BIDV chính thức vào “đường đua” tăng lãi suất huy động

08:54, 01/10/2022

Sau Vietcombank, VietinBank và Agribank thành viên cuối cùng trong nhóm "Big 4" - BIDV chính thức tăng lãi suất huy động thêm 1%/năm tại một số kỳ hạn.

Nếu không tính hai lần tăng lãi suất trong năm nay, lần gần nhất BIDV điều chỉnh tăng lãi suất huy động đã diễn ra từ tháng 7/2019, khi ngân hàng này nâng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng từ 6,9%/năm lên 7%/năm.

Không chỉ riêng nhóm quốc doanh, các NHTM cổ phần khác cũng tăng mạnh lãi suất huy động trong thời gian gần đây với mức lãi suất cao nhất áp dụng tại một số ngân hàng vượt mức 7%/năm, có nơi vượt mức 8%/năm. Việc tăng mạnh lãi suất huy động có thể khiến lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, song cũng kéo theo những lo ngại về đà tăng của lãi suất cho vay.

BIDV là ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big 4 nâng lãi suất huy động.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn sẽ nhạy cảm hơn và có thể tăng từ 0,5-1 điểm % ngay trong quý IV/2022, các kỳ hạn dài sẽ ghi nhận mức tăng cao hơn là từ 1-1,5 điểm %. Từ đó, lãi tiền gửi bình quân toàn ngành dự báo tăng mạnh 1,14 điểm % so với đầu năm, đạt 4.56%.

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất huy động tăng 1,5-2 điểm %, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.

Theo một chuyên gia kinh tế, do thị phần huy động vốn chiếm tới 45% thị trường, động thái tăng mạnh lãi suất của nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước dự kiến sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống tăng lên. Đây cũng là điều mong muốn của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất huy động của BIDV tăng thêm 1 điểm %.

Bởi lẽ, trong lý thuyết tỷ giá hối đoái, điểm hoán đổi tiền tệ (Swap point) thể hiện mức độ chênh lệch lãi suất giữa đồng tiền A và B. Nếu chênh lệch dương thì hỗ trợ cho sự tăng giá của đồng tiền A, theo đó, người nắm giữ đồng tiền A có lợi. Đồng tiền A có lãi suất cao hơn lãi suất đồng tiền B thì tỷ giá của đồng tiền A cũng mạnh hơn đồng tiền B.

“Mặt bằng lãi suất VND tăng lên sẽ giúp tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD rộng hơn để đảm bảo rằng, người nắm giữ VND luôn có lợi hơn nắm giữ USD. Qua đó, áp lực tăng của tỷ giá USD/VND cũng nhẹ bớt, dư địa ứng xử với các đợt tăng lãi suất còn lại từ Fed”, vị chuyên gia trên nói.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng lãi suất điều hành mới vào ngày 23/9, một loạt các ngân hàng thương mại đều có động thái điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động của mình, ở hầu hết các kỳ hạn.

Trước đó, ba "ông lớn" ngân hàng là Vietcombank, VietinBank và Agribank đã tăng lãi suất huy động thêm hơn 1 điểm % ngay sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN. Theo đó, Vietcombank tăng lãi suất huy động từ 0,8-1,3 điểm %, VietinBank và Agribank cũng có mức tăng trương tự.

Thùy Dung (T/h)