềm năng sẽ phát triển rất mạnh trong năm 2009”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel, cho hay Viettel chỉ đặt tốc độ tăng trưởng doanh thu tăng 50% so với năm 2008. Yếu tố để lạc quan nhất là viễn thông nay trở thành một nhu cầu thiết yếu, kinh tế gặp khó khăn người ta vẫn phải tiêu dùng.

3G – kích cầu và tạo công ăn việc làm

Trong năm 2009, Việt Nam sẽ cấp phép 3G, công nghệ di động cho phép truyền dữ liệu như video, ảnh… tốc độ cao sau một thời gian dài chờ đợi. Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng Thứ trưởng Bộ TT &TT Lê Nam Thắng cho rằng việc đầu tư cho 3G nói riêng và Viễn thông nói chung “không thấp hơn năm 2008”. Báo cáo của Bộ TT &TT không nêu cụ thể con số đầu tư cho Viễn thông năm 2008. Nhưng quan trọng hơn, việc đầu tư đi vào chiều sâu hơn. “Có thể số thuê bao phát triển không nhiều hơn, trạm BTS phát triển không nhiều hơn nhưng chất lượng công trình sẽ tăng lên rất nhiều”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, việc đầu tư cho 3G có tác dụng kích thích nhu cầu – điều quan trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam vào thời điểm này – và ví đây như làm một con đường, kéo theo khu vực dọc hai bên đường phát triển. “3G cũng vậy, kéo theo công nghiệp nội dung, các ngành công nghiệp nói chung, kể cả công ăn việc làm các ngành công nghiệp nội dung số, các ngành công nghiệp ăn theo 3G sẽ phát triển theo, tạo thêm cơ hội mới”. Sẽ có 4 giấy phép 3G được phát hành, dự kiến vào quý II /2009.

Đầu tư cho 3G đòi hỏi nguồn lực lớn. Nhiều mạng di động trên thế giới đã tính đến chuyện liên kết với nhau để tiết kiệm chi phí. Năm ngoái, truyền thông đưa tin hai hãng di động Anh Mobile UK và 3 UK liên kết mạng 3G với nhau để mỗi bên tiết kiệm chi phí 1 tỷ bảng. Vodafone và Orange cũng có tuyên bố tương tự. Mới đây nhất, các nhà mạng lớn nhất Trung Quốc đã thỏa thuận về chia sẻ mạng lưới theo hướng dẫn của cơ quan quản lý. Về khả năng dùng chung hạ tầng, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhà nước khuyến khích nhưng phải dựa trên cơ sở thỏa thuận thương mại.

Theo ICTnews

TIN LIÊN QUAN