Đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam
Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” diễn ra sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành “công nghiệp không khói”, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
Hội nghị toàn quốc về du lịch diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội nghị toàn quốc về du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp (điểm cầu tại Văn phòng Chính phủ) và trực tuyến (điểm cầu các địa phương tham dự Hội nghị).
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương cả nước, ngành Du lịch đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng.
Lượng khách du lịch nội địa thiết lập kỷ lục mới, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trên bình diện quốc tế tăng đáng kể và nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành Du lịch trong nền kinh tế sau thời gian hơn 2 năm dịch bệnh có chuyển biến tích cực.
Những năm vừa qua, ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trước dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đã tăng 2,3 lần trong vòng 4 năm, từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 22,7%/năm.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành Du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019.
Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã bước đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Năm 2021, Việt Nam đón khoảng 3.800 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, công suất buồng bình quân ước chỉ đạt khoảng 5%, chỉ có 25% lao động du lịch được tham gia công việc toàn thời gian, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ 2020.
Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (vẫn giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so kế hoạch.
Với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được UNWTO đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực.
Ngay sau khi mở cửa, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường toàn cầu của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh.
Chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt khách và lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4/2022 đã bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại…
Tạo đột phá cho phát triển du lịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh Nhân Dân.
Phát biểu tai hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ năm 2023 trở đi, các rào cản xuất nhập cảnh do dịch Covid-19 sẽ được dỡ bỏ. Bước chuyển mình này sẽ mang đến những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, cạnh tranh giữa ta với các thị trường du lịch khác.
Để ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra, cần giải quyết những vấn đề trước mắt và dài hạn.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp nghiêm túc thảo luận, phân tích thực trạng, cơ hội, thuận lợi, khó khăn; nguyên nhân phát triển du lịch trong thời gian qua, bài học kinh nghiệm và giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới; kinh nghiệm phát triển du lịch quốc tế…
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, trả lời các câu hỏi về: Phát triển du lịch đã đi đúng hướng, phù hợp chưa? Các bộ, ngành, địa phương đã khai thác, phát huy hết các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh du lịch chưa? Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã tốt chưa? Tại sao vẫn còn tình trạng làm du lịch manh mún, thiếu bền vững? Tại sao tỷ lệ khách quốc tế trở lại Việt Nam vẫn thấp?...
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đề xuất, hiến kế các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng; xúc tiến, quảng cáo du lịch; bảo đảm y tế, môi trường; phát triển văn hóa liên quan đến du lịch; huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để phát triển du lịch; chính sách thị thực, chính sách lao động, công nghệ... Tạo đột phá cho phát triển du lịch.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành Du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc. Thủ tướng gợi ý nên chăng có phong trào chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế - xã hội và du lịch nhanh, bền vững.
Hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh
Thủ tướng đề nghị các đại biểu hiến kế để tạo đột phá cho phát triển du lịch.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới: đối với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.
Tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Trong đó, tham mưu, báo cáo đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hoặc cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch (hệ thống sân bay, bến cảng; phương tiện vận chuyển, dịch vụ du lịch có quy mô lớn; hệ thống chỉ dẫn công cộng theo hướng hiện đại...). Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp nhu cầu và biến động của thị trường du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch, nhất là mời các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới vào Việt Nam. Hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế; Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an và một số bộ, ngành sửa đổi quy định liên quan visa; nghiên cứu theo hướng các chủ thể, cá nhân, đối tượng đủ điều kiện thuận lợi, tiêu chuẩn du lịch thì không cần giới hạn, hoặc giới hạn ở mức độ nào đó để cải tiến, cân bằng hài hoà, lệ phí hợp lý, thúc đẩy phát triển du lịch.
Xây dựng sản phẩm du lịch xanh, bền vững, tài trợ kinh phí cho các hoạt động du lịch. Xây dựng kế hoạch cạnh tranh du lịch đối với các thị trường khác; mở rộng cấp visa điện tử, các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước phải quán triệt vấn đề này. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “Hội tụ trí tuệ, lan toả lợi ích”.
Uyên Thư (T/h)