Vì sao màn hình AMOLED thường ám xanh?

09:00, 31/03/2015

Màn hình trên thiết bị di động của Samsung luôn được đánh giá cao bởi màu sắc hiển thị sống động, rực rỡ và độ tương phản cao. Song, hầu hết người dùng cho rằng, nhược điểm của màn hình đó là màu sắc quá ám xanh. Tại sao lại như vậy.

Thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, màn hình trên các thiết bị Samsung đã trở nên hoàn hảo và tiệm cận với chuẩn Adobe RGB nhất trên thị trường, đặc biệt là từ Galaxy S5. Tuy nhiên, trở lại một chút, màn hình Super AMOLED của Samsung thực sự ám xanh và nhận rất nhiều ý kiến từ phía người dùng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề này.

Công nghệ màn hình Super AMOLED

Màn hình Samsung sử dụng cho các thiết bị dòng Galaxy S và Galaxy Note có công nghệ nguyên gốc là AMOLED. AMOLED là viết tắt của từ active-matrix organic light-emitting diode (công nghệ màn hình diode phát quang hữu cơ ma trận động) một trong những công nghệ chế tạo màn hình tiên tiến nhất hiện nay. AMOLED sử dụng các pixel OLED gắn trên một tấm film bán dẫn mỏng (TFT) nhằm tạo nên một ma trận pixel, cho phép hiển thị tín hiệu dưới tác động của dòng electron với công dụng tạo nên một loạt các công tắc kiểm soát các pixel.

Công nghệ màn hình Super AMOLED đã gắn liên với sự thành công của Samsung. Ảnh: Internet

Công nghệ OLED không chỉ mang đến cho chúng ta chất lượng hiển thị cao, độ mỏng của OLED mang lại cũng đáng để chúng ta kinh ngạc so với các loại màn hình khác. Không những thế, OLED cũng giảm tổn hao năng lượng tiêu thụ trên các thiết bị. Nắm bắt lợi thế đó, Samsung đã bỏ ra khá nhiều công sức để nghiên cứu và phát triển công nghệ AMOLED.

Trên thực tế, công nghệ này đã được Samsung phát triển và được đặt với tên gọi Super AMOLED. Màn Super AMOLED sở hữu nhiều subpixel hơn so với AMOLED thông thường, có đến 1.152.000 subpixel, nhiều hơn 50% so với con số 768.000 subpixel của màn hình AMOLED. Đồng thời, Bằng cách kết hợp màn cảm ứng (touch panel) và lớp kính trên cùng, Samsung đã tạo ra màn hình có màu sắc nổi bật hơn so với các màn hình AMOLED thông thường và có khả năng hiển thị rõ hơn dưới ánh sáng mặt trời. Công nghệ màn hình này đã được đưa vào các smartphone cao cấp của Samsung như Galaxy S hay Galaxy Note.

Tại sao màn hình Super AMOLED lại ám xanh?

Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, việc màn Super AMOLED thể hiện màu xanh có phần hơi gắt là do việc sắp xếp các subpixel màu theo dạng Pentile RGBG. Thông thường, với một hệ thống hiển thị màu theo chuẩn RGB, có ba màu sắc được dùng để tạo nên tất cả các hình ảnh, đó là đỏ (Red), xanh lá (Green) và xanh dương (Blue). Mỗi một điểm ảnh (pixel) được tạo nên từ các điểm ảnh con (subpixel) gồm ba màu sắc trên. Các điểm ảnh con hiển thị ba màu sắc này có hình dáng và kích thước hoàn toàn giống nhau.

Sự khác nhau giữa sắp xếp ma trận Pentile RGBG và RGBW. Ảnh: Internet

Có hai loại ma trận Pentile, được kí hiệu là RGBG và RGBW. Đối với RGBG, các điểm ảnh con có hình dáng và kích thước không giống nhau. Trong đó điểm ảnh con màu xanh lá có diện tích nhỏ hơn hai màu còn lại, dựa trên độ nhạy của mắt người đối với màu sắc sáng. Và đây cũng là cách sắp xếp mà Samsung lựa chọn cho màn Super AMOLED. Bản thân RGBG đã nói lên việc tăng cường thêm một subpixel có màu xanh có tiết diện nhỏ hơn, điều này khiến màn Super AMOLED có phần ám xanh so với màn chuẩn RGB thông thường.

Cách sắp xếp subpixel theo dạng kim cương trên Galaxy S4 và Note 3. Ảnh: Internet

Trên đây là những giải thích dành cho Samsung Galaxy Note II và Galaxy SIII trở về trước. Còn với Note III và Galaxy SIV lại là một câu chuyện khác.  Samsung đã giới thiệu Galaxy S4 với công nghệ màn hình AMOLED mới cùng khái niệm về subpixel kim cương. Với mô hình ma trận này, mỗi điểm màu trên màn hình sẽ được quyết định bởi 1 subpixel đỏ, 1 subpixel xanh và 2 subpixel màu xanh lá cây. Với mật độ như vậy, khi bạn phóng to tấm nền của màn Super AMOLED bạn sẽ thấy 1 subpixel xanh dương hoặc đỏ luôn bị "kẹp" bởi 2 subpixel xanh lá. Đây chính là nguyên nhân khiến màn hình của Note 3 hay Galaxy S4 ngả xanh khi hiển thị màu trắng.

Ngoài ra, vấn đề này cũng nằm ở điểm ảnh màu xanh da trời của màn hình, do loại vật liệu hữu cơ dùng trong các điểm xanh da trời khiến điện năng đi qua nó không chuyển hóa hoàn toàn thành các hạt photon ánh sáng nên với cùng một lượng điện ánh sáng trên các điểm màu đỏ và xanh lá sáng hơn nhiều so với điểm ảnh màu xanh da trời, điều này sẽ tạo ra cảm giác màu tổng hợp trên màn hình sẽ bị phủ một màu xanh lá do màu xanh da trời không đủ sáng để cân bằng màu sắc.

Dẫu sao việc ám xanh đã thuộc về quá khứ khi công nghệ Super AMOLED hiện nay đã được cải tiến một cách mạnh mẽ sao cho việc hiển thị trở nên chân thật và đồng đều nhất thế giới.

Techz.vn