NFC có thực sự cần thiết với người dùng Việt Nam?
Hiện nay, việc trang bị chip NFC trên thiết bị di động ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người dùng vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ này, đồng thời, NFC chưa thực sự cần thiết tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam.
NFC (Near Field Communications) là công nghệ kết nối không dây trong phạm vi ngắn. Thông thường khoảng cách tiếp xúc giữa hai thiết bị sẽ dưới 4 cm khi đó kết nối được thực hiện. Có nghĩa là khi hai thiết bị đều có kết nối NFC, bạn có thể chạm chúng vào nhau để kích hoạt tính năng này và nhanh chóng truyền tập tin gồm danh bạ, nhạc, hình ảnh, video, ứng dụng hoặc địa chỉ website...
TecTiles NFC của Samsung. Ảnh: Internet
Một số người dùng thường nhầm lẫn việc NFC là đường truyền dữ liệu nhanh hơn Bluetooth. Thực chất NFC chỉ là một giao tiếp giúp việc chuyển dữ liệu đơn giản hơn, đốt cháy giai đoạn đồng bộ giữa các thiết bị thông qua Bluetooth. Điều này sẽ giảm thiểu thời gian gửi tệp tin giữa hai thiết bị. NFC chi là phương thức giao tiếp, còn phương thức truyền tải vẫn do Bluetooth hay WiFi Direct đảm nhiệm.
Việc giao tiếp thông qua NFC cũng đảm bảo tính bảo mật khi hai thiết bị phải được chạm vào nhau rồi mới kích hoạt tính năng này, việc phạm vi truyền tải ngắn sẽ giảm thiểu những mưu đồ tấn công trung gian.
Những tính năng chính của NFC
Việc sử dụng NFC được chia thành 4 nhóm: Touch and Go (hỗ trợ mở cửa chẳng hạn), Touch and Confirm (bổ sung thêm lớp bảo mật khi thanh toán thông qua di động), Touch and Connect (tính năng chia sẻ dữ liệu thông dụng) và cuối cùng là Touch and Explore (khám phá những dịch vụ được cung cấp).
Rõ ràng, với sự phát triển một cách nhanh chóng của các module NFC trên di động, các dịch vụ hỗ trợ chuẩn giao tiếp này thực sự đã nở rộ. Tại các nước tiên tiến trên thế giới, người ta có thể tìm hiểu thông tin trên một banner thông qua thao tác chạm đơn gian với stick gắn trên banner đó hay một trường hợp khác là menu xuất hiện dưới dạng thẻ tag và chỉ cần chạm vào smartphone bạn có thể đọc được các món ăn của nhà hàng đó.
NFC đang được ứng dụng rộng rãi trên thực tế. Ảnh: Internet
Trên đây là việc giao tiếp với thẻ tag thông dụng. Ngoài ra, Với sự hỗ trợ của NFC, người dùng có thể mở rộng và khai thác hiệu quả các tính năng như : Chia sẻ tập tin: với việc kết nối 1 chạm giữa 2 thiết bị hỗ trợ NFC, người dùng có thể ngay lập tức chia sẻ danh bạ, hình ảnh, bài hát, video, ứng dụng hoặc địa chỉ URL. NFC hỗ trợ kết nối nhanh giữa hai hay nhiều thiết bị để cùng chơi game.
Tại một phương diện khác, công nghệ NFC còn trở thành một phương tiện thanh toán nhanh, gọn và tiện lợi. Cho đến thời điểm này, Samsung và Apple đang dẫn đầu về việc thanh toán di động với Samsung Pay và Apple Pay sử dụng điểm mạnh của NFC.
Dẫu vậy, không phải nơi nào trên thế giới cũng áp dụng rộng rãi các dịch vụ, công cụ hỗ trợ NFC. Đặc biệt là tại Việt Nam, nơi NFC chưa thực sự được áp dụng một cách rộng rãi và chưa cần thiết ở thời điểm hiện tại.
Tại Việt Nam, NFC chưa thực sự cần thiết
Có bao giờ bạn tự hỏi, Samsung Pay hay Apple Pay sử dụng như thế nào chưa? Có bao giờ bạn dùng NFC để trao đổi tập tin với người đối diện một cách thường xuyên? Dám cá rằng điều đó chưa từng xảy ra, ít nhất là đối với người Việt. Bạn sở hữu những chiếc điện thoại đình đám với công nghệ hàng đầu hiện nay và cũng không thiếu đi công nghệ giao tiếp trường gần này.
NFC chưa thực sự cần thiết tại Việt Nam. Ảnh: Internet
Đó là về phía người dùng, còn đối với các nhà phát triển, họ chưa dám áp dụng NFC một cách rộng rãi bởi hai lý do. Một là số lượng người sử dụng smartphone có hỗ trợ NFC chưa thật sự nhiều khiến việc phổ cập ứng dụng, dịch vụ liên quan đến công nghệ này gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, đó việc triển khai gặp nhiều khó khăn về công nghệ, cơ sở hạ tầng và một phần là chi phí xây dựng.
Mặt khác, người dùng thường không có thói quen sử dụng công nghệ cao trong việc tiếp cận với thông tin cũng như các hoạt động thanh toán trực tuyến. Việc sử dụng smartphone cho thanh toán vẫn mang một chút gì đó thiếu tin cậy đối với người dùng. Các phương pháp bảo mật vẫn chưa được áp dụng một cách chuyên nghiệp, hơn thế nữa, người dùng phổ thông sẽ rất dễ mắc phải nhiều sai lầm khi thanh toán qua NFC và dễ bị kẻ gian lợi dụng.
Việc triển khai các dịch vụ NFC chắc chắn sẽ được thực hiện trong tương lai nhờ những lợi thế vô cùng thiết thực. Song, ở thời điểm này, tại Việt Nam, NFC chưa thực sự thiết thực.