Những chiến hạm “đáng gờm” do Việt Nam tự đóng
Bảo vệ biển đảo là vấn đề “nước sôi, lửa bỏng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để bảo vệ tốt, không thể thiếu các chiến hạm - những “căn cứ quân sự” trên biển.
- Tàu ngầm Kilo thứ 3 sắp về Việt Nam
- Ngoài Bastion-P và Bal-E, Việt Nam còn có những “khắc tinh” diệt tàu/chiến hạm khác
- Chiến hạm lớp Gepard của Việt Nam, những “quái vật biển”
- Những vũ khí tốt nhất của Nga mà Việt Nam đang có
- Những vũ khí phòng thủ biển tối tân của Quân đội Việt Nam
- Soi “siêu tên lửa” BrahMos Việt Nam sắp có
- Tên lửa “không-đối-không”cực mạnh R-77 của Việt Nam
- Tổ hợp tên lửa của Việt Nam có thể tiêu diệt mọi mục tiêu ở xa đến 120km
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
Biển Đông đang là một trong những “mục tiêu lớn” của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước lớn, có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh. Giữ được vùng biển và các đảo chính là giữ chủ quyền quốc gia của những quốc gia kề biển, trong đó có Việt Nam. Và để giữ biển, đảo, các chiến hạm – những “căn cứ quân sự” nổi và di động trên biển chính là những vũ khí hữu hiệu cần phải có. Dưới đây, xin “điểm mặt” những chiến hạm hiện đại của Việt Nam, và quan trọng hơn là đều do Việt Nam tự đóng, khiến đối phương nể, sợ.
Tàu Cảnh sát biển 8001 và 8002
Ngày 4/10/2014, tại TP.Đà Nẵng, Tổng công ty Sông Thu (thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - CNQP) đã tổ chức lễ hạ thủy tàu Cảnh sát biển 8002 mang tên DN 2000. Đây là chiếc thứ hai cùng lớp, được bàn giao cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Tàu Cảnh sát biển 8002 trước lúc hạ thủy.
Đây là lớp tàu CSB lớn nhất được Việt Nam tự đóng mới và hạ thủy. Chiếc tàu này đạt tiêu chuẩn châu Âu với nhiều trang thiết bị hàng hải chưa từng có trên các tàu vũ trang Việt Nam từ trước tới nay. Được thiết kế để hoạt động ổn định ở điều kiện sóng lớn cấp 9, gió cấp 12, có thể kéo các tàu khác có độ choán nước hàng ngàn tấn trên biển, DN 2000 là tàu Cảnh sát biển cỡ lớn đầu tiên được đóng mới hoàn toàn tại Việt Nam.
Tàu dài 90m, rộng 14m và độ cao mạn tàu là 7m. Khi hoạt động trên biển, DN 2000 có thể đạt tốc độ hải trình tối đa 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động đạt 5.000 hải lý khi chạy ở vận tốc 15 hải lý/giờ, thời gian hoạt động liên tục trên biển 40 ngày đêm. Ngoài ra, tầm kiểm soát và hoạt động của tàu còn được nâng lên nhờ việc mang theo một máy bay trực thăng Ka-28 (Nga) và các trang bị đi kèm.
Trước đó, ngày 23/10/2012, Cục Cảnh sát biển Việt Nam và đại diện nhà máy Z189-Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và hãng đóng tàu DAMEN (Hà Lan) đã tổ chức lễ ấn nút hạ thủy và bàn giao tàu DN 2000 (dựa trên nguyên mẫu OPV-9014) mang số hiệu CSB 8001.
Ngày 25/9/2014, tại Hải Phòng, Công ty TNHH MTV đóng tàu Hồng Hà (Tổng cục CNQP) đã tổ chức bàn giao Tàu pháo TT400TP số hiệu HQ275 (chiếc thứ 4) cho Quân chủng Hải quân.
Trước đó, Tàu pháo mang số hiệu TT400TP số 1 do Công ty đóng tàu Hồng Hà thực hiện đã được bàn giao cho Quân chủng Hải quân để đưa vào sử dụng vào ngày 16/1/2012. Đây là chiếc tàu quân sự hiện đại đầu tiên do Việt Nam sản xuất.
Dàn hỏa lực trên Tàu pháo TT400TP.
Tàu TT400TP là loại tàu chiến hiện đại bậc nhất hiện thời, được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ các đội tàu đổ bộ và tàu hộ tống, thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên biển, tiêu diệt các mục tiêu là tàu đổ bộ và tàu hộ tống của đối phương hay những mục tiêu khác. Đây là lớp tàu pháo hiện đại đầu tiên được Việt Nam tự đóng dựa trên thiết kế sơ bộ mua từ nước ngoài, có nhiều đặc tính ưu việt khi hoạt động tác chiến trên biển. Cụm chữ viết tắt được dịch là: TT nghĩa là "tuần tra", 400 là lượng giãn nước tương đối của tàu, còn TP là "tàu pháo".
TT-400TP có chiều dài 54,16m, rộng 9,16m, lượng giãn nước đầy tải 480 tấn, tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ, tầm hoạt động tối đa 2.500 hải lý. Tàu có thể hoạt động liên tục trên biển trong vòng 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5, chạy trong điều kiện gió cấp 9, 10 và sóng cấp 8.
Tàu TT-400TP được trang bị 1 pháo hạm AK-176M, cỡ nòng 76,2mm, tốc độ bắn tối đa 120 phát/phút, sơ tốc đầu nòng (của đầu đạn) 980m/giây, tầm bắn hiệu quả 10km, tầm bắn tối đa 15,5km, cơ số đạn dự trữ 152 viên.
Pháo hạm AK-176M trên tàu TT-400TP được điều khiển bởi radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02, đặt ở vị trí gần tháp radar của tàu. Nhờ được điều khiển bằng radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02 kết hợp với thiết bị ngắm quang, giúp pháo hạm AK-176M nhằm bắn mục tiêu cực kỳ chính xác, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu. Ngoài ra, AK-176M còn có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay, kể cả tên lửa hành trình chống hạm.
TT-400TP còn được trang bị 1 pháo bắn nhanh AK-630M. Pháo AK-630M có cỡ nòng 30mm, tốc độ bắn tối đa 5.000 phát/phút, sơ tốc đạn đầu nòng 900m/giây, tầm bắn hiệu quả 5km. Tương tự như pháo hạm AK-176M, pháo AK-630M cũng được điều khiển bởi radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02. Pháo AK-630M có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cả trên biển và trên không, kể cả tên lửa hành trình với độ chính xác rất cao. Nhờ tốc độ bắn cao và điều khiển bằng radar kết hợp hệ thống quang tuyến, AK-630M có thể tạo ra một lưới lửa phòng không, tự bảo vệ tàu (chính mình) trước các cuộc tấn công của tên lửa chống hạm, máy bay...
Ngoài 2 loại pháo trên, tàu TT-400TP còn được trang bị 2 bệ gá tên lửa phòng không vác vai Strela hoặc Igla. Tên lửa phòng không vác vai trên tàu TT-400TP có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu là trực thăng hoặc máy bay chiến đấu bay thấp của đối phương.
Tàu tên lửa HQ-378
Sáng 17/7/2014, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân (Quân chủng Hải quân) đã tổ chức lễ tiếp nhận hai tàu tên lửa HQ-377 và HQ-378.
HQ-377 và HQ-378 là loại tàu chiến đấu tên lửa hiện đại, được trang bị vũ khí điều kiển tự động, có nhiều đặc tính ưu việt, lần đầu tiên được triển khai đóng mới tại Việt Nam.
Đây là hai tàu chiến có khả năng cơ động nhanh, được trang bị nhiều khí tài và trang thiết bị hiện đại. Sau khi thử nghiệm thành công, 2 tàu tên lửa được bàn giao cho Lữ đoàn 167-Vùng 2 Hải quân với nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
HQ-377 và HQ-378 là hai tàu chiến đầu tiên trong loạt tàu tên lửa thuộc chương trình đóng tàu 12418 do Tổng công ty Ba Son (Tổng cục CNQP) thực hiện. Dự kiến, cặp tàu thứ 2 sẽ được hoàn thành và bàn giao vào năm 2015.
Ngày 28/4, tại Cam Ranh (Khánh Hòa), Bộ Quốc phòng đã tổ chức nghiệm thu kỹ thuật bắn tên lửa của tàu HQ-377, HQ-378 và một số loại tên lửa khác của Hải quân. Kết quả, tên lửa của các lực lượng đều bắn trúng mục tiêu ngay lần bắn đầu tiên, bảo đảm an toàn tuyệt đối, khẳng định năng lực làm chủ kỹ thuật của công nghiệp đóng tàu Quân đội Việt Nam.
Tàu kiểm ngư KN-781
Ngày 30/6/2014, Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long đã tổ chức bàn giao tàu kiểm ngư KN-781 cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Đây là con tàu hiện đại nhất hiện nay được bàn giao cho lực lượng kiểm ngư do Công ty đóng tàu Hạ Long thực hiện theo thiết kế và công nghệ được chuyển giao từ Tập đoàn Damen (Hà Lan).
Đúng 1 tháng sau (30/7/2014), Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long tổ chức lễ bàn giao tàu kiểm ngư KN-2011 số 2 mang số hiệu KN-782.
Tàu kiểm ngư KN-782 có chiều dài toàn bộ 90,5m, chiều rộng lớn nhất 14m, chiều cao mạn 7m, chiều chìm tối đa 4m, lượng chiếm nước 2.400 tấn, có khả năng hoạt động liên tục 5.000 hải lý trong điều kiện bình thường.
Đặc biệt, tàu còn được gia cố vỏ thép dày và được trang bị cả vũ khí âm thanh tầm xa và vòi rồng phun nước cường độ cực mạnh với khả năng phun nước xa 150m…
Tàu kiểm ngư KN-782 có tính năng cơ động rất cao, có hệ thống két chứa dầu và nước ngọt dung tích lớn; có khu vực cứu nạn, y tế hiện đại và các tính năng ưu việt khác, bảo đảm sẽ là phương tiện tuần tra thực thi pháp luật, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân rất hiệu quả trên các vùng biển của Việt Nam.
Trong buổi làm việc với các Bộ, ngành Trung ương và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy vào ngày 4/6/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định đầu tư đóng thêm 4 chiếc tàu như tàu KN-781 và KN-782, đưa số tàu có lượng giãn nước trên 2000 tấn của lực lượng kiểm ngư loại này lên 6 chiếc. Cùng với 2 tàu kiểm ngư (có cùng công suất như tàu KN-781) đã được bàn giao và đi vào hoạt động, lực lượng Kiểm ngư sẽ có 8 tàu lớn được trang bị hiện đại, có lượng giãn nước trên 2.000 tấn.
Cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý cho đóng thêm 15 tàu kiểm ngư tầm trung. Như vậy, trong tương lai gần với 30 tàu kiểm ngư đã và sắp được bàn giao, cùng với các tàu nêu trên, lực lượng kiểm ngư sẽ có hơn 50 tàu hiện đại.
Thanh Trà (tổng hợp)